Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 18:40

Thứ ba, 19/03/2024 | 18:40

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 17:31 ngày 23/09/2019

Hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến nâng cao năng suất lao động

Trong 2 ngày 19 và 20/9, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có chuyến khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa, cao su trên địa bản tỉnh Đồng Nai. Đây là hoạt động kiểm tra thường xuyên thuộc Dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp” do Bộ Công Thương chủ trì. 
Tham gia đoàn khảo sát có các chuyên gia thuộc Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương và các chuyên gia thuộc Viện Năng suất Việt Nam (VNPI).
Đoàn chuyên gia khảo sát làm việc tại công ty TƯƠNG LAI
Qua kiểm tra, nhìn chung các doanh nghiệp tại Đồng Nai đều nhận thức được hiệu quả của việc cải tiến năng suất. Đa phần doanh nghiệp nhận thấy rõ rệt sự thay đổi và lợi ích trước- sau khi thực hiện cải tiến năng suất. Đây cũng là động lực giúp doanh nghiệp không ngừng đầu tư, cải tiến. 
Đơn cử như Công ty TNHH TƯƠNG LAI (Xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai). Sau khi được các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam hướng dẫn kế hoạch, toàn thể lãnh đạo, công nhân viên của công ty đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch cải tiến. Ban đầu là thực hiện 5S, layout..., các giải pháp này đã mang lại nhiều thay đổi cho công ty như nhà xưởng gọn gàng, sạch sẽ hơn, diện tích kho xưởng được được cải thiện.
Theo như đánh giá của ông Trương Quốc Cường, Giám đốc công ty Tương Lai,  khi nhân viên cảm thấy “happy” đối với công việc thì chắc chắn năng suất lao động sẽ được tăng lên và đây chính là hướng đi mà công ty đang hướng đến trong thời gian tới. Ông Cường cũng chia sẻ thêm, công ty đang  đẩy mạnh áp dụng công nghệ để tiến tới mô hình tự động hóa trong các khâu sản xuất. Vừa tăng chất lượng sản phẩm, vừa đáp ứng được các yêu cầu mà đối tác đặt ra. Tuy nhiên, áp dụng thiết bị công nghệ hiệu quả đòi hỏi một hệ thống đi kèm, đó là hệ thống tổ chức sản xuất và đào tạo. Nếu không có sự đồng bộ về tổ chức và về con người, thì việc đầu tư không  hiệu quả mà trở thành lãng phí. Nhận thức được điều này, công ty đã chủ động xây dựng một hệ thống đào tạo nội bộ, gồm lý thuyết và thực hành. Trong đó, công ty đã xây dựng chương trình giảng dạy thống nhất. Mỗi vị trí công việc có một lộ trình đào tạo rõ ràng, được điều chỉnh trong quá trình vận hành thực tế. Ông Cường cho biết thêm, hội nhập kinh tế là cơ hội và cũng là thách thức đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải đi lên từ sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp. 
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Nam Long  (Xã Long An, Huyện Long Thành, Đồng Nai.)
Đại diện Công ty sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật VINASTAR (P. Bình Đa, Biên Hòa, Đồng Nai), cũng cho biết Công ty đã tiến hành cải tiến ở năm lĩnh vực. Cụ thể, cải tiến quản lý và sử dụng thiết bị công nghệ hiệu quả; nghiên cứu cải tiến quá trình sản xuất; nghiên cứu nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ cung cấp; nhận biết và giảm lãng phí trong sản xuất và thực hiện đánh giá KPI ( bảng đánh giá nhân viên)... Những cải tiến này đã và đang mang lại rất nhiều hiệu quả cho công ty. Chẳng hạn như giảm được thời gian hoàn thành sản phẩm, năng suất lao động tăng trong khi tỷ lệ hàng sai giảm rõ rệt. Trong việc thúc đẩy năng lực của người lao động, bản thân doanh nghiệp rất chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc để người lao động chủ động nâng cao năng suất, từng bước cải thiện năng suất lao động của doanh nghiệp qua từng năm. Việc ứng dụng các công cụ cải tiến năng suất, công nghệ tiên tiến cũng như áp dụng các giải pháp phù hợp với từng loại hình, ngành nghề đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển bền vững.
Đoàn chuyên gia, khảo sát làm  việc tại công ty VINASTAR.
Khảo sát trực tiếp tại các doanh nghiệp, bà Kiều Nguyễn Việt Hà, đại diện đoàn công tác của Vụ Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao những nỗ lực cải tiến của các doanh nghiệp. Đặc biệt là tinh thần dám thay đổi của các CEO trẻ tuổi. Mặc dù vẫn có những khó khăn, song những gì mà các doanh nghiệp đã và đang triển khai sẽ tiếp tục là động lực để họ mạnh dạn hơn trong việc cải tiến tiếp theo. 
Đại diện doanh nhiệp trao đổi với đoàn
“Thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất. Để nâng cao năng suất lao động, cần phải giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động như công nghệ, cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường. Bộ Công Thương sẽ luôn hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng các hoạt động cụ thể như kết nối với các đối tác tìm ra các mô hình cải tiến tổng thể nhất; cập nhật các thông tư, quyết định, hỗ trợ cuả nhà nước để doanh nghiệp nắm bắt và triển khai có hiệu quả” – Bà Kiều Nguyễn Việt Hà khẳng định.
Vụ Khoa học và công nghệ
lên đầu trang