Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 08:41

Thứ năm, 25/04/2024 | 08:41

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:21 ngày 18/05/2023

Thành tựu đỉnh cao của khoa học dầu khí

Một trong những thành tựu đỉnh cao về KHCN dầu khí, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là cụm công trình của Vietsovpetro về “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”, đây là công trình mà TS Ngô Thường San là một trong những thành viên có đóng góp tích cực.
Sau giải phóng, Đảng và Nhà nước xem dầu khí là cứu cánh của nền kinh tế vì khi đó đất nước không có tài nguyên cũng như sản phẩm công nghiệp nào có thể vực dậy kinh tế sau chiến tranh. Đặc biệt, giai đoạn đó khủng hoảng năng lượng của nước ta rất trầm trọng. Vì ngay cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì trong nước luôn có 2 triệu tấn dầu, một triệu tấn do Liên Xô giúp ở phía Bắc và 1 triệu tấn của Mỹ ở miền Nam. Đến năm 1975 thì chỉ còn 1 triệu tấn của Liên Xô, mà Liên Xô lúc đó cung cấp không đầy đủ nên vấn đề năng lượng cho nhu cầu cuộc sống và sản xuất rất nan giải và cấp bách.
TS. Ngô Thường San nhớ lại, khi ông trình bày tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam năm 1975 trước Bộ Chính trị thì Tổng Bí thư Lê Duẩn và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng rất phấn khởi. Đồng chí Lê Duẩn lúc đó trăn trở phải làm cách nào cho thật nhanh để đến năm 1980, tức là sau 5 năm nữa là có dầu, nhanh chóng giải quyết khủng hoảng năng lượng và hy vọng đó cũng sẽ là cứu cánh cho nền kinh tế sau chiến tranh.
Để thúc đẩy tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, Chính phủ đã ký một loạt hợp đồng với các công ty tư bản như Deminex (CHLB Đức), Agíp (Italia), Bow Valley (Canada) để họ thăm dò dầu khí, nhưng cùng sự cấm vận của Mỹ và các yêu sách không được chấp nhận, khó khăn do cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới…, các công ty tư bản lần lượt rút khỏi Việt Nam. Từ năm 1980, Bộ Chính trị đã quyết định đàm phán và dựa vào sự giúp đỡ toàn diện của Liên Xô. Ngày 3/7/1980, Việt Nam ký với Liên Xô Hiệp định về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đến ngày 19/6/1981, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô ký Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro.
Khi đó, Liên Xô cử sang nước ta nhiều chuyên gia dầu khí có kinh nghiệm, rất nhiệt tình, làm việc cống hiến, hăng say với quyết tâm sớm xây dựng cho Việt Nam ngành công nghiệp dầu khí để có thể tự trang trải cho mình, nghĩa là cho chúng ta “cần câu chứ không cho con cá”.
Và vì mong muốn Việt Nam nhanh chóng xây dựng được nền công nghiệp Dầu khí, phía Liên Xô không theo trình tự của công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí mà rút ngắn các bước thực hiện, thay vì tiến hành tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, đánh giá trữ lượng,… như thông thường, Liên Xô đã dựa trên những tài liệu không đầy đủ đã có trước đó của Mobil và kết quả khảo sát lại, sơ bộ để chính xác hóa vị trí và quyết định xây dựng 2 giàn liên tiếp là MSP-1 và MSP- 2 để bắt đầu khoan với mục đích vừa thăm dò vừa khai thác.
Với vai trò là đại diện phía Việt Nam trong tổ chuyên viên, TS Ngô Thường San khi đó cũng đã thẳng thắn đặt vấn đề tại sao Liên Xô lại quyết định xây dựng hai giàn để khoan luôn mà không qua các quy trình tìm kiếm, xem có dầu hay không, thì ông Seremeta (Trưởng tổ chuyên viên kỹ thuật), người được xem là chấp bút dự án lúc đó phân tích rằng: Thứ nhất là Việt Nam cần và muốn có dầu sớm; Thứ 2 là lúc đó Liên Xô không có giàn khoan di động và cũng không đủ ngoại tệ để đi thuê giàn khoan di động về khoan cho chúng ta, nếu chờ để Liên Xô đóng giàn thì rất lâu, đến khoảng năm 1983; Thứ 3 nếu thiệt hại, khoan không có dầu thì Việt Nam không có thiệt hại gì lớn, bởi hai bên góp vốn, thì Việt Nam bỏ nhân lực, tiền lương, chi tiêu ăn uống và Việt Nam tham gia xây dựng Cảng Dầu khí, Khu 5 tầng (nhà ở cho CBCNV) nên nếu thất bại, Liên Xô rút đi thì Cảng và Khu 5 tầng đó cũng của Việt Nam sử dụng. TS. Ngô Thường San lý giải “Tôi thấy lý lẽ họ đưa ra rất đúng, mặc dù biết rủi ro nhưng họ vẫn làm, lúc đó người ta nói họ sang theo “mệnh lệnh trái tim” là như vậy, họ làm với mong muốn cho Việt Nam “có cần câu để câu cá trên vùng biển của mình”, có thể tự chủ về năng lượng.
Cũng bởi vấn đề rút ngắn quy trình, nên khi khoan những giếng đầu tiên, không phát hiện dầu hoặc cho dấu với sản lượng thấp, áp suất tụt xuống rất nhanh sau đó, ngọn lửa rất leo loét trên các đuốc, thì Vietsovpetro phải đối mặt với áp lực rất lớn của dư luận, các lãnh đạo là người Nga trong Liên doanh sau đó về nước cũng bị truy cứu trách nhiệm, bị kỷ luật, cách chức,…; trong nước một số công việc cũng bị đình chỉ, giảm khối lượng, nhiều cán bộ Việt Nam trong Liên doanh được luân chuyển trở ra Bắc. Giữa lúc công tác tìm dầu rơi vào ngõ cụt, không tìm được lối ra và đối mặt với áp lực dư luận rất lớn, TS. Ngô Thường San và anh em vẫn có một lòng tin tuyệt đối là Việt Nam chúng ta chắc chắn có dầu và trong tâm trí chỉ có một suy nghĩ là làm cách nào để tìm ra dầu. TS. Ngô Thường San hồi tưởng, lúc đó ông vẫn luôn đau đáu là tại sao có biểu hiện dầu trong đá móng ở giếng BH-01 mà kết quả thử vỉa không cho dòng nhưng không chứng minh được.
Trong tình huống đó, câu hỏi đặt ra là đi đâu để tìm dầu, bởi Bạch Hổ là nơi Mobil (Mỹ) cho rằng tốt nhất rồi lại không tìm ra dầu. Và để tiếp tục tìm kiếm, đồng thời xác định diện tích mỏ rộng hay hẹp, cấu tạo như thế nào, TS. Ngô Thường San đề xuất khoan giếng BH-04 ra đầu mút của cấu tạo Bạch Hổ, cách các giếng ban đầu khoảng 1 chục cây số. Ngay lập tức, nhiều ý kiến phản đối cho rằng khoan như thế là quá xa, nếu khoan xuống mà thất bại, không có dầu thì sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng lúc đó, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ủng hộ, trong đó Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười là người đưa ra quyết định cuối cùng đã quyết định là tin tưởng theo Liên Xô và các chuyên gia trong Liên doanh khoan giếng số BH-04 thì tìm ra được dầu, duy trì sự phấn khởi đó.
Một điều quan trọng nữa là hai giàn MSP-1 và MSP-2 đã xây dựng không biết sử dụng như thế nào khi không có dầu? Khi khoan giếng BH-01 đến chiều sâu khoảng 3.050 mét thì xảy ra hiện tượng mất dung dích nghiêm trọng, dung dịch đi vào các khe nứt ở tầng móng và mất đi, tuy nhiên lúc này chúng ta chưa giải thích được hiện tượng mất dung dịch này. Theo nguyên tắc khoan thăm dò là khi dung dịch bị mất có nghĩa là áp suất trong giếng giảm, có thể sẽ gây hiện tượng phun rất nguy hiểm, buộc phải dùng hóa chất, hoặc tìm cách lắp lại để ngăn phun. Trong mạch hồi tưởng, TS. Ngô Thường San nói “cũng may là lúc đó mình không có tiền mua hóa chất để chèn vào, vì nếu chèn hóa chất vào thì sẽ không phát hiện ra dầu được nữa”. Và do không có tiền mua hóa chất, có người đưa ra ý tưởng là dùng rơm, trấu và đất sét trộn đổ xuống để trám lại các khe nứt, giống như cách người dân trộn sét để xây nhà ở nông thôn. TS. Ngô Thường San nhớ lại là khi đó, ông Phan Tử Quang phải chạy qua Di Linh để lấy đất sét về, còn rơm, trấu thì mua từ Bà Rịa, chuyển ra biển ngay trong đêm để trám lại. Sau đó tiếp tục khoan thăm dò. Nhưng khi thử vỉa thì cuộn băng bên trong máy thử vỉa cho đường cong giống như là không có dầu. Kiểm tra thì ông San nhận thấy hiện tượng cả sét với trấu chảy ra, làm cho dung dịch bị nhão và sét tràn vào bít hết các lỗ rỗng của bộ thử vỉa, mà bị bít như vậy thì làm sao có dung dịch để kim đo nhảy được, ông yêu cầu phải làm lại.
Tuy nhiên, thời điểm đó, tàu chứa Krưm được thuê chứa dầu dự kiến sẽ nhận dầu vào ngày 19/5/1986, phải có dầu đưa vào, thấy thử vỉa kéo dài thế thì không được, Tổng Giám đốc Vietsovpetro khi đó là ông Arjanov yêu cầu phải kết thúc thử vỉa ở tầng móng chuyển lên khai thác tầng dầu 23- Mioxen vì theo kết luận chuyên môn tầng móng không cho dòng. Hơn nữa kinh nghiệm thế giới đến thời điểm đó thì móng nằm lót dưới bể trầm tích Đệ Tam là các đá xâm nhập magma granitoid không phải là đối tượng được quan tâm vì tầng này không có dầu, bởi nghiên cứu cho rằng đá magma, đá núi lửa thì không có vật chất hữu cơ để sinh dầu.
Lệnh của Tổng Giám đốc thì bắt buộc phải thực hiện nhưng lòng tin vẫn không tắt, ông San không cho đổ xi măng trám toàn bộ phần móng đang thử và để ngăn ngừa trường hợp xảy ra hiện tượng phun, ông yêu cầu đặt cầu xi măng phần trên nóc móng cách 25 m làm một cầu xi măng 5 mét, với hy vọng sau này có cơ hội khoan phá trở lại.
Trong khi đó, để phát triển khu vực phía bắc mỏ Bach Hổ, do thiếu giàn nên lãnh đạo Vietsovpetro quyết định “cưa chân” giàn số 2 để đưa sang phát triển ở khu vực phía Bắc nơi có giếng BH-04. Tuy nhiên, do một số vấn đề kỹ thuât, thiết bị không đưa sang kịp mà phải chờ cửa sổ thời tiết nên tranh thủ thời gian chờ, ông Ngô Thường San đặt vấn đề với Tổng giám đốc Vietsovpetro là cho khoan phá trở lại giếng BH-01 và ngày 6/9/1988, khi rửa giếng khoan trở lại bắt đầu chạm móng thì dầu phụt lên rất mạnh, khi phun lên có cả trấu và dầu lên. Ngày 6/9/1988 được ghi nhận là ngày lịch sử khai thác dầu trong đá móng granit nứt nẻ và đến nay đã 35 năm “móng mỏ Bạch Hổ miệt mài phục vụ cho ngành công nghệp dầu khí trên 200 triệu tấn dầu”.
Ông Nguyễn Xuân Trúc, lúc đó là Vụ trưởng Vụ 7, đối ngoại của Văn phòng Chính phủ, nhận điện rất ngỡ ngàng dè dặt điện hỏi lại, “San ơi, lưu lượng dầu lên có đúng không, nhiều đồng chí Bộ Chính trị khi nghe chú báo cáo có dầu rất xúc động”.
Khi phát hiện dầu ở lưu lượng lớn thì lại đặt ra câu hỏi đóng giếng hay không đóng giếng? Bởi lúc đó bộ đối áp tối đa chỉ đến 150 at, không thể cân đối với áp suất phun lên rất mạnh có thể 1.000 – 2.000 tấn/ngày. Dập giếng như thế nào với áp lực lớn như thế, “lúc đó không ai đo được mà thấy cháy phùn phụt lên ai cũng sợ cả” mà đối áp cho áp suất lớn như thế lúc đó cũng không có; khai thác thì khai thác bằng cách nào?... Tổng Giám đốc Vietsovpetro mới đưa ra sáng kiến là khai thác bằng cần khoan. Nếu bình thường, cần khoan dùng để bơm dung dịch xuống giếng thì bây giờ đổi ngược lại là biến cần khoan thành cần khai thác. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới thực hiện. Chúng ta khai thác 4 năm bằng cần khoan đến năm 1993, khi áp suất giảm tự nhiên, lúc đó mới sửa chữa giếng, thay đổi đối áp và hoàn tất giếng đúng theo quy định của một giếng khai thác.
Các nhà khoa học dầu khí nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" - Ảnh tư liệu
TS Ngô Thường San nhấn mạnh, thành công của công trình không dừng ở việc phát hiện dầu trong tầng đá móng chưa có tiền lệ trong khoa học dầu khí mà hơn thế nữa là xây dựng được phương pháp luận và hệ phương pháp và công nghệ để khai thác hiệu quả, tối ưu nhất tầng dầu trong đá móng nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp, riêng ở tầng móng trên 4 tỷ thùng và khai thác nhịp độ cao với sản lượng đỉnh trên 13 triệu tấn/năm. Do đặc thù của đá móng granitoid là dầu không chứa trong lỗ rỗng như đá trầm tích mà chứa trong nứt nẻ. Nếu là lỗ rỗng thì việc khoanh vùng, xác định trữ lượng, khai thác dễ dàng hơn còn ở đây dầu chảy trong những khe nứt, hang hốc nên việc xác định thể tích đòi hỏi phải có cách tính khác dựa trên mô hình mỏ, thành phần đất đá, độ rỗng, độ thấm, cơ chế đẩy dầu, sự phân bố dầu,... Và dựa trên những nghiên cứu, tính toán chính xác chúng ta đã xây dựng mô hình địa chất của móng nứt nẻ, mô hình khai thác, áp dụng công nghệ thăm dò, khai thác đặc thù, chia ra các tầng khai thác khác nhau nhằm đạt được hiệu quả cao.
Tiếp đó là cải tạo và xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển dầu thô để thu gom hiệu quả bởi các giếng đều có áp suất, tính chất dầu khác nhau như: dầu, dầu khí, dầu nước, dầu khí nước,…
Với những đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí trong nước và thế giới cả về lý luận và thực tiễn, tên mỏ Bạch Hổ và “tầng dầu trong đá móng granitoid nứt nẻ” đã đi vào các văn liệu dầu khí thế giới; đó cũng là cơ sở quan trọng để phát hiện thêm nhiều mỏ có trữ lượng cao khác ở bể Cửu Long của nước ta. Thành quả này còn mang ý nghĩa kinh tế, được ghi nhận như động lực tăng trưởng nền kinh tế khởi đầu “Thời kỳ Đổi Mới” của đất nước.
Nguồn: petrovietnam.petrotimes.vn/
lên đầu trang