Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:14

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:04 ngày 02/12/2019

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững ngành Công Thương

Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959 - 2019), Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng Uỷ ban về Khoa học và Công nghệ (thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh) tổ chức hội thảo quốc gia “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”. Hội thảo diễn ra vào chiều ngày 29/11/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu khai mạc
Toàn cảnh hội thảo
Trình bày tham luận tại hội thảo gồm đại diện đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. 
Tại hội thảo, ông Lê Việt Cường, Phó trưởng Phòng tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Công Thương, đã có bài trình bày về chủ đề “Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trong phát triển bền vững của ngành Công Thương”
Giới thiệu về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của ngành Công Thương, ông Cường cho biết “Từ năm 2017-2019, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Chiến lược công nghiệp hoá mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Trong đó có tính đến cơ hội, thách thức của cách mạng Công nghiệp 4.0 trình Ban cán sự Đảng của Chính phủ đầu tháng 11 năm 2019. Bộ cũng tích cực triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2020, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, và Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025. Các chương trình này đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Lê Việt Cường, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ-Bộ Công Thương, trình bày tại hội thảo
“Tính đến hết năm 2018, Bộ đã hoàn thành trước thời hạn 6/11 mục tiêu trong lĩnh vực công nghiệp được giao, gồm: tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm (VA) trong công nghiệp/năm, tốc độ tăng trưởng đầu tư trong công nghiệp, tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến chế tạo (MVA), tỷ trọng đóng góp của nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo và khu vực tư nhân về số lượng doanh nghiệp, số lao động và doanh thu, và tăng giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2020”, ông Cường trình bày.
Trong lĩnh vực lĩnh vực năng lượng, giai đoạn 2017 – 2019, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở triển khai các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thị trường điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Một số kết quả cụ thể có thể kể đến là “trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030; xây dựng các Thông tư về quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Thông tư về quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Thông tư quy định các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành thép, bia, nước giải khát, nhựa…”
Tính đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương đã ghi nhận được một số kết quả của chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nổi bật trong đó là “Mục tiêu giảm tổn thất điện năng dùng để truyền tải và phân phối điện đã hoàn thành trước thời hạn, từ 11,25% năm 2010 xuống 8% năm 2015 và chỉ còn 6,9% năm 2018. Dự án Chuyển hoá cacbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (dự án LCEE) trực tiếp tiết kiệm hơn 416 nghìn MWh/năm và giảm hơn 230 nghìn tấn CO2/năm, gián tiếp giảm hơn 57 nghìn MWh/năm cùng với hơn 44 nghìn tấn CO2/năm.”
Riêng trong lĩnh vực ngoại thương, đại diện Bộ Công Thương cho biết “Bộ đã thực hiện các công tác thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm theo hướng bền vững và thực thi các cam kết quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế”. Một số hoạt động cụ thể được nêu ra là kết quả vòng đàm phán Doha ở các nội dung trợ cấp thuỷ sản, duy trì quyền hỗ trợ ngư dân và ngành thuỷ sản; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khuôn khổ hợp tác APEC.
Về thành quả từ các hoạt động ngoại thương và hội nhập kinh tế quốc tế, ông Cường nhấn mạnh “Hoạt động xuất nhập khẩu là điểm sáng trong phát triển thương mại. Năm 2017 lần đầu tiên kim ngạch xuất khuẩn nước ta vượt qua con số 200 tỷ USD và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao năm 2018 với 244,7 tỷ USD.”
Ở lĩnh vực thương mại trong nước, Bộ đã tiến hành khảo sát, đánh giá và xây dựng các chính sách phát triển bền vững chuỗi cung ứng kinh doanh bán lẻ Việt Nam. Ngoài ra, Bộ cũng đã có những hoạt động như đôn đốc, kiểm tra hệ thống phối trộn – phân phối – kinh doanh xăng sinh học E5-RON92 để minh bạch, dễ tiếp cận cho người dân nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững. 
Căn cứ tình hình, kết quả thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ theo các mục tiêu phát triển bền vững của ngành Công Thương trong giai đoạn vừa qua, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của KHCN&ĐMST phục vụ thực hiện các mục tiêu này và một số kết quả nổi bật về hoạt động KHCN&ĐMST trong các lĩnh vực: thăm do, khai thác và chế biến dầu khí; thai thác và chế biến khoáng sản; năng lượng điện, cơ khí chế tạo, hóa dược, công nghiệp chế biến và công nghệ cao, báo cáo của Bộ Công Thương cũng khẳng định KHCN&ĐMST đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành Công Thương nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng.
“Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu và về đích sớm hầu hết các nhiệm vụ được giao, ngành Thương vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục”, ông Cường chia sẻ. 
Tồn tại đầu tiên, là hệ thống chính sách pháp luật về phát triển bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Thêm vào đó, việc lựa chọn các nhiệm vụ giải pháp còn dàn trải, huy động nguồn lực còn hạn chế. 
Tiếp theo là tính lan toả của các giải pháp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và hoạt động KHCN&ĐMST trong hoạt động thực tiễn còn hạn chế. Giải thích kỹ hơn về điểm này, ông cho biết “nguyên nhân do trình độ công nghệ trong một số ngành còn lạc hậu, tư duy và nhận thức của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, quá chú trọng vào lao động giá rẻ mà chưa quan tâm đến KHCN và ĐMST”. Thêm vào đó, năng suất chất lượng và tái cơ cấu chậm chuyển dịch là những hạn chế căn bản trong phát triển kinh tế nói chung và trong sản xuất công nghiệp nói riêng.  
Điểm mấu chốt cuối cùng, “hàm lượng công nghệ nội địa hạn chế và chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu hàng nhập khẩu chưa hướng vào phần lõi của công nghiệp hóa, cụ thể là tỷ trọng nhóm nguyên vật liệu – tiêu dùng cao, chiếm hơn 70%, trong khi máy móc thiết bị - phụ tùng chỉ chiếm chưa đến 30%. Ngoài ra, tiềm năng thị trường nội địa chưa được khai thác tốt, hạ tầng thương mại nhìn chung vẫn yếu và lạc hậu, đặc biệt ở các khu vực nông thôn. Các ngành công nghiệp non trẻ trong nước chưa có nội lực thực sự mạnh mẽ mà phải chịu cạnh tranh rất lớn từ bên ngoài… là những vấn đề còn tồn tại.”- Ông Cường nhấn mạnh.
Kết thúc phần trình bày của mình, đại diện Bộ Công Thương đã nêu ba đề xuất về giải pháp giúp hoàn thành những nhiệm vụ được giao, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành. 
Thứ nhất, tiếp tục bám sát và thực hiện triệt để, đồng bộ các chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ với các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực của ngành Công Thương.
Thứ hai, tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu chung; chú trọng xây dựng, hoàn thiện các chỉ tiêu phát triển bền vững; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, Bộ ngành để định hướng và xây dựng các nhiệm vụ đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến 2030. 
Cuối cùng, quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030 cũng như phát triển hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. 
Ngoài ông Lê Việt Cường, các đại biểu khác cũng đã tham gia trình bày nhiều vấn đề khác xoay quanh chủ đề khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững. 
Nhìn chung, các đại biểu đánh giá rất cao vai trò của khoa học công nghệ trong sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là khi đại đa số các nền kinh tế trên thế giới đều đang hướng đến sự phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh đó, việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 622/QĐ-TTg) đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam hướng tới mục tiêu toàn cầu này. ​
Kết thúc hội thảo, ông Phan Chí Thành, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các đại biều vì những đóng góp xác đáng và thảo luận sôi nổi xung quanh vấn đề này. 
Ông Phạm Quang Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo trình bày về những đột phá khoa học phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày về vai trò của doanh nghiệp trong gắn kết hoa học - công nghệ vì các mục tiêu phát triển bền vững 
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty Sao Thái Dương, trình bày bài tham luận Hạnh phúc để phát triển bền vững
Ông Phan Chí Thành, Tổng Thư ký UBQG về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phát biểu kết thúc hội thảo
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ. Các hoạt động khác bao gồm họp báo về lễ kỷ niệm và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ; trưng bày lịch sử, truyền thống phát triển của ngành KH&CN; và hơn 50 gian hàng triển lãm các sáng tạo khoa học – công nghệ nổi bật đến từ các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trong nước như FPT, Viettel, Vingroup, Thaco,… và các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước. Ước tính có khoảng hơn 2000 người đã đến tham dự triển lãm khoa học - công nghệ này trong hai ngày 29 và 30/11. 
Khu vực trưng bày lịch sử, truyền thống ngành KH&CN
Các gian hàng tham gia triển lãm tại Chương trình
Hương Giang
lên đầu trang