Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:18

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:18

Chính sách

Cập nhật lúc 17:34 ngày 14/11/2018

Xây dựng Chiến lược phát triển công nghệ trong các lĩnh vực ngành Công Thương

Ngày 13/11/2018, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn độc lập để lắng nghe ý kiến đóng góp về xây dựng Chiến lược phát triển công nghệ trong các lĩnh vực ngành Công Thương. Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ điều hành buổi làm việc. 
“Vụ Khoa học và Công nghệ được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ đánh giá trình độ công nghệ trong các ngành công nghiệp hiện nay nhằm đưa ra định hướng, lộ trình đổi mới công nghệ, từ đó xây dựng Chiến lược phát triển công nghệ trong các lĩnh vực ngành Công Thương. Nhiệm vụ nhằm nhìn nhận tổng thể bức tranh công nghệ của toàn ngành Công Thương. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và kinh phí. Do đó, Vụ Khoa học và Công nghệ rất mong nhận được những thông tin hữu ích và kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia tư vấn trong suốt quá trình triển khai nhiệm vụ.” -Ông Trần Việt Hòa cho biết.  
Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì buổi họp
Theo bà Nguyễn Thị Thu Oanh – đại diện nhóm tư vấn, trước tiên cần xây dựng phương pháp luận về phát triển lộ trình đổi mới công nghệ; thử nghiệm phương pháp luận này vào một ngành công nghiệp cụ thể từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai và tiếp tục hoàn thiện. Phương pháp luận về xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ của nhóm chuyên gia tư vấn gồm 4 bước: (1) xây dựng bản đồ công nghệ; (2) đánh giá trình độ công nghệ; (3) xây dựng lộ trình công nghệ và (4) xây dựng chiến lược phát triển công nghệ. 
Để xây dựng bản đồ công nghệ, nhóm chuyên gia sẽ dựa vào thông tin về các công nghệ đang được sử dụng hiện nay, từ đó dự đoán về những công nghệ mới sẽ được sử dụng trong những năm tiếp theo để lên danh mục về những công nghệ quan trọng đối với từng ngành công nghiệp. 
Nhóm chuyên gia tư vấn độc lập
Đối với việc đánh giá về trình độ công nghệ, các nhà nghiên cứu sẽ xem xét dựa trên 4 nhóm tiêu chí lớn về nguồn lực công nghệ, nguồn nhân lực (tiềm lực và năng lực), tin lực (tri thức và tài sản trí tuệ) và tổ chức (năng lực, cơ cấu tổ chức và nguồn lực). Phương pháp đánh giá của nhóm tư vấn là sự tổng hợp của Thông tư 04/2014/TT-BKHCN ngày 08/04/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất và kinh nghiệm quốc tế. 
Theo các chuyên gia, lộ trình đổi mới công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và đánh giá hiệu quả của các chiến lược, chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ trong từng giai đoạn. Ngoài ra, nó còn giúp cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhận diện các công nghệ quan trọng sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm ưu tiên trong tương lai. Lộ trình đổi mới công nghệ phải được xây dựng dựa trên việc phân tích thị trường và nhu cầu khách hàng cũng như lộ trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Những minh chứng cụ thể về mối quan hệ giữa lộ trình đổi mới công nghệ và lộ trình sản phẩm đã được các chuyên gia dẫn chứng và phân tích. 
Các chuyên gia đề xuất Bộ Công Thương thành lập 01 nhóm thực hiện gồm Đại diện cơ quan quản lý và nhóm tư vấn độc lập, cùng nhau áp dụng thí điểm phương pháp luận trong thời gian tới.
Vụ trưởng Trần Việt Hòa trao đổi với chuyên gia tư vấn
Trao đổi với nhóm chuyên gia, Vụ trưởng Trần Việt Hòa đặt ra câu hỏi về những thách thức mà nhóm thực hiện phải đối mặt trong quá trình áp dụng thí điểm phương pháp luận. Bao gồm khó khăn trong việc thu thập thông tin về thực trạng áp dụng công nghệ tại các doanh nghiệp Việt Nam, khó khăn trong việc thay đổi quan điểm của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc nghiên cứu và đổi mới khoa học công nghệ.
TS. Michael Braun, thành viên nhóm tư vấn tin rằng các khó khăn trên sẽ được khắc phục với phương pháp tổ chức hội thảo tuyên truyền và đến gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với việc tham gia của đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, là cơ quan quản lý nhà nước, việc thu thập dữ liệu sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhóm tư vấn dự kiến, có thể áp dụng thí điểm và hoàn thiện phương pháp luận về xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ trong thời gian 01 năm. 
Bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung chuyên gia chuyên ngành vào nhóm thực hiện bởi chỉ có chuyên gia chuyên ngành mới có thể nắm vững về những công nghệ đang và có triển vọng áp dụng trong ngành. 
Kết thúc buổi trao đổi, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ và nhóm chuyên gia tư vấn độc lập đều thống nhất rằng việc lựa chọn ngành công nghiệp để triển khai thí điểm phương pháp luận về xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ đặc biệt quan trọng. Vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn luận trong những buổi họp sắp tới. Bộ Công Thương rất hoan nghênh cách thức tiếp cận mới mẻ của nhóm nghiên cứu. Bộ Công Thương sẽ tích cực đẩy nhanh tiến độ để việc thí điểm được thực hiện vào đầu năm 2019. 
Nhiệm vụ xây dựng bản đồ, lộ trình và đổi mới công nghệ là một trong 18 nhóm nhiệm vụ của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng chính phủ.
Bản đồ công nghệ được hiểu là tài liệu cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại công nghệ; trình độ, năng lực công nghệ; xuất sứ và đối tượng sở hữu công nghệ; khả năng ứng dụng và khai thác công nghệ; tầm quan trọng và giá trị công nghệ. (Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ). 
Lộ trình đổi mới công nghệ là quá trình xác định mục tiêu, nội dung, trình tự, phương án sử dụng nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong một thời gian xác định. (Theo TS. Đỗ Hữu Hào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương). 
Vụ Khoa học và Công nghệ 

lên đầu trang