Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:03

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:03

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 11:14 ngày 24/05/2023

Hà Nội phát hiện 2.382 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Trong 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023', Hà Nội đã mạnh tay trong việc thanh tra, kiểm tra.
Ngày 18/5, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) do bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y làm trưởng đoàn đã triển khai công tác bảo đảm ATTP trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 tại Hà Nội. Đoàn đi kiểm tra 4 cơ sở cung cấp nông sản trên địa bàn. Tại khu sản xuất sơ chế thực phẩm An Hòa (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm), trong khuôn viên rộng hơn 10.000m2 là nhiều loại rau đang được sản xuất trong diện tích nhà màng theo quy chuẩn VietGAP.
Chị Trần Thị Thanh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư An Hòa cho biết: “Hiện tại, doanh nghiệp đang có hơn 10 loại rau thủy canh và địa canh cung cấp cho các chuỗi siêu thị. Để đáp ứng nhu cầu rau sạch cho thị trường, cơ sở còn liên kết với một số HTX ở Hà Nội và mở rộng vùng trồng tại Đà Lạt, Mộc Châu. Cùng với đó, cơ sở đang nghiên cứu thử nghiệm sản xuất rau gia vị không cần rửa, rau đóng gói dài ngày.”
Kiểm tra kho gia vị của cơ sở chế biến thực phẩm 3 Brothers. Ảnh: Thúy Vi.
Sau khảo sát, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y ghi nhận sự nỗ lực của cơ sở trong việc xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm đang được sản xuất tại công ty, khu vực sản xuất chính vẫn mang tính mô hình, chưa thực tế. Nếu trong tương lai muốn hướng đến nông nghiệp hữu cơ thì khó đảm bảo các tiêu chuẩn.
Tiếp tục kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm 3 Brothers (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh), đoàn liên ngành đánh giá cao mô hình sản xuất một chiều của doanh nghiệp, đảm bảo khá tốt vệ sinh công nghiệp trong diện tích hạn chế 300m2. Tuy nhiên, theo ông Đặng Tất Thành - chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, khu vực kho gia vị của doanh nghiệp còn sơ sài, chưa đảm bảo an toàn cho nguyên liệu đầu vào, nhãn mác sản phẩm theo công bố và thực tế lại khác nhau có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, phải sớm khắc phục.
Kiểm tra tại mô hình trồng rau của doanh nghiệp An Hòa. Ảnh: Thúy Vi.
Kết thúc buổi kiểm tra thực tế, đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội về việc triển khai các công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023.
Qua thanh tra, kiểm tra 16.275 cơ sở, phát hiện 2.382 cơ sở vi phạm ATTP (chiếm 14,6%). Trong đó, xử phạt hành chính hơn 1.400 cơ sở với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng; tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP 12 cơ sở, đình chỉ hoạt động 66 cơ sở. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhấn mạnh ngay từ sớm TP đã xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, thành lập đoàn liên ngành kiểm tra ATTP. Trong tháng hành động không có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như có những cơ sở ý thức chưa cao về ATTP, chạy theo lợi nhuận; nông sản nhập từ các tỉnh khác khó kiểm soát và chủ yếu được tiêu thụ qua chợ đầu mối nên nguồn gốc không rõ ràng; quy hoạch giết mổ tập trung còn chậm; mô hình liên kết sản xuất chưa bền vững…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội. Ảnh: Thúy Vi.
Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: “Vừa qua, sở đã thực hiện các nhiệm vụ như tuyên truyền, thanh kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho cơ sở đủ điều kiện, tổ chức sự kiện kết nối giao thương các mặt hàng chất lượng, sản phẩm OCOP. Dù trên địa bàn Hà Nội không có vụ ngộ độc thực phẩm nào nhưng cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt trong lĩnh vực đồ ăn uống thay đổi từng ngày thì việc thanh kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm thực phẩm, gây khó khăn cho các cơ sở khi tự công bố, còn cơ quan kiểm tra, giám sát cũng thiếu căn cứ. Với quy định hiện tại thì các cơ sở thuộc diện không được cấp giấy chứng nhận ATTP thì được tự công bố sản phẩm, nhưng khi phát hiện ra việc chậm công bố hay công bố không đúng thì chưa có chế tài xử lý. Nhân lực theo dõi về ATTP còn thiếu, năng lực chuyên môn chưa chuyên sâu”.
Đánh giá về “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 của Hà Nội, Ban Chỉ đạo liên ngành ghi nhận việc các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, cơ bản các cơ sở sản xuất đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, đề nghị báo cáo cụ thể hơn về chỉ đạo, bổ sung chi tiết hơn về các số liệu và làm rõ các hành vi vi phạm.
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội phát hiện 2.382 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm tại chuyên mục Thời sự Nông nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected] hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nguồn: nongnghiep.vn/
lên đầu trang