Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 05:55

Thứ bảy, 20/04/2024 | 05:55

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 07:53 ngày 05/05/2023

Hà Nội chấn chỉnh, siết chặt an toàn thực phẩm tháng cao điểm

Nhằm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong tháng cao điểm ATTP, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP đã liên tục kiểm tra giám sát các địa điểm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nơi phục vụ đông du khách và người dân.
Qua đó, đoàn đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh nhiều vấn đề, từ những vi phạm nhỏ nhất. Từ sự quyết liệt này, các cơ sở dịch vụ ăn uống đã có sự chuyển biến trong kinh doanh, có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Đồng loạt vào cuộc
Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 2.367 cơ sở thực phẩm. Toàn quận đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, bao gồm 11 đoàn kiểm tra liên ngành của phường, 2 đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận và 1 đoàn liên ngành kiểm tra công tác y tế học đường, VSATTP tại các trường học.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Riêng trong đợt cao điểm “Tháng hành động vì ATTP” toàn quận đã kiểm tra, giám sát 227 cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Trong đó, Đoàn liên ngành ATTP quận kiểm tra 18 cơ sở (8 cơ sơ kinh doanh thực phẩm, 5 bếp ăn tập thể, 5 cơ sở dịch vụ ăn uống). Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP 11 phường đã kiểm tra, giám sát 209 cơ sở. Trong đó có 3 cơ sở sản xuất, 31 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 158 cơ sở dịch vụ ăn uống và 17 cơ sở thức ăn đường phố.
Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp cho biết, trong 4 tháng đầu năm, toàn quận đã xử phạt 56 trường hợp vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt là hơn 288 triệu đồng.
Trong Tháng hành động vì ATTP, toàn quận đã xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 230 triệu đồng. Trong đó, cấp quận xử phạt 8 trường hợp với số tiền là 204,5 triệu đồng.
Các nội dung vi phạm chủ yếu là sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay,...
Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm, Đội Quản lý thị trường số 12 đã kiểm tra 21 vụ, xử lý 19 cơ sở với tổng số tiền là hơn 345 triệu đồng. Tổng giá trị hàng hoá tiêu huỷ gần  343 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra tem, nhãn mác sản phẩm tại khu vực bếp nhà hàng Maison Sen Nguyễn Trãi.
Riêng trong đợt cao điểm Tháng hành động vì ATTP, Đội Quản lý thị trường số 12 xử lý 4 cơ sở với tổng số tiền là 47,5 triệu đồng. Tổng giá trị hàng hoá tiêu huỷ là 57,2 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP của Hà Nội cũng đã kiểm tra bếp ăn của nhà hàng Maison Sen Nguyễn Trãi (địa chỉ 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Qua kiểm tra thực tế, ngay đầu vào, khu vực nhập nguyên liệu, không có bàn, giá kệ tiếp nhận thực phẩm đưa vào bếp, thiếu trang bị dụng cụ tiếp nhận thực phẩm tươi sống. Toàn bộ khu vực bếp, nhà hàng sắp xếp chưa khoa học, hợp lý, không có phân khu riêng biệt sơ chế, chế biến thực phẩm một chiều theo quy định.
Nhà hàng chưa có kho bảo quản thực phẩm, bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định, sống, chín lẫn lộn. Đặc biệt, trong khu bảo quản có nhiều hoá chất (chất tẩy rửa, bình gas…), dễ nhầm lẫn, gây nguy hiểm.
Trong khu vực chế biến, nhà hàng vệ sinh chưa sạch sẽ. Bên cạnh đó, nhà hàng lưu mẫu thực phẩm sai quy định về số lượng, ghi chép thông tin… Sổ kiểm định 3 bước không đúng quy định.
Ngoài ra, nhà hàng chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý về nguyên liệu thực phẩm, không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ thực phẩm đưa vào nhà hàng.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm
Trong khi đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 2.702 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong quý I/2023, toàn quận đã tổ chức kiểm tra 877 cơ sở, xử phạt 63 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 291 triệu đồng.
Ngoài ra, thu giữ, tiêu huỷ hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng thực phẩm trị giá hơn 200 triệu đồng. Riêng trong những ngày đầu của Tháng hành động vì ATTP (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), quận đã kiểm tra được 60 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền 11,5 triệu đồng.
Theo Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn, qua công tác triển khai, quận cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác ATTP, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.
Trong hơn 2 tuần qua, 4 đoàn liên ngành ATVSTP TP đã kiểm tra 16 cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả có 7/16 cơ sở đạt, 3 cơ sở chưa xuất trình giấy tờ, 6 cơ sở có vi phạm về ATTP.
Các đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã giao Ban Chỉ đạo ATTP quận huyện, Ban Chỉ đạo 389 và Sở Công thương tiếp tục làm việc, xử lý vi phạm và báo cáo về Ban chỉ đạo ATTP TP.   
Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, các đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục kiểm tra các quận, huyện, thị xã và giao cho các địa phương kiểm tra xã, phường, thị trấn.
“Tuy nhiên, với những quận trung tâm TP, nơi có nhiều khách du lịch, đoàn kiểm tra yêu cầu Ban chỉ đạo và quận, huyện, thị xã quan tâm đến các dịch vụ ăn uống trên địa bàn, phục vụ khách du lịch.
Đối với các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch, chúng tôi yêu cầu các nhà hàng, khách sạn phải chuẩn bị tốt về nguyên liệu thực phẩm để phục vụ khách, đảm bảo an toàn trong các dịp nghỉ lễ” - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội nhấn mạnh.
Quan điểm chung của TP là phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về ATTP, phải xử lý theo đúng quy định. Tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.
Để tiếp tục triển khai Tháng hành động vì ATTP đạt hiệu quả, công tác kiểm tra cần xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời tuyên truyền công khai các vi phạm này trên phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo ATTP các địa phương phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở.
Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong
Nguồn: kinhtedothi.vn/
lên đầu trang