Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:34

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:34

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:57 ngày 15/11/2018

Vĩnh Phúc: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI

Theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... trên địa bàn tham gia các hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN). Tuy nhiên, hình thức CGCN giữa doanh nghiệp FDI và DDI trên địa bàn thời gian qua vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi.
Lắp ráp động cơ xe ô tô tại Công ty Toyota Việt Nam. Ảnh: Trà Hương
Tỉnh ta đang trên đà phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, việc thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược để tỉnh hoàn thành mục tiêu này. Với cơ chế thông thoáng, chính sách đồng bộ trong việc thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, SXKD, đến nay, tỉnh có 18 khu công nghiệp với quy mô trên 5.200ha; trong đó có 11 KCN được thành lập với tổng diện tích hơn 2.300ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 72%.
Đã có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư vào các KCN trên địa bàn với 281 dự án; trong đó có 51 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng và 230 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 50 - 65% tổng giá trị xuất khẩu, 30 - 45% tổng thu ngân sách của tỉnh và tạo việc làm cho hàng vạn lao động.
Thành công trong việc thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào địa bàn tỉnh thời gian qua mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp DDI học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ hiện đại trong sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp DDI được CGCN vẫn còn rất ít.
Theo số liệu thống kê từ Sở KH&CN, trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, sở chỉ nhận được 5 – 6 hợp đồng CGCN. Nội dung CGCN chưa thực sự rõ nét, chủ yếu theo hình thức lồng ghép trong việc mua bán máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ giữa doanh nghiệp DDI và FDI. Nội dung CGCN chỉ xoay quanh các vấn đề như: Hướng dẫn phương thức vận hành máy móc, thiết bị; đào tạo một số kỹ thuật căn bản trong SXKD; trợ giúp kỹ thuật về nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Theo đồng chí Phan Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH&CN): Nguyên nhân của việc CGCN giữa khối doanh nghiệp FDI và DDI trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do phần lớn hình thức CGCN chỉ được thực hiện từ doanh nghiệp mẹ sang doanh nghiệp con. Các doanh nghiệp DDI chỉ được CGCN khi tham gia vào chuỗi cung ứng, tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp FDI hoặc mua công nghệ từ nước ngoài. Hơn nữa, điều kiện để được CGCN thì các doanh nghiệp DDI phải đảm bảo các yếu tố về: Quy mô đầu tư lớn, có nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật sản xuất hiện đại... mà phần lớn các doanh nghiệp DDI trên địa bàn chưa thể đáp ứng các yêu cầu này.
Hiện nay, hợp đồng đăng ký CGCN trên địa bàn phần lớn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, phanh, sơn. Một số doanh nghiệp FDI lớn thường xuyên thực hiện hoạt động CGCN gồm: Công ty Sản xuất phanh Nissin Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam.
Công ty Sản xuất phanh Nissin Việt Nam, tại xã Quất Lưu (Bình Xuyên) là một trong những doanh nghiệp FDI tiêu biểu trong việc SXKD đạt hiệu quả cao, hàng năm, công ty tích cực đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Nhờ được CGCN hiện đại của Nhật Bản trong sản xuất, trung bình mỗi năm, công ty sản xuất ra 10 triệu sản phẩm phanh xe máy, 5 triệu phanh ô tô chất lượng cao. Ngoài sản xuất các loại phanh đĩa, phanh cơ theo đơn đặt hàng của các công ty: Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Piaggio Việt Nam, công ty còn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước: Nhật Bản, Thailand, Indonesia, Malaysia. Môi trường làm việc trong công ty luôn đảm bảo sạch, an toàn, trở thành doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ uy tín trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, công ty đạt doanh thu khoảng 150 triệu USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 32 triệu USD.
Nhằm thúc đẩy hoạt động CGCN trên địa bàn, năm 2017, Sàn giao dịch Công nghệ và Thiết bị trực tuyến tỉnh Vĩnh Phúc - Vptex.vn được thành lập và đi vào hoạt động, thuộc sự quản lý của Trung tâm Thông tin KHCN &Tin học (sở KH&CN). Sàn giao dịch được xây dựng với nhiều tiện ích trong việc tư vấn, cung cấp thông tin về máy móc, thiết bị công nghệ cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hiện đại, thuận lợi trong việc giao dịch, CGCN. Theo số liệu thống kê, từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có gần 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia sàn. Sản phẩm công nghệ được chào bán tại sàn lên tới hơn 2.300 sản phẩm; đã có hàng trăm doanh nghiệp gửi email cho ban quản trị sàn giao dịch, xin báo giá thiết bị và đề nghị được cán bộ chuyên môn tư vấn, qua đó, sàn đã kết nối được nhiều doanh nghiệp giao dịch thành công.
Để thu hút và thúc đẩy CGCN từ khối doanh nghiệp FDI, theo Nghị quyết 04-NQ/TU năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, tỉnh đã có các chương trình cụ thể với nội dung đổi mới công nghệ, thúc đẩy hoạt động CGCN, kỹ thuật và thương hiệu cho doanh nghiệp DDI trên địa bàn. Hỗ trợ các doanh nghiệp thay thế công nghệ lạc hậu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam.
Nhằm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp DDI được CGCN, tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN thực hiện nghiêm ngặt công tác thẩm định các dự án CGCN, phát hiện và ngăn chặn kịp thời công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều nguyên liệu gây lãng phí về tài nguyên thiên nhiên…
Theo Báo Vĩnh Phúc
lên đầu trang