Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:24

Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:24

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 07:59 ngày 16/05/2023

Đồng bộ các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận

Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (National Quality Infrastructure, NQI) là yêu cầu, giải pháp quan trọng của nền kinh tế nhằm đồng bộ các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận từ trung ương đến địa phương.
Theo Bộ KH&CN, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 về việc ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao Bộ KH&CN nghiên cứu xây dựng Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đến nay, Bộ KH&CN đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án nêu trên và dự thảo Tờ trình. Bộ KH&CN cũng đã đăng tải dự thảo Quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN để xin ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân.
Bộ KH&CN cho biết, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án, trong thời gian gần đây, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức: 06 cuộc khảo sát, 04 cuộc hội thảo tại ba miền Bắc, Trung, Nam về hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chiến lược tiêu chuẩn hóa; 03 hội thảo về chương trình đảm bảo đo lường tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, 01 chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia đối với chuẩn đo lường; 07 hội thảo về công tác quản lý chất lượng, 05 cuộc khảo sát, đánh giá thực thi các quy định của pháp luật về chất lượng trên phạm vi toàn quốc.
Trên cơ sở rà soát, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã xây dựng và hoàn thiện Đề án, dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế”.
Hồ sơ Dự thảo Đề án đã được gửi lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, Hội, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Bộ KH&CN đã tổng hợp giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án từ các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và hoàn thiện dự thảo Đề án.
Việc phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Ảnh minh hoạ
Căn cứ xây dựng Đề án
Dự thảo Đề án được xây dựng trên cơ sở các căn cứ bao gồm: Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo đó Mục Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 bao gồm nội dung: Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế;
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thể hiện những tác động tích cực, chủ động của Việt Nam tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thể chế về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ.
Quan điểm xây dựng Đề án
Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (National Quality Infrastructure, NQI) là yêu cầu, giải pháp quan trọng của nền kinh tế nhằm đồng bộ các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận từ trung ương đến địa phương; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Tập trung các nguồn lực của quốc gia để phát triển hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận; thống nhất từ trung ương đến địa phương; kết nối và chia sẻ thông tin, dữ liệu về NQI; hình thành và phát triển các tổ chức tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận đạt trình độ khu vực, quốc tế.
Tuân thủ các quy định về minh bạch hoá, hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại các hiệp định mà Việt Nam đã cam kết; nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam sang các quốc gia phát triển; tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ môi trường, an toàn sức khoẻ cộng đồng, hướng tới mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững.
Theo: VietQ.vn
lên đầu trang