Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:15

Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:15

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:04 ngày 09/02/2020

Báo động tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, rác thải không phép

Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên vẫn có cả nhu cầu nhập khẩu phế liệu để đáp ứng sản xuất. Tuy vậy, tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng, nhập khẩu phế liệu, rác thải như: Ắc quy  chì, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng...không giấy phép vào nước ta có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều hậu quả nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, ngành Hải quan liên tục cảnh báo về tình trạng rác thải, phế liệu của nước ngoài chuyển đường tàu biển về Việt Nam. Hàng chục nghìn container phế liệu đang tồn kho ở các Cảng biển gây ra hàng loạt khó khăn, thiệt hại và môi trường đang bị thách thức nghiêm trọng. Theo Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, đến ngày 7/6/2018, cảng này tồn 965 container hàng hóa từ 30 – 90 ngày. Còn số container tồn quá 90 ngày cần phải xử lý lên đến 2.181, trong đó phần lớn là phế liệu. Tính đến 31/5/2018,  số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam là 27.944 container, trong đó khu vực cảng biển Hải Phòng có 6.753 container; khu vực cảng biển TP.HCM có 14.658 container; khu vực cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu là 6.533 container.
Nhập phế liệu để tái chế thành nguyên liệu sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, song ngoài việc nhập khẩu phế liệu, máy móc để phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để nhập khẩu tàu thuyền cũ, ô tô, thậm chí lốp xe ô tô cũ, hàng điện tử gia dụng cũ. Tình trạng doanh nghiệp vẫn nhập khẩu phế liệu không giấy phép có chiều hướng gia tăng. Theo Cục Quản lý rủi ro – Tổng cục Hải quan, rất nhiều rủi ro trong hoạt động nhập khẩu phế liệu không đúng quy chuẩn, quy định, để tồn đọng số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường tại các cảng biển. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn mua bán, chuyển nhượng giấy phép nhập khẩu phế liệu không đúng quy định. Từ năm 2017 đến nay, đã có hàng trăm vụ vi phạm nhập khẩu phế liệu đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, xử lý. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: làm giả hồ sơ, con dấu, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện, cất giấu hàng cấm nhập khẩu...Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hiện Trung Quốc thông báo ngừng  nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1/1/2018, sẽ có nguy cơ lượng lớn các mặt hàng phế liệu, điện tử cũ...từ các nước tìm đường vào Việt Nam. Trong khi đó, nếu những container phế liệu nhập lậu, không phép bị phát hiện, doanh nghiệp sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.
Cục quản lý rủi ro cũng cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu thường dùng thủ đoạn làm giả hoặc tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy chứng nhận của Bộ TN&MT, Sở TN&MT cho phép nhập khẩu phế liệu để hợp thức việc nhập khẩu phế liệu. Thậm chí, nhiều đối tượng còn sửa đổi thông tin tên hàng, cảng đích trên vận đơn và bản khai hải quan điện tử để chuyển đổi địa bàn hoạt động, thay đổi tên hàng khi khai báo, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát...Thế nhưng, công tác kiểm tra, phát hiện, phối hợp đấu tranh giữa các cán bộ, ngành còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như: việc trao đổi và cung cấp thông tin quản lý phế liệu nhâp khẩu giữa Hải quan và Bộ TN&MT còn hạn chế, chưa liên thông với nhau dẫn tới tình trang doanh nghiệp lợi dụng để tẩy xóa, làm giả giấy phép nhập khẩu.
Để quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu, ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị, các cơ quan nhà nước cần quy hoạch, công bố cụ thể số lượng phế liệu nhập về hàng năm, quản lý chặt chẽ việc nhập phế liệu như: quy định phải tái chế 100% phế liệu, nguyên liệu tại nhà máy của doanh nghiệp: kiểm soát đầu ra (xuất khẩu) và tiêu thụ nội địa để tính toán chính xác xem doanh nghiệp đã sử dụng bao nhiêu số lượng nhập khẩu...nhằm tránh tình trạng “qua tay”, bán quota (giấy phép nhập khẩu). Đặc biệt, cần có chế tài để xử phạt nặng, nghiêm những doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu và bỏ chạy không đến cảng nhận hàng. Đồng thời, xử phạt nặng với hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận. Có như vậy, hãng tàu mới có trách nhiệm xác minh, kiểm tra hàng hóa nhận chuyên chở, tức làm bộ lọc đầu tiên.
Mới đây, Chính phủ vừa đưa ra thông báo yêu cầu 4 Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường. Công Thương và Giao thông – Vận tải khẩn trương rà soát, siết chặt mọi hoạt động nhập phế liệu vào Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp sớm có giải pháp kịp thời để xử lý hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng biển Việt Nam, ví dụ như hạn chế các lô hàng nhựa, giấy phế liệu đã về đến nước ta nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu. 
THANH TÚ
(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường công nghiệp Xanh)
lên đầu trang