Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:25

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:44 ngày 31/05/2023

Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam với các giải pháp công nghệ bền vững

Trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng, việc củng cố năng lượng tái tạo và giải quyết các thách thức về cân bằng nguồn cung trên cả nước là những ưu tiên hàng đầu về năng lượng, phát triển bền vững tại Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam, ông Yew Wei Nan - Giám đốc Kinh doanh GE Gas Power, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ về vai trò của các công ty công nghệ như GE trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường cơ sở hạ tầng lưới điện tại Việt Nam.
Ông Yew Wei Nan - Giám đốc Kinh doanh GE Gas Power, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thưa ông, ông có ấn tượng như thế nào về một thị trường trẻ với nhu cầu năng lượng lớn như Việt Nam? Những vấn đề quan trọng nhất của thị trường Việt Nam là gì?
Ông Yew Wei Nan: Trong 30 năm hoạt động tại Việt Nam, GE đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quốc gia. Việt Nam đóng một vai trò chiến lược đối với GE, vì vậy, chúng tôi tự hào được chứng kiến sự đi lên của thị trường này trong thời gian qua.
Vấn đề chính hiện nay mà các quốc gia đang gặp phải là đảm bảo năng lượng có thể truyền tải, cung cấp khi cần thiết. Để giải quyết thách thức này, GE mang tới những giải pháp thiết thực, đặc biệt tối ưu hóa khả năng điều phối các nguồn năng lượng. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác ngành điện, những giải pháp này là chiến lược hiệu quả góp phần điều phối năng lượng, trong đó bao gồm tích hợp các nguồn tái tạo, tối ưu hóa quy hoạch điện và đảm bảo cung cấp nguồn điện đáng tin cậy.
Hơn nữa, các giải pháp tài chính năng lượng có thể tạo điều kiện tài trợ và đầu tư, nhằm nâng cao khả năng điều phối của lưới điện. Những giải pháp hỗ trợ này đã góp phần tạo nên một hệ thống năng lượng linh hoạt, đáng tin cậy, giúp tăng cường khả năng phục hồi và tăng hiệu quả tổng thể của lưới điện.
Ứng dụng những giải pháp trên vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam sẽ tạo nên những tác động đáng kể khi kinh tế phát triển, nhu cầu về điện và nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng tăng. Trong tình hình đó, GE cung cấp giải pháp về nhiều nguồn năng lượng khác nhau (bao gồm khí đốt, gió, năng lượng mặt trời với chuyên môn cao về cơ sở hạ tầng lưới điện).
Dù năng lượng hạt nhân có thể được xem xét trong tương lai dài hơn, hiện tại các giải pháp năng lượng toàn diện của GE đã được chuẩn bị tốt để đáp ứng bất cứ yêu cầu nào về năng lượng, đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Khi xem xét những thách thức về cung cấp năng lượng tại các khu vực khác nhau, tầm nhìn đối với một mạng lưới năng lượng mạnh ở Việt Nam giúp đảm bảo cung cấp năng lượng cân bằng và đáng tin cậy trên cả nước là gì, thưa ông?
Ông Yew Wei Nan: Trong vòng 10 đến 15 năm qua, ngành Điện Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể. Trước đây, phần lớn nhà máy điện tập trung ở miền Bắc, trong khi nhu cầu sử dụng ở miền Nam lại khá cao. GE đóng vai trò quan trọng trong việc nâng công suất của đường dây điện 500 kV giúp giải quyết những thách thức trong việc truyền tải điện năng từ Bắc vào Nam.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã có nhiều thay đổi. Hoạt động sản xuất điện không còn chỉ tập trung ở phía Bắc và điều này lại tạo ra những thách thức mới, ví dụ như các vấn đề xoay quanh việc ổn định các nguồn năng lượng tái tạo ở phía Nam. Mặc dù có những kế hoạch đầy tham vọng về năng lượng tái tạo trong khu vực, nhưng việc cung cấp điện liên tục gặp rất nhiều khó khăn, do bản chất khó dự đoán của các loại năng lượng này, điển hình như năng lượng mặt trời và gió.
Bên cạnh đó, Việt Nam có sự kết hợp đa dạng các nguồn năng lượng, với tiềm năng thủy điện đáng kể ở miền Bắc và các nhà máy điện than cùng một số nhà máy điện khí ở miền Nam. Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo ở phía Nam đã làm nảy sinh thêm một vấn đề. Các nhà phát triển năng lượng tái tạo thường phải đối mặt với việc cắt giảm công suất do những hạn chế của lưới điện trong việc quản lý sản xuất điện dư thừa.
Do đó, có hai vấn đề chính cần tập trung:
Thứ nhất: Cần phải mở rộng và tăng cường lưới điện để đáp ứng công suất ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo.
Thứ hai: Việc tìm kiếm một giải pháp để ổn định năng lượng tái tạo rất quan trọng. Và những ưu tiên này hiện đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phụ trách giải quyết.
Theo ông, làm thế nào có thể tận dụng công nghệ để hỗ trợ Việt Nam củng cố lưới điện?
Ông Yew Wei Nan: Tôi thấy rằng tua bin khí, đặc biệt là dòng tua bin siêu hiệu suất 9HA mang lại tính linh hoạt cao hơn và thời gian đáp ứng nhanh hơn cho lưới điện so với các nhà máy điện than. Tua bin 9HA có thể tăng công suất lên đến khoảng 70 đến 80 MW mỗi phút, giúp nhanh chóng cân bằng với sự gia tăng sản xuất năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, GE cung cấp một công nghệ khác - tua bin khí Aero, với thời gian đáp ứng nhanh, khả năng khởi động trong vòng 5 phút, hoặc thậm chí nhanh hơn và luôn sẵn sàng phát điện. Tuy nhiên, loại tua bin này lại hoạt động không hiệu quả bằng các tua bin khí công suất lớn như 9HA. Do đó, phải cân nhắc thật kỹ để đạt được sự cân bằng phù hợp giữa hiệu quả và khả năng đáp ứng, vì đây là yếu tố rất quan trọng trong việc củng cố lưới điện.
GE đã cung cấp những giải pháp gì giúp hỗ trợ nhu cầu năng lượng của Việt Nam, và kế hoạch tương lai của công ty tại Việt Nam là gì, thưa ông?
Ông Yew Wei Nan: Trong các diễn đàn, GE đã thể hiện cam kết hỗ trợ và đưa ra các giải pháp khác nhau, đóng góp tích cực cho lĩnh vực năng lượng. Tại Việt Nam, chúng tôi đã thành lập các nhà máy sản xuất, đặc biệt là máy phát điện tua bin gió phục vụ cho nhu cầu cao trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, chúng tôi còn đóng vai trò thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường năng lượng Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiểu về thủ tục hành chính và kết nối với các bên liên quan tại địa phương, chúng tôi đã giúp thu hẹp khoảng cách này bằng cách tạo điều kiện kết nối giữa các nhà đầu tư, nhà phát triển địa phương, từ đó thúc đẩy các dự án và sáng kiến.
Chúng tôi cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác hiệu quả với EVN và Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA). Những quan hệ đối tác này đã góp phần thúc đẩy ngành năng lượng tại Việt Nam.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và GE có quan hệ đối tác bền chặt và sự hợp tác của chúng tôi mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm mở rộng lưới điện, tích hợp năng lượng tái tạo và dịch vụ tư vấn năng lượng. Ngoài ra, USTDA đã hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu của GE về hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam, giúp tăng cường hơn nữa cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia. Những nỗ lực hợp tác này thể hiện cam kết của GE, EVN và USTDA trong việc thúc đẩy đổi mới, độ tin cậy và tính bền vững trong ngành điện Việt Nam.
Trong kế hoạch tương lai của GE, GE Vernova sẽ được tách ra thành một công ty độc lập. GE Vernova bao gồm toàn bộ mảng kinh doanh năng lượng hiện tại (điện khí, năng lượng mặt trời, gió, hạt nhân, thủy điện, tư vấn năng lượng, dịch vụ tài chính năng lượng và các giải pháp kỹ thuật số cho ngành điện). Kế hoạch tách ra của GE Vernova dự kiến sẽ được diễn ra vào đầu năm sau. Trong lĩnh vực điện truyền thống như điện khí, chúng tôi cung cấp các giải pháp công nghệ. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp kiến thức chuyên môn về năng lượng mặt trời và gió, cũng như những giải pháp dịch vụ về thủy điện.
Đội ngũ tư vấn năng lượng của chúng tôi hỗ trợ các quốc gia trong quá trình chuyển đổi năng lượng bằng các dịch vụ tư vấn giúp lập kế hoạch mạng lưới và các hỗ trợ liên quan khác. Ngoài ra, GE còn có bộ phận dịch vụ tài chính năng lượng đóng vai trò chiến lược bằng cách đầu tư tài chính vào các dự án để thúc đẩy chúng phát triển.
GE đã thực hiện những dự án nào gần đây tại Việt Nam để cải thiện độ tin cậy và bền vững của năng lượng?
Ông Yew Wei Nan: GE đang tích cực tham gia vào các dự án năng lượng tại Việt Nam, trong đó tiêu biểu là Nhơn Trạch 3 và 4 - dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi đã ký hợp đồng và đang triển khai, nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng hai đến ba năm tới.
Bên cạnh đó, GE đã lắp đặt khoảng 500 MW điện gió và hợp tác trong nhiều dự án thủy điện trọng điểm và năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự đóng góp của chúng tôi vào các dự án phát triển năng lượng khác nhau.
Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia, hoặc khu vực để xác định cơ cấu nguồn điện phù hợp. Tua bin khí hiện được coi là công nghệ hiệu quả để bổ sung và ổn định nguồn năng lượng tái tạo. Công nghệ này giúp cân bằng và hỗ trợ cho các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt khi cần nguồn cung cấp điện ổn định do nguồn năng lượng mặt trời hạn chế.
Theo ông, cơ cấu năng lượng nào sẽ là tốt nhất để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu trung hòa cacbon và mục tiêu này có thể được thực hiện như thế nào?
Ông Yew Wei Nan: Việc chuyển sang mục tiêu phát thải cacbon thấp hơn thực sự có thể đạt được với công nghệ hiện tại, cụ thể là giảm đáng kể khoảng 60 đến 70% so với phát thải từ nhà máy sản xuất than. Điều này có thể được thực hiện thông qua sự kết hợp của năng lượng tái tạo, pin lưu trữ và khí.
Để đạt được thành công trong quá trình chuyển đổi này ở Việt Nam cần một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cần có các chính sách rõ ràng của Chính phủ khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển năng lượng bền vững.
Chính phủ Việt Nam sẽ phải giải quyết bài toán khó để cân bằng ba mục tiêu ràng buộc phát triển trong ngành năng lượng (gồm khả năng chi trả, sự ổn định năng lượng và tính bền vững về mặt môi trường). Các chính sách cần đảm bảo rằng: Việc chuyển đổi sang các lựa chọn phát thải cacbon thấp phù hợp với ngân sách của người tiêu dùng, nhưng vẫn ưu tiên tính bền vững và duy trì nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
Vâng, xin cảm ơn ông.
Nguồn: nangluongvietnam.vn/
lên đầu trang