Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 27/09/2024 | 16:25

Thứ sáu, 27/09/2024 | 16:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:49 ngày 12/08/2024

Quảng Bình xây dựng kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025

Tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025, với hy vọng ứng dụng các thành tựu khoa học vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Công văn số 63 0/BKHCN-KHTC ngày 01/3/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN và ĐMST) và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2025. Trên cơ sở tình hình thực hiện năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng kế hoạch KH,CN và ĐMST và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2025.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN)
Trong năm 2025, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Quyết định sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và các tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết, kết luận, quyết định, kế hoạch... của Trung ương có liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phương hướng nhiệm vụ chủ yếu
Theo Kế hoạch, hoạt động KH&CN cần có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung nguồn lực cho các nội dung KH&CN có ý nghĩa tác động trực tiếp tới các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ KH&CN năm 2025 phải kế thừa, phát huy những kết quả hoạt động KH&CN năm 2024. Bên cạnh đó, Kế hoạch cần đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong mọi lĩnh vực của đời sống, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là giúp xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống vùng nông thôn, miền núi và vùng ven biển.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: VnEconomy)
Trong đó, về quản lý nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Việc triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung vào việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ cho chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
UBND tỉnh khuyến khích từng bước nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghiệp vào những lĩnh vực truyền thống của tỉnh như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, huy động đa dạng các nguồn đầu tư cho KH&CN, và thực hiện các chính sách thu hút, trọng dụng nhân lực KH&CN.
Về công tác quản lý nhà nước về công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, sở hữu trí tuệ: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách đổi mới, hoạt động chuyển giao công nghệ của Nhà nước đến doanh nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân; công nghệ 4.0 đến tất cả người dân. Từ đó, nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Về công tác thanh tra khoa học và công nghệ: Thực hiện thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm: tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ; thanh tra một số đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án sản xuất, thử nghiệm trong phạm vi quản lý của tỉnh.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ)
Về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TC-ĐL-CL) tại địa phương theo quy định của pháp luật. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về TC-ĐL-CL, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng tăng sức cạnh tranh để hội nhập kinh tế thế giới.
Để KH,CN&ĐMST thật sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nâng cao năng suất lao động chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đề nghị tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong hoạt động KH&CN; nâng cao năng lực quản lý và hoàn thiện pháp lý để phát triển thị trường KH&CN; mở rộng hợp tác khoa học trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ, liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Bên cạnh đó, cần đưa ra những chính sách, đãi ngộ phù hợp để không chỉ đào tạo, thu hút nhân lực KH&CN mà còn khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, áp dụng quản lý chất lượng quốc tế để kết nối những tiến bộ KH&CN với thực tiễn sản xuất và sản xuất nhằm cải thiện kinh tế - xã hội.​
Đức Chung
lên đầu trang