Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 16:49

Thứ năm, 28/03/2024 | 16:49

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:52 ngày 06/09/2019

Mô hình thí điểm huy động nguồn lực xã hội phát triển KH&CN tại Long An

Từ thành công của việc huy động nguồn lực xã hội thực hiện phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) thông qua hình thức đầu tư theo hợp đồng kinh doanh - quản lý (hợp đồng O&M) lần đầu tiên được thực hiện trên địa bàn, tác giả bài viết cho rằng, việc huy động nguồn lực của các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp và người dân cùng khai thác cơ sở hạ tầng, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển KH&CN.
Những năm gần đây, với việc đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, hoạt động KH&CN ở Long An đã đạt được một số thành quả rất đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, sau 3 năm triển khai thực hiện (2016- 2019), Sở KH&CN Long An đã hoàn thành Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười (gọi tắt là Trạm Nghiên cứu Đồng Tháp Mười) theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Theo đó, Sở KH&CN đã tiến hành liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư, xây dựng Trạm Nghiên cứu Đồng Tháp Mười với hệ thống khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình mẫu về sản xuất nông nghiệp hiện đại cùng cơ chế quản lý, khai thác và sử dụng phù hợp; góp phần thực hiện thành công mục tiêu của tỉnh về đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển KH&CN.
Mô hình liên kết (O&M) sản xuất cá nước ngọt tại Trung tâm ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KH&CN Long an.
Trạm Nghiên cứu Đồng Tháp Mười hiện do Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật và Thông tin KH&CN (Sở KH&CN Long An) quản lý, được quy hoạch và đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 83 ha, gồm các hạng mục: nhà làm việc và các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu - triển khai, hệ thống các ao nuôi thủy sản, hệ thống nhà kính, nhà lưới, nhà kho, nhà ở chuyên gia, hạ tầng thông tin…, sẵn sàng hợp tác, liên kết tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nghiên cứu - phát triển KH&CN, đặc biệt là công nghệ sinh học từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh/ thành phố trong khu vực. Với mục tiêu huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất nhằm khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được trang bị, Sở KH&CN đã ký hợp đồng với Công ty TNHH CK Frozen Food triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt theo chuỗi giá trị, phục vụ xuất khẩu theo hình thức hợp đồng O&M. Theo đó, Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật và Thông tin KH&CN chủ trì xây dựng quy trình nhân giống cá nước ngọt các loại (rô, lóc, trê, sặc rằn...); chủ trì việc đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ nuôi cá nước ngọt thương phẩm cho các hộ dân thuộc hợp tác xã cá nước ngọt; chủ trì việc tiếp nhận các kỹ thuật mới trong tạo giống, nuôi thương phẩm các loại cá nước ngọt, tiến hành thử nghiệm, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, ứng dụng và nhân rộng mô hình.
Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất của Công ty TNHH CK Frozen Food, Trung tâm đã tiến hành thành lập các tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt với sự tham gia của 30 hộ dân. Các hộ dân tham gia tổ hợp tác sẽ được đào tạo, tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Công ty TNHH CK Frozen Food theo dõi về kỹ thuật nuôi, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn GMP, cung cấp thức ăn, quy trình chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Kết quả đạt được và một số kiến nghị
Sau 2 năm triển khai thực hiện (2017-2018), Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật và Thông tin KH&CN và Công ty TNHH CK Frozen Food đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống, xây dựng thành công mô hình mẫu về sản xuất giống và nuôi cá nước ngọt trên diện tích 11,6 ha; đã sản xuất được 150.000 kg cá nước ngọt các loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tiếp nhận và làm chủ 4 quy trình công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm các loại cá rô, cá lóc, cá trê vàng và cá sặc rằn (chủ động toàn chuỗi từ khâu cá bố mẹ, làm giống, nuôi thương phẩm, chế biến, xuất khẩu); góp phần đa dạng hóa mô hình nuôi, khai thác hiệu quả tiềm năng diện tích đất canh tác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo thêm thu nhập cho các nông hộ vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An. Hiện tại, các sản phẩm sau khi nuôi trồng và chế biến đã được Công ty TNHH CK Frozen Food xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Bangladesh.
Có thể khẳng định, mô hình liên kết theo hình thức hợp đồng O&M được triển khai tại Long An đã bước đầu phát huy được hiệu quả nguồn lực hiện có của tổ chức KH&CN (Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KH&CN) về trang thiết bị, trạm trại, nguồn nhân lực...; huy động được nguồn lực của doanh nghiệp (Công ty TNHH CK Frozen Food) về vốn, thương hiệu, nhà máy chế biến, thị trường tiêu thụ; sự tham gia của người dân trong việc tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ nuôi trồng và chế biến, tạo ra mối liên kết bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích các bên liên kết. Đây được coi là mô hình điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là vườn ươm để các tổ chức và người dân trong vùng hình thành các đối tác liên kết bền vững với doanh nghiệp đầu tư.
Với việc xã hội hóa hoạt động đầu tư, khai thác và sử dụng hạ tầng của Trạm Nghiên cứu Đồng Tháp Mười đã giúp nâng cao tiềm lực KH&CN, góp phần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng O&M, Sở KH&CN cũng gặp một số vướng mắc. Đó là, việc áp dụng hình thức đầu tư, thời gian đầu tư, phân tác nuôi cá nước ngọt với sự tham gia của 30 hộ dân. Các hộ dân tham gia tổ hợp tác sẽ được đào tạo, tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Công ty TNHH CK Frozen Food theo dõi về kỹ thuật nuôi, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn GMP, cung cấp thức ăn, quy trình chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Lê Quốc Dũng
Giám đốc Sở KH & CN Long An
lên đầu trang