Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:52

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:52

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 10:45 ngày 15/07/2019

Thực trạng năng suất của nền kinh tế Việt Nam qua các năm gần đây và giải pháp cho các năm tiếp theo

TÓM TẮT:
Những năm gần đây, vấn đề nâng cao năng suất của nền kinh tế nói chung đã được Chính phủ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Trong gần 10 năm qua, đặc biệt từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 đến nay, năng suất của Việt Nam tăng liên tục và đã có bước thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Tuy vậy, Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương và đang giảm dần. Bài viết này phân tích thực trạng năng suất của Việt Nam qua các năm gần đây, đồng thời đề xuất một số giải pháp cho các năm tiếp theo.
Từ khóa: Năng suất, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp.
1. Năng suất lao động của nền kinh tế
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động), tăng 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017 (tương đương 346 USD). Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2018 tăng 5,93% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm. Tăng NSLĐ của năm 2018 cao hơn mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hằng năm đưa ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm cao hơn 5,5%”. 
Bảng 1. NSLĐ của người lao động Việt Nam  giai đoạn 2009 - 2018
Bằng phương pháp tổng hợp số liệu và phân tích, bảng số liệu tổng hợp trên cho thấy, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng 4,35%/năm và giai đoạn 2011-2018, tốc độ tăng NSLĐ bình quân là 4,88%/năm. Xét riêng năm 2017-2018, tốc độ tăng bình quân đạt 5,99%/năm. 
Năng suất lao động tính theo giá thực tếDo bản chất NSLĐ chính là GDP/số người lao động nên để có cái nhìn rõ hơn về NSLĐ cần đặt nó trong mối tương quan của GDP. Dựa trên số liệu tổng hợp từ báo cáo tình hình kinh tế các năm của Tổng cục Thống kê, tác giả xây dựng Biểu đồ tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam qua các năm.
Tốc độ tăng trưởngSử dụng phương pháp phân tích từ kết quả biểu đồ cho thấy, GDP giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân 5,91%/năm, trong đó do tăng NSLĐ 4,35% (đóng góp 84,4% vào tăng GDP). Năm 2016 - 2017, với tốc độ tăng GDP bình quân 6,51%/ năm, đóng góp do tăng NSLĐ 6,09% (đóng góp do tăng NSLĐ lên tới 93,5%). Năm 2017-2018, với tốc độ tăng GDP bình quân 6,95%, đóng góp do tăng NSLĐ 5,93% (đóng góp 85,3%). Số liệu này cho thấy tăng NSLĐ ngày càng có vai trò lớn hơn trong tăng GDP của Việt Nam nhưng trong năm 2018 đang có sự sụt giảm. Biểu đồ trên cho thấy sự biến động cùng chiều của GDP và NSLĐ thể hiện vai trò của NSLĐ là động lực chính tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Có thể thấy NSLĐ của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 10 năm 2008-2017, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm); Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philipin (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm). Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philipin. Đáng chú ý là chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước. Tổng cục Thống kê dẫn chứng nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD (năm 2006) lên 131.333 USD (năm 2016); tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.
Cùng với đó, Tổng cục Thống kê cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN, như: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi NSLĐ ngành Nông nghiệp ở nước ta còn thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, vẫn còn một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua, như: Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.
2. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế “Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%”.
Có thể thấy, tốc độ tăng TFP liên tục qua các năm và cùng chiều với tốc độ tăng GDP. Tổng thể cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang dựa nhiều vào tăng chất lượng, thay vì tăng về số lượng của vốn và lao động. Điều này là do xu hướng tăng lên của TFP đóng góp vào sự tăng trưởng chung và ổn định của GDP. Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng như nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn.
3. Giải pháp nâng cao năng suất cho nền kinh tế
a) Giải pháp về thể chế, chính sách
(1) Tiếp tục thực hiện cải cách thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò của cơ chế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình hội nhập. Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại thị trường, nhất là các thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ…, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
(2) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia cung cấp các dịch vụ công. Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ phù hợp, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
(3) Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan cần nhận thức việc tạo lập chính sách nhằm nâng cao NSLĐ là giải pháp quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Cần có quyết tâm chính trị và cam kết thực hiện các giải pháp nâng cao NSLĐ của Việt Nam. Định kỳ tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp đề ra để kịp thời có các điều chỉnh phù hợp.
(4) Sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia Việt Nam gồm đại diện của Chính phủ, doanh nghiệp, các hiệp hội, công đoàn và giới học thuật. Thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về NSLĐ, có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.
(5) Xây dựng và quyết tâm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao NSLĐ của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong trong từng giai đoạn để NSLĐ nước ta bắt kịp các nước trong khu vực. Nghiên cứu, bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh về năng suất, chất lượng, hiệu quả: Tốc độ tăng năng suất lao động, Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) vào hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
b) Giải pháp nâng cao NSLĐ cho khu vực doanh nghiệp
(1) Tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp có điều kiện tăng cường đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực… góp phần nâng cao NSLĐ. Sử dụng Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ vốn cho nuôi dưỡng và triển khai các ý tưởng sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp. 
(2) Doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giữ vững các thị trường truyền thống và từng bước thâm nhập vào các thị trường hoặc những phân đoạn thị trường cao cấp.
(3) Nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp. Phát huy liên kết giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp để ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất.
(4) Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp theo hướng chú trọng vào chất lượng, hiệu quả; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số ngành, lĩnh vực theo định hướng hỗ trợ của Nhà nước.
(5) Nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, trong đó chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng quản trị hiện đại, chuyên nghiệp; ngoại ngữ, tin học và quản lý hệ thống thông tin doanh nghiệp cho các nhà quản trị doanh nghiệp và doanh nhân.
(6) Có chính sách xây dựng vùng kinh tế, ngành kinh tế trọng điểm phù hợp với lợi thế và tiềm năng của từng vùng, ngành. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình cụm liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Văn Tuần (2018), Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.
2. Tổng cục Thống kê, Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm các năm từ 2009 – 2018.
3. Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam.
4. Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo Điều tra lao động việc làm.
ThS. Nguyễn Thị Hệ (Khoa Kinh tế cơ sở,Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp)
lên đầu trang