Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 28/09/2024 | 00:15

Thứ bảy, 28/09/2024 | 00:15

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 15:19 ngày 05/08/2024

Hậu Giang: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP

Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và hoàn thiện công nghệ chế biến, rà soát và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 266 sản phẩm chủ lực đạt chứng nhận OCOP (chứng nhận chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. Trong đó, 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao.
Ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp trong việc sản xuất sản phẩm đạt chuẩn OCOP tại Hậu Giang. Ảnh: baohaugiang.com.vn
Chỉ tính riêng thị xã Long Mỹ, sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay đã có 45 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP không chỉ được tiêu thụ tại chỗ, mang tính chất địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong tỉnh và khu vực, cho thấy sản phẩm OCOP của thị xã Long Mỹ đã tạo được lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng.
Hiện nay, sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn, các siêu thị. Một số sản phẩm đã và đang được xuất khẩu qua thị trường quốc tế như Liên minh châu Âu (EU), Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp như: ISO, VietGAP, GlobalGAP, GMP... Cùng với công nghệ sản xuất và chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm, tạo ra các sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng, vừa mang tính thẩm mỹ cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo bộ tiêu chí chấm điểm tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo ba trục nội dung chính: sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, và chất lượng sản phẩm.
Phân hạng sản phẩm OCOP được xác định dựa trên số điểm đánh giá, nhưng sản phẩm được phân hạng phải đạt các yêu cầu tối thiểu theo từng hạng sao, trong đó tập trung vào một số yêu cầu chính sau:
1. Sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương: Sản phẩm OCOP phải sử dụng nguyên liệu địa phương. Sản phẩm đạt 2 sao trở lên thì chủ thể phải sử dụng ít nhất 50% lao động địa phương.
2. Năng lực về sản xuất: Sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên phải đạt được các yêu cầu về năng lực tổ chức sản xuất, trong đó tập trung vào 2 nội dung: chủ thể hoạt động có hiệu quả và tổ chức thực hiện liên kết theo hợp đồng.
3. Chất lượng sản phẩm và khả năng tiếp thị: Sản phẩm OCOP yêu cầu có chất lượng, câu chuyện đặc trưng. Sản phẩm 4 sao phải có chất lượng độc đáo, mang tính địa phương, câu chuyện sản phẩm phải đặc sắc và mang giá trị truyền thống; có kênh phân phối sản phẩm và chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến.
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ, tỉnh xác định nông nghiệp và du lịch là hai trong bốn trụ cột của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đặt ra chỉ tiêu thi đua cho từng địa phương để xác định sản phẩm đặc trưng, đầu tư máy móc, trang thiết bị và cải thiện thiết kế bao bì của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Việc Hậu Giang đang tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ để cải thiện quy trình sản xuất, và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, đã tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP trong tương lai.
Nguồn: vietq.vn
lên đầu trang