Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:38

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:38

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:47 ngày 02/12/2019

Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Không chỉ tăng cường nâng cao nhận thức về các lợi ích trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, hay các công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến…
Đó là thông tin tại hội thảo “Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng” do Bộ Xây dựng phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng tổ chức ngày 26/11, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, bà Đỗ Thị Tường Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt là Chương trình 712), theo đó, các bộ, ngành sẽ xây dựng đề án riêng, các mục tiêu, nội dung cụ thể phù hợp với từng bộ, ngành.
Đối với Bộ Xây dựng, ngày 12/4/2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-BXD phê duyệt Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020”, với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình công cụ, cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành vật liệu xây dựng.
Bà Kiều Nguyễn Việt Hà, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) trình bày tại Hội thảo
Việc tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu đề án trên tới các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất; giới thiệu các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng của ngành sản xuất vật liệu xây dựng và xin ý kiến các đơn vị quản lý, hiệp hội, các tổng công ty, đơn vị sản xuất về nội dung cần thiết được Bộ Xây dựng hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng của ngành. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch tiếp theo để thực hiện đề án hiệu quả.
“Đặc biệt, hội thảo cũng giới thiệu bài học kinh nghiệm, hiệu quả triển khai chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương. Đây là một ngành lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực và Bộ Công Thương là một trong những bộ triển khai các dự án thuộc Chương trình 712 sớm nhất” - bà Đỗ Thị Tường Nga nói.
Bà Kiều Nguyễn Việt Hà, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) bày tỏ, Bộ Công Thương đã chọn một hướng đi phù hợp trong quá trình triển khai dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương, xác định doanh nghiệp chính là trọng tâm của các hoạt động triển khai dự án.
Trong đó, về vấn đề chất lượng, nội dung ưu tiên của Bộ Công Thương, đó là tập trung vào việc xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan quản lý mà quan trọng hơn còn là một trong những định hướng rất quan trọng cho hoạt động để cải tiến và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.
Còn về tăng năng suất, chúng tôi xác định rõ đây không phải vấn đề mang tính bắt buộc, nghĩa là buộc doanh nghiệp phải tiến hành các hoạt động cải tiến. Chính vì vậy, nhận thức của các doanh nghiệp đối với vai trò và lợi ích của các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất là một trong những yếu tố rất quan trọng. Theo đó, một trong những nội dung ưu tiên của Bộ Công Thương là triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các lợi ích trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống về nâng cao năng suất tại doanh nghiệp.
“Để giúp doanh nghiệp có cái nhìn trực quan về lợi ích từ việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, Bộ Công Thương tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các mô hình điểm. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, hay các công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến” - bà Kiều Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, việc triển khai Chương trình 712 và Quyết định số 604/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong các doanh nghiệp tham gia dự án. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng; phát động các cuộc thi về cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng nhằm vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động này; đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp và đào tạo chuyên gia tư vấn cải tiến năng suất và quản lý chất lượng tại doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các mô hình điểm áp dụng một hoặc một số các công cụ, hệ thống cải tiến có tính chất nền tảng cho hoạt động cải tiến của doanh nghiệp, đối tượng ưu tiên là doanh nghiệp nhỏ; xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu về hoạt động cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa; triển khai một số công cụ, hệ thống cải tiến, hệ thống quản lý chất lượng có tính đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường...
Quỳnh Nga
lên đầu trang