Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:06

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:06

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 13:44 ngày 23/03/2023

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý kỹ thuật

Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý kỹ thuật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo hoạt động cung cấp điện tương xứng với quy mô hệ thống điện có công suất đặt đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 23 thế giới.
Theo đó, trong quá trình vận hành, EVN đã đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động giám sát, cung cấp điện; tối ưu vận hành lưới điện hạn chế mất điện, tổ chức phối hợp nhiều đơn vị thi công trên lưới điện khi ngừng cấp điện;  thực hiện đổi mới sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện theo công nghệ CBM (Condition-Based Maintenance); ứng dụng hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin vào công tác quản lý kỹ thuật; kiểm soát chất lượng các điểm tiếp xúc trên lưới điện góp phần đảm bảo an toàn, giảm sự cố, hạn chế việc ngừng/giảm cung cấp điện của khách hàng. 
Ứng dụng flycam trong việc quản lý, vận hành lưới điện (Ảnh: pcdanang.cpc.vn/)
Ngoài ra, cũng trong công tác quản lý kỹ thuật, các đơn vị thành viên của EVN còn thực hiện số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu lưới điện trên nền tảng hệ thống thông tin từ các phần mềm mới được triển khai của EVN; thực hiện vận hành hiệu quả phần mềm PMIS trong khai thác nguồn dữ liệu và khắc phục hạn chế trong công tác báo cáo về kỹ thuật. Đồng thời, các đơn vị còn triển khai lắp đặt và ứng dụng thành công các công nghệ Scada, đo xa, CRM, phần mềm OMS giúp tính toán và khai thác dữ liệu tự động, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát lưới điện trung hạ áp, đảm bảo yêu cầu cung cấp điện toàn quốc. 
Nhờ đó mà trong năm 2022, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN chỉ đạt 6,25%, thấp nhất từ trước đến nay. Đồng thời, trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia, EVN đã triển khai việc ứng dụng công nghệ số trong giám sát, khai thác và vận hành hiệu quả các nguồn năng lượng, bao gồm nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo,.. Trong đó, sản lượng thủy điện ghi nhận sự tăng trưởng với mức trung bình khoảng 4%/năm trong vòng 5 năm gần nhất. Ngoài ra, độ khả dụng, độ tin cậy, hệ số đáp ứng của các tổ máy/nhà máy điện tiếp tục được cải thiện, đa số đạt và đạt tốt hơn các chỉ tiêu kỹ thuật được Hội đồng thành viên EVN phê duyệt trong giai đoạn 2021 - 2025. Độ tin cậy lưới điện phân phối của 5 Tổng công ty Điện lực đều đạt kế hoạch EVN giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý kỹ thuật của EVN vẫn còn một số hạn chế chưa được giải quyết kịp thời. Chẳng hạn trong những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến việc cung cấp nhiên liệu chưa đáp ứng kịp yêu cầu của các nhà máy điện; suất hao nhiệt của các nhà máy nhiệt điện than vẫn còn cao; công tác sửa chữa, quản lý vật tư thiết bị và khắc phục hư hỏng sau sự cố tại các tổ máy vẫn bộc lộ những hạn chế, còn để xảy ra sự cố do lỗi chủ quan trong hoạt động quản lý vận hành, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị…
Tính năng lập lịch thông báo mất điện khách hàng và độ tin cậy thông qua chương trình OMS (Ảnh: evnspc.vn/)
Nhìn nhận từ những kết quả thu được và hạn chế còn tồn tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định việc nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong việc quản lý kỹ thuật là một trong những yêu cầu trọng tâm, hướng đến mục tiêu cơ bản là vận hành an toàn, hiệu quả và đảm bảo môi trường. Trong đó, công tác quản lý kỹ thuật phải có các chỉ tiêu gắn với không xảy ra tai nạn lao động do chủ quan, giảm sự cố hàng năm từ 50% so với năm trước liền kề, tăng hệ số khả dụng các nhà máy điện. Đồng thời, đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng, tập trung vào các tiêu chí để đánh giá chất lượng dịch vụ theo quan điểm khách hàng.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong năm 2023 EVN sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể, bao gồm: nâng cao hiệu quả trong quản trị nhiên liệu, vận hành tối ưu hệ thống nguồn, lưới; bảo dưỡng thiết bị chú trọng theo các phương pháp mới như ECM, CBM; nâng cao ứng dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo môi trường trong quản lý sản xuất, kinh doanh…
Quang Ngọc
lên đầu trang