Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:54

Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:54

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:59 ngày 14/02/2020

Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp: Cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập

Ngày 30/9/2019, bên lề Kỳ họp lần thứ 59 của Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (KDCN) đến Tổng giám đốc WIPO. Việc gia nhập Thỏa ước này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam khi đăng ký yêu cầu bảo hộ KDCN ra nước ngoài, đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định EVFTA, CPTPP..., song cũng đặt ra cho chúng ta không ít những khó khăn, thách thức.
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN được thông qua vào ngày 6/11/1925 tại La Hay (Hà Lan) trong khuôn khổ Hội nghị Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) và có hiệu lực từ ngày 1/6/1928. Đến nay, Thỏa ước này đã được sửa đổi và bổ sung 3 lần tại Văn kiện London 1934 (ký ngày 2/6/1934 tại Anh), Văn kiện La Hay 1960 (ký tại Hà Lan ngày 28/11/1960 và được sửa đổi tại Stockholm, Thụy Điển vào năm 1967), Văn kiện Geneva 1999 (ký tại Thụy Sỹ ngày 2/7/1999) có hiệu lực từ ngày 23/12/2003.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thay mặt ASEAN và Việt Nam phát biểu tại phiên khai mạc của Đại hội đồng WIPO lần thứ 59 (ngày 30/9/2019).
Ba văn kiện nêu trên độc lập với nhau tạo nên hệ thống đăng ký quốc tế KDCN, mỗi một văn kiện đều chứa đựng một thỏa ước quốc tế đầy đủ nên việc đăng ký quốc tế KDCN có thể được thực hiện theo 1 trong 3 văn kiện, hoặc cả 3 văn kiện nêu trên. Hiện nay, chỉ có Văn kiện La Hay 1960 và Geneva 1999 còn hiệu lực. Văn kiện London 1934 đã bị tạm dừng kể từ ngày 1/1/2010 nhằm giảm sự phức tạp của hệ thống đăng ký quốc tế KDCN và giúp các thành viên tập trung chú ý hơn vào Văn kiện Geneva 1999.
Văn kiện La Hay 1960 gồm 33 điều, văn kiện này là thỏa ước quốc tế chính thức đầy đủ, chi tiết và thuận lợi cho việc đăng ký quốc tế KDCN. Văn kiện La Hay 1960 quy định chỉ các quốc gia thành viên của Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN mới có thể gia nhập và các quốc gia có quy định thẩm định nội dung đơn KDCN không được tham gia; các quốc gia thành viên có quyền từ chối bảo hộ KDCN tại lãnh thổ của mình nếu xét thấy không đủ tiêu chuẩn bảo hộ theo pháp luật quốc gia bằng một thông báo cho Văn phòng quốc tế của WIPO trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được đơn đăng ký KDCN có chỉ định vào quốc gia đó; ngôn ngữ đăng ký có thể là tiếng Anh hoặc Pháp.
Văn kiện Geneva 1999 gồm 4 chương, 34 điều. Khác với hai văn kiện trước, văn kiện này mở rộng cho tất cả các quốc gia thành viên của WIPO và các tổ chức liên chính phủ tham gia, mở ra một hệ thống đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người nộp đơn, thuận lợi cho sự tham gia của các quốc gia có quy định thẩm định nội dung đơn KDCN và có một số quy định mới như: i) Ngôn ngữ đăng ký có thể là tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha; ii) Thời hạn tuyên bố từ chối bảo hộ KDCN là 6 tháng kể từ ngày công bố quốc tế, thời hạn này có thể được mở rộng thành 12 tháng đối với các quốc gia có quy định thẩm định nội dung đơn KDCN; iii) Thời hạn người nộp đơn yêu cầu trì hoãn công bố KDCN lên tới 30 tháng. Các quốc gia có thể quy định thời hạn này ngắn hơn hoặc không quy định thời hạn này. Trong trường hợp không quy định, thời hạn công bố KDCN là sau 6 tháng kể từ ngày đơn đăng ký KDCN được chỉ định vào quốc gia đó (trừ trường hợp có yêu cầu công bố ngay lập tức); iv) Trường hợp KDCN yêu cầu bảo hộ là hai chiều và có yêu cầu trì hoãn công bố đơn thì người nộp đơn có thể nộp các mẫu vật mang KDCN đó thay cho các ảnh chụp hoặc bản vẽ và người nộp đơn chỉ phải nộp các ảnh chụp hoặc bản vẽ này trước thời điểm công bố; v) Các quốc gia thành viên có thể quy định thu phí chỉ định riêng thay cho phí tiêu chuẩn cố định, khoản phí này không được thu cao hơn mức thu đối với việc đăng ký KDCN theo kênh quốc gia. Nếu hệ thống thu phí quốc gia có khoản phí thu riêng khi nộp đơn và khi cấp văn bằng thì phí chỉ định riêng này có thể được thanh toán thành hai lần; vi) Các quốc gia thành viên phải thông báo các yêu cầu khác (nếu có) liên quan đến hình thức đơn, như các nội dung bắt buộc của tờ khai đơn, số bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ của KDCN, tính thống nhất của KDCN, quyền nộp đơn của người nộp đơn.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay cho Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry (nguồn: https://www.most.gov.vn).
Văn kiện Geneva 1999 được đánh giá là văn kiện về đăng ký quốc tế KDCN có các quy định linh hoạt, thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu đăng ký KDCN của người nộp đơn, cũng như các quốc gia có hệ thống bảo hộ KDCN khác nhau, nhất là các quốc gia có quy định thẩm định nội dung đơn KDCN. Đến nay, các nước có hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đã tham gia Thỏa ước theo Văn kiện Geneva 1999. Việt Nam đã tuyên bố thừa nhận Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu và kế thừa vị trí thành viên mà Việt Nam đã có từ năm 1949, tuyên bố thừa nhận Công ước Stockholm về việc thành lập WIPO, tham gia Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT), Nghị định thư Madrid đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Do đó, việc Việt Nam nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN (Văn kiện Geneva 1999) đã đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam về SHTT trong các Hiệp định EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tương lai, đồng thời phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Cơ hội và thách thức khi gia nhập Thỏa ước La Hay
Có ba cách để đăng ký yêu cầu bảo hộ KDCN ra nước ngoài: đăng ký theo kênh quốc gia (nộp đơn riêng tại cơ quan SHTT quốc gia đó); kênh khu vực (nộp một đơn duy nhất tại cơ quan SHTT của khu vực đó); kênh quốc tế (nộp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN, một đơn duy nhất cho Văn phòng quốc tế của WIPO). Hiện nay, khi đăng ký yêu cầu bảo hộ KDCN ra nước ngoài theo kênh quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam phải nộp đơn thông qua đại diện SHCN nước sở tại, nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các cơ quan SHTT của từng quốc gia riêng rẽ, nghĩa là nếu muốn yêu cầu bảo hộ ở nhiều nước thì phải làm nhiều đơn khác nhau với ngôn ngữ và yêu cầu của các quốc gia đó và phải chịu nhiều chi phí, nhất là phí thuê luật sư. Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN giúp đơn giản hóa thủ tục đăng ký KDCN bằng cách thông qua một đơn đăng ký với một ngôn ngữ duy nhất (tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha) và bằng một loại tiền thống nhất (đồng franc Thụy Sỹ) nộp qua Văn phòng quốc tế của WIPO, giúp cho người nộp đơn dễ dàng thực hiện các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ như sửa đổi đơn, chuyển giao quyền sở hữu và các thủ tục khác liên quan đến đơn đăng ký KDCN. Đồng thời, việc quản lý quyền đối với KDCN được bảo hộ (như gia hạn hiệu lực, chuyển nhượng KDCN, các thay đổi tên và địa chỉ chủ sở hữu KDCN) cũng được thực hiện một cách dễ dàng hơn bằng một thủ tục duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế của WIPO. Do đó, theo chúng tôi cơ hội khi Việt Nam tham gia Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN theo Văn kiện Geneva 1999 gồm:
Một là, khi đăng ký yêu cầu bảo hộ KDCN ra nước ngoài theo kênh quốc tế (nộp đơn theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN, nộp một đơn duy nhất cho Văn phòng quốc tế của WIPO), doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam có thể được thừa hưởng sự bảo hộ cho KDCN của mình ở nhiều quốc gia khác nhau, với chi phí thấp nhất.
Hai là, Việt Nam gia nhập Thỏa ước này cũng tạo ra các thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài khi muốn bảo hộ KDCN tại Việt Nam. Khi KDCN được bảo hộ, họ có nhiều động cơ hơn để nhập khẩu các sản phẩm mang KDCN đã được bảo hộ vào Việt Nam hoặc đầu tư sản xuất các sản phẩm này tại Việt Nam.
Ba là, các đăng ký quốc tế KDCN (cơ sở dữ liệu KDCN đã công bố) giúp doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam định hướng được xu hướng phát triển kiểu dáng của sản phẩm công nghiệp theo khía cạnh thẩm mỹ, là cơ sở để các nhà sản xuất trong nước phát triển các kiểu dáng mới trên cơ sở kế thừa kiểu dáng đang có. Để cạnh tranh, các nhà sản xuất khác cũng cho ra đời sản phẩm với kiểu dáng khác mang tính thẩm mỹ và cuốn hút người tiêu dùng. Điều này thúc đẩy chu trình sáng tạo liên quan đến KDCN.
 
Bốn là, Việt Nam có cơ hội tiếp cận và hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT nói chung và về KDCN nói riêng. Hệ thống pháp luật về KDcN có cơ hội được hoàn thiện trên cơ sở phù hợp, hiệu quả và minh bạch, vừa sử dụng KDCN như là công cụ để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm mang KDCN, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, vừa hài hòa cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và lợi ích cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương về cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng các chuẩn mực, cam kết quốc tế về KDCN.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc tham gia Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN cũng đặt ra cho chúng ta một số khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, sau khi Thỏa ước có hiệu lực đối với Việt Nam, dự kiến số lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN của người nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng cao; số lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN của người Việt Nam nộp ở trong nước và nộp ra nước ngoài cũng tăng lên. Bảng 1 cho thấy tổng lượng đơn KDCN chưa kết thúc thẩm định nội dung tích lũy hàng năm (đơn SHCN chưa kết thúc thẩm định nội dung bao gồm đơn đang được thẩm định nội dung dở dang, đơn đến thời hạn nhưng chưa được thẩm định nội dung và đơn chưa đến thời hạn thẩm định nội dung). Cột tỷ lệ đơn trong bảng 1 cho thấy thời hạn trung bình kết thúc thẩm định nội dung đơn KDCN (tính từ ngày nộp đơn), ví dụ năm 2017 là 1,11 năm.
Theo quy định tại Điều 119 Luật SHTT, trong trường hợp không phát sinh các thủ tục khác liên quan đến đơn, thời hạn có kết quả thẩm định nội dung đối với KDCN không quá 7 tháng kể từ ngày công bố đơn. Thời hạn này được hiểu là thời hạn Cục SHTT ra kết quả thẩm định nội dung lần thứ nhất. Trong khi đó, theo Văn kiện Geneva 1999 thời hạn tuyên bố từ chối bảo hộ KDCN là 6 tháng kể từ ngày công bố quốc tế, sau thời hạn này, từ chối không được công nhận và KDCN yêu cầu đăng ký đó mặc nhiên được công nhận bảo hộ. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với Cục SHTT trong việc xử lý đơn KDCN đăng ký qua Văn phòng quốc tế của WIPO.
Bảng 1. Tình trạng thẩm định nội dung đơn KDCN hàng năm.
Nguồn: Cục SHTT (2017) và tổng hợp, tính toán của tác giả.
Thứ hai, nhằm thúc đẩy số lượng đơn, chất lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN của người Việt Nam nộp ở trong nước và đăng ký quốc tế cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Bảng 2 cho thấy chất lượng đơn KDCN, bao gồm cả chất lượng hình thức1 và nội dung2 so với đơn yêu cầu đăng ký, tỷ lệ đơn có thông báo thiếu sót là 50,19%, tỷ lệ đơn dự định từ chối bảo hộ là 22,65%, tỷ lệ văn bằng được cấp so với đơn yêu cầu đăng ký là 66,11%, so với đơn đã kết thúc thẩm định nội dung là 78,14%.
Bảng 2. Đánh giá chất lượng đơn KDCN theo tiến trình thẩm định giai đoạn 2006-2017.


Nguồn: Cục SHTT (2017) và tổng hợp, tính toán của tác giả.
Số lượng đơn, chất lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN phụ thuộc vào (i) chính sách thúc đẩy, hỗ trợ KDCN của Nhà nước; (ii) mức độ hiểu biết của người nộp đơn về thủ tục đăng ký đơn KDCN, điều kiện bảo hộ KDCN, khả năng sử dụng mạng thông tin quốc gia về KDCN, khả năng tra cứu đánh giá dữ liệu KDCN thu thập được phục vụ cho việc tạo lập KDCN và thủ tục xác lập quyền KDCN; (iii) dịch vụ cung cấp tra cứu, đánh giá KDCN phục vụ tạo lập KDCN và xác lập quyền KDCN. Để có thể tra cứu, đánh giá KDCN với chất lượng cao thì người thực hiện phải có hiểu biết sâu về KDCN, đó là những chuyên gia có kinh nghiệm trong hoạt động tạo lập và xác lập quyền KDCN; (iv) khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết lập, duy trì, cập nhật mạng thông tin quốc gia về SHCN nói chung, về KDCN nói riêng, công cụ tra cứu KDCN, nhất là công cụ tra cứu chuyên sâu. Do đó, để tăng số lượng đơn, chất lượng đơn yêu cầu đăng ký KDCN của người Việt Nam thì việc xây dựng, ban hành chính sách phù hợp thúc đẩy, hỗ trợ KDCN; tăng mức độ hiểu biết của người nộp đơn; tăng số lượng và chất lượng chuyên gia về KDCN; xây dựng hệ thống hỗ trợ, nhất là các đại diện SHCN, các dịch vụ cung cấp tra cứu, đánh giá KDCN phục vụ tạo lập KDCN và xác lập quyền KDCN; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết lập, duy trì, khai thác thông tin KDCN cũng là các thách thức lớn, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ và chủ động.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ các nội dung trong Quy chế thẩm định đơn KDCN theo Quyết định số 2381/QĐ-SHTT ngày 8/12/2009 của Cục SHTT cho phù hợp với tiêu chuẩn và điều kiện thẩm định đang được áp dụng cũng như phù hợp với tuyên bố của Việt Nam khi nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước này cũng là một thách thức không nhỏ cho Việt Nam nói chung và Cục SHTT nói riêng. Quy chế này cần được sử dụng như một cẩm nang thẩm định, một công cụ đào tạo thiết thực cho các thẩm định viên, các chuyên gia về KDCN, tạo sự thống nhất trong thẩm định và như một tài liệu tham khảo cho các chuyên gia tư vấn SHCN và các đại diện SHCN. Quy chế này không chỉ hướng dẫn chung về nghiệp vụ thẩm định mà còn đi sâu vào việc hướng dẫn thẩm định các trường hợp cụ thể hoặc điển hình. Điều này cũng tạo khó khăn, thách thức cho quá trình sửa đổi, bổ sung Quy chế thẩm định đơn KDCN.
Thứ tư, theo tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, cần tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến KDCN được nêu trong Luật SHTT Việt Nam và Văn kiện Geneva 1999. Cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản có lợi cho Việt Nam mà không trái với Văn kiện Geneva 1999, sau đó Việt Nam đưa ra tuyên bố cho Tổng giám đốc WIPO. Ví dụ, thời hạn tuyên bố từ chối bảo hộ KDCN, thời hạn yêu cầu trì hoãn công bố KDCN, phí chỉ định tiêu chuẩn mức 2 hoặc 3 hoặc có phí chỉ định riêng, tính thống nhất của KDCN, số hình chiếu nhất định của KDCN. Việc thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung này (nếu có) trên cơ sở lợi ích hài hòa giữa người nộp đơn với xã hội, giữa Việt Nam với các quốc gia cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung và bộ phận soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật SHTT nói riêng.
Thay lời kết
Việc Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN sẽ góp phần gia tăng các hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư của các nước vào Việt Nam; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài; khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp theo khía cạnh kiểu dáng và thẩm mỹ của sản phẩm. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước, năng lực xuất khẩu, mở rộng các hoạt động ngoại thương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Bên cạnh những thuận lợi, việc tham gia Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN cũng đặt ra một số khó khăn, thách thức cho Việt Nam trong hoạt động thẩm định đơn, nhất là thẩm định nội dung đơn KDCN đảm bảo chất lượng và đúng thời hạn; đòi hỏi chúng ta phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ nhằm thúc đẩy số lượng và chất lượng đơn đăng ký KDCN; sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến KDCN được nêu trong Luật SHTT, nhất là các điều khoản có lợi cho Việt Nam mà không trái với Văn kiện Geneva 1999...
Chú thích:
1Chất lượng hình thức đơn là mức độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu về hình thức đơn theo quy định của pháp luật.
2Chất lượng nội dung đơn là mức độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu về điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật.
TS Khổng Quốc Minh
Cục Sở hữu trí tuệ
(Bài đăng trên Tạp chí KH&CN Việt Nam, số 11 năm 2019)
lên đầu trang