Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 12/10/2024 | 11:22

Thứ bảy, 12/10/2024 | 11:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:40 ngày 13/05/2024

Dấu ấn chuyển đổi số của Bộ Công Thương năm 2023

Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt các các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số tại Bộ Công Thương.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số và chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương từng bước được chú trọng và đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người lao động về sự cần thiết và tính cấp thiết của Chuyển đổi số; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh của Bộ và các đơn vị trực thuộc;
Tuyên truyền về Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Kế hoạch chuyển đổi số Bộ Công Thương; nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ số, kinh tế số; những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số; một số lĩnh vực ưu tiên chuyển đối số; các văn bản chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; cơ chế chính sách về chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, người dân...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị thúc đẩy chuyển đổi số tại Bộ Công Thương nhằm đánh giá thực trạng triển khai chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trong năm 2023 (Ảnh: MOIT)
Nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt về chuyển đổi số, đó là: Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Văn hóa số làm thay đổi cách thức làm việc của mỗi đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Thể chế (chương trình, đề án, cơ chế, chính sách, cách thức triển khai và tổ chức thực hiện chương trình chuyển đổi số) đóng vai trò then chốt đến sự thành công của chuyển đổi số...
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân và doanh nghiệp thay đổi thói quen, khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; Thường xuyên tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số. Các hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số và chính phủ điện tử cũng rất đa dạng như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các ấn phẩm của Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương; truyền thông trên hệ thống báo điện tử, trang/cổng thông tin điện tử, mạng xã hội; truyền thông trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo chuyên đề hoặc các buổi họp chi bộ, giao ban, các buổi làm việc, các cuộc họp chỉ đạo, điều hành…
Việc đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số đã từng bước góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Công Thương.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm dịch vụ
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Bộ Công Thương cũng chú trọng phát triển dịch vụ công trực tuyến trong năm 2023. Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Kết quả, đến thời điểm này, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đang cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) (228 DVCTT toàn trình, 08 DVCTT một phần), với hơn 49.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ nộp qua các DVCTT của Bộ trong năm 2023 là 1.969.374 bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến
Bộ.
Trong năm 2023, Bộ Công Thương thông qua các kênh liên lạc khác nhau như điện thoại, email đã hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các TTHC, DVCTT. Tổng số lượt hỗ trợ vào khoảng hơn 16.000 lượt. Về thanh toán trực tuyến, theo quy định tại Thông tư số 36/2023/TT-BTC ngày 06/6/2023 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), kể từ khi triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức (21/7/2023) đến năm 2023, đã có 709.797 bộ hồ sơ C/O được nộp phí.
Năm 2023, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ công trực tuyến (Ảnh minh hoạ, VNPT)
Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2023 là 300.475 bộ hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), trao đổi 258.163 bộ hồ sơ với tất cả các nước trong khối ASEAN kể từ đầu năm. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh việc trao đổi dữ liệu C/O điện tử mẫu D với ASEAN, hiện nay Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào vận hành chính thức việc trao đổi dữ liệu về xuất xứ hàng hóa điện tử với đối tác Hàn Quốc từ năm 2023. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, dữ liệu điện tử của C/O mẫu VK và Mẫu AK đã được kết nối và trao đổi thông suốt giữa hai bên, tổng số hồ sơ điện tử (C/O xuất khẩu) đã trao đổi với các nước là 117.305 bộ hồ sơ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 129 DVCTT mức độ 3, 4 của Bộ Công Thương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến hết 2023, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đã đồng bộ 1.639.399 triệu bộ hồ sơ điện tử với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Với những kết quả đã đạt được, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương được đánh giá đã phục vụ người dân, doanh nghiệp với chất lượng tốt, ổn định. Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương cũng đã được ghi nhận là một trong 03 Cổng Dịch vụ công đứng đầu trong khối các Bộ, ngành đạt hiệu quả tốt cả về chất lượng và số lượng hồ sơ trực tuyến đã nộp.
Xem chi tiết: tại đây
Tố Uyên
lên đầu trang