Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:44

Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:44

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 09:57 ngày 30/08/2019

TS. Phạm Hữu Tuyến: Nhiên liệu sinh học khơi nguồn sáng tạo

Khi tiếp cận hướng nghiên cứu về nhiên liệu thay thế và thân thiện với môi trường, TS Phạm Hữu Tuyến – Trưởng phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong, Viện Cơ khí Động lực, Trường ĐHBK Hà Nội cảm thấy thích thú và tập trung nhiều thời gian công sức vào nghiên cứu đánh giá hiệu quả cũng như khả năng ứng dụng  của nhiên liệu sinh học (NLSH) trên các động cơ phổ biến tại Việt Nam, nhằm cải thiện chất lượng khí thải vì một môi trường xanh và phát triển bền vững trong tương lai.
TS Phạm Hữu Tuyến cùng các cộng sự của mình tại PTN Động cơ đốt trong đến nay đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và công bố nhiều bài báo lĩnh vực nhiên liệu thay thế nói chung, NLSH nói riêng trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị khoa học trong nước và quốc tế.
TS. Phạm Hữu Tuyến
Khi trao đổi về hướng nghiên cứu khoa học của mình, TS Tuyến cho biết, anh dành nhiều thời gian theo đuổi các hướng về nghiên cứu ứng dụng các loại nhiên liệu thay thế, tính toán lượng phát thải và các giải pháp giảm phát thải từ các phương tiện giao thông. Hướng nghiên cứu anh dành nhiều tâm huyết nhất là về nhiên liệu thay thế. TS Tuyến kể lại: Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại ĐH Kỹ thuật Graz (Cộng hòa Áo) từ năm 2006-2009, anh đã lựa chọn đề tài nghiên cứu về phát thải từ phương tiện khi sử dụng nhiên liệu diesel sinh học (biodiesel). Lý giải về điều này, anh cho biết: “Tôi luôn bị thu hút với các hướng nghiên cứu khả năng ứng dụng của nhiên liệu thay thế trên phương tiện giao thông. Bởi trên thế giới hiện nay, nhiên liệu có nguồn gốc dầu mỏ (xăng, diesel khoáng…) đang ngày càng cạn kiệt; đồng thời phương tiện giao thông sử dụng loại nhiên liệu này thường gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe con người. Các nước trên thế giới đã và đang tìm kiếm những nguồn nhiên liệu thay thế, trong đó phải kể đến NLSH vì đây là một dạng nhiên liệu có khả năng tái tạo, tính ứng dụng cao để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Phát triển NLSH cũng là hướng nghiên cứu được nhiều nhà khoa học Việt Nam quan tâm”.
Trong những năm gần đây, TS Tuyến và các đồng nghiệp đã bắt tay vào các đề tài nghiên cứu về ảnh hưởng của xăng sinh học (từ E5 đến E100) tới tính năng kỹ thuật động cơ và lợi ích của loại NLSH này đối với môi trường. PTN Động cơ đốt trong đã tiến hành thử nghiệm các loại động cơ đang lưu hành phổ biến ở Việt Nam với NLSH cũng như thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu khả năng tương thích của động cơ nổ thế hệ cũ sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ etanol E100 lớn hơn 5%”. TS Tuyến cho biết: Xăng E5 hiện đang bán trên thị trường là hỗn hợp gồm 5% cồn ethanol và 95% xăng  khoáng. Việc sử dụng loại xăng này chỉ có lợi chứ không có hại tới động cơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện tính năng động cơ, giảm phát thải, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội. Quá trình sử dụng xăng E5 thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa nhiên liệu xăng E5 và xăng thông thường. Chất lượng khí thải động cơ khi sử dụng loại xăng sinh học này được cải thiện đáng kể, động cơ sử dụng xăng E5 tạo ra ít khí thải CO (là một khí rất độc, mức phát thải khí này khá cao ở động cơ xe máy) và HC, ít hơn các loại xăng thông dụng như A92 và A95 tới 20%. Chính vì vậy, loại xăng E5 có thể được coi là thân thiện với môi trường. Bên cạnh giảm đáng kể thành phần khí CO và HC, khả năng tăng tốc của xe sử dụng xăng E5 cũng tốt hơn so với khi sử dụng xăng khoáng thông thường. Thêm vào đó, các loại xe mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng E5 thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể” – TS Tuyến cho biết thêm. Ở Việt Nam với nguồn nguyên liệu dồi dào, các nhà máy cồn ethanol có khả năng sản xuất trên 500 triệu lít/năm, đây là lợi thế về chế biến xăng sinh học.

Viện Cơ khí Động lực, Trường ĐHBK Hà Nội
Để phát huy hơn nữa ưu thế này cũng như ưu điểm của xăng sinh học, hiện nay TS Tuyến đang thực hiện nghiên cứu về phương tiện sử dụng nhiên liệu linh hoạt nhằm sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ cồn ethanol lớn (có thể tới 100% cồn ethanol) trên động cơ ô tô và xe máy phun xăng điện tử. Anh chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi đang thực hiện đề tài về thiết kế chế tạo bộ chuyển đổi động cơ phun xăng điện tử thông thường sang sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ ethanol bất kỳ (từ 0% đến 100%)”. Mới đây, sản phẩm thử nghiệm thuộc đề tài này đã vinh dự có mặt tại Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế xã hội của Bộ KH&CN thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Có thể thấy các nghiên cứu về NLSH mà TS Tuyến cùng đồng nghiệp đã và đang thực hiện đều có tính ứng dụng thực tiễn cao và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, anh cho rằng để đưa kết quả của công trình nghiên cứu nói chung đến chế tạo, sản xuất sản phẩm thương mại luôn cần có sự đầu tư, hỗ trợ và hợp tác từ nhiều phía. TS Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng sáng tạo và hoàn thiện các sản phẩm với mong muốn các kết quả nghiên cứu của mình đạt kết quả tốt nhất trong điều kiện có thể của Việt Nam”. Trong tương lai, TS Tuyến tin tưởng các nghiên cứu ứng dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam sẽ thành công, đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của xã hội; bởi trên hết, kết quả đó được thực hiện bằng tâm huyết và trí tuệ người Việt.
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ TS PHẠM HỮU TUYẾN:
- Từ năm 1994 – 1999: Sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội;
- Năm 2009: Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Kỹ thuật Graz (Cộng hòa Áo) với đề tài “Chất thải dạng hạt từ phương tiện vận tải”.
- Từ 2001 đến nay: Giảng viên tại Bộ môn Động cơ đốt trong và Trưởng phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, Viện Cơ khí Động lực, Trường ĐHBK Hà Nội.
- Hướng nghiên cứu chính: nghiên cứu ứng dụng các loại nhiên liệu thay thế; tính toán lượng phát thải và giải pháp giảm phát thải từ các phương tiện giao thông; tối ưu kết cấu và các thông số làm việc của động cơ.
Theo CCPR Bách Khoa Hà Nội
lên đầu trang