Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 19:04

Thứ năm, 25/04/2024 | 19:04

Chính sách

Cập nhật lúc 09:52 ngày 17/02/2020

Tổng quan về thực trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngành công nghiệp giấy Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp khoảng 1,5% GDP của cả nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên, ngành này hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; sức chống chịu trước những biến động bên ngoài chưa cao; mô hình tăng trưởng chuyển đổi còn chậm; các nguồn lực chưa được giải phóng tối đa; việc cơ cấu lại ngành giấy còn chậm và lúng túng; Sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp ngành giấy còn nhiều khó khăn; Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập; Thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; Chính sách quản lý của Nhà nước liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành còn chưa phù hợp... ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp giấy Việt Nam.
Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp giấy Việt Nam”, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích, làm rõ thực trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam, chỉ ra những cơ hội, thách thức mà ngành gặp phải, qua đó có đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ một phần các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, phát triển nhằm giúp ngành công nghiệp Giấy Việt Nam phát triển bền vững.
2. MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
- Đánh giá được thực trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam và thế giới;
- Xây dựng được đề án tái cơ cấu ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020­-2025, tầm nhìn đến 2030;
- Đề xuất được các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020­-2025, tầm nhìn đến 2030.
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
Để thực hiện và hoàn thành các công việc đã đề ra nhằm đạt được mục tiêu của nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu sử dụng gồm:
- Phương pháp phân tích và tổng hợp về mặt lý thuyết
Tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các tài liệu như bài viết, báo cáo, thống kê, đánh giá, phân tích... liên quan về tổng quan tình hình phát triển ngành giấy Việt Nam và thế giới; tổng quan về xu thế phát triển ngành giấy Việt Nam và thế giới; tổng quan về chính sách phát triển ngành giấy của Trung Quốc và phân tích tổng hợp những tác động đối với ngành giấy Việt Nam; tổng quan về chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, luật pháp, môi trường. tác động đến sự phát triển của ngành giấy; tổng quan về thị trường, đối thủ cạnh tranh.
Nghiên cứu kết quả của các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực khác, cũng như các quy hoạch phát triển ngành giấy trước đây để từ đó rút ra những kết luận, kinh nghiệm bổ ích trong quá trình thực hiện lập đề án tái cơ cấu ngành giấy.

- Phương pháp điều tra
Tiến hành xây dựng phiếu khảo sát; lựa chọn mẫu nghiên cứu và tiến hành điều tra, khảo sát một nhóm các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam và một số tổ chức khác có liên quan đến ngành giấy Việt Nam để thu thập dữ liệu về hiện trạng các doanh nghiệp và sản phẩm ngành.
- Phương pháp phỏng vấn chuyên sâu
Tiến hành phỏng vấn chuyên sâu các cán bộ đầu ngành, các nhà quản lý, các doanh nghiệp ngành giấy, lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước liên quan đến ngành giấy Việt Nam, các chuyên gia độc lập, các nhà phân phối giấy/văn phòng phẩm; đại diện các doanh nghiệp từ những ngành nghề khác nhau - khai thác nhu cầu sử dụng giấy.
- Phương pháp chuyên gia:
Tiến hành tham vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý các doanh nghiệp ngành - Dự thảo mục tiêu phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020­-2025, tầm nhìn đến năm 2030;
- Nội dung dự thảo đề án tái cơ cấu ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030;
- Nội dung dự thảo một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành giấy Việt Nam.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Quy mô ngành công nghiệp Giấy Việt Nam
Quy mô ngành công nghiệp giấy Việt Nam ở Hình 1 cho thấy, giai đoạn 2016-2019, năng lực sản xuất giấy của Việt Nam trung bình tăng 31,0%/ năm; Sản lượng sản xuất tăng trung bình 25,7%/năm; Lượng tiêu dùng giấy các loại tăng trung bình 12,3%/ năm; Nhập khẩu tăng trung bình 3,1%/năm và xuất khẩu tăng trung bình 65,1%/năm.
Cơ cấu ngành giấy Việt Nam năm 2018 chi tiết tại Hình 2 cho thấy, sản xuất giấy ngành giấy Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất giấy bao bì làm thùng khẩu và nhập khẩu giấy bao bì năm 2018 (Đơn vị: nghìn tấn/năm) tại Hình 3 cho thấy, năng lực sản xuất loại giấy thông thường năm 2018 (giấy lớp mặt và lớp sóng) tăng rất nhanh lên tới 42%, sản xuất cũng tăng tới 37% để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao 20% và xuất khẩu. Tuy nhiên sản xuất giấy bao bì Việt Nam mới phát huy được chưa tới 70% năng lực.
Xuất khẩu tăng tới 99% và đạt kỷ lục 641.000 tấn nhưng nhập khẩu cũng đạt tới con số hơn 1,4 triệu tấn. Xuất khẩu giấy bao bì năm 2018, hầu hết là giấy lớp mặt và lớp sóng đi thị trường Trung Quốc (đạt 431.000/641.000 tấn), tập trung từ tháng 3 đến tháng 8 sau đó giảm nhanh cả về số lượng và đơn giá vì nhu cầu giấy bao bì của Trung Quốc giảm mạnh do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự cạnh tranh mạnh từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ.
Nhập khẩu giấy bao bì từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan chủ yếu là giấy bao bì có tráng phủ với tổng số lượng gần 1,0 triệu tấn và nhu cầu tăng trưởng cao trong tương lại.
Đầu tư FDI vào ngành giấy Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 2 năm 2017, 2018 và hiện tổng sản lượng giấy sản xuất của các doanh nghiệp FDI chiếm tới gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các loại giấy bao bì thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) do vậy có hiện tượng cung vượt cầu đối với loại giấy này, nhưng xu hướng vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh, Các doanh nghiệp FDI với nhiều lợi thế vượt trội tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì Việt Nam để tồn tại và phát triển.
3.2. Giấy in, viết
Quy mô sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và nhập khẩu giấy in, viết (Đơn vị: nghìn tấn/năm ) năm 2018 tại Hình 4 cho thấy:
Năng lực sản xuất giấy in, viết không tăng và sản lượng sản xuất thực tế đã đạt tới 97% năng lực nhưng nhu cầu tăng trưởng ở mức 3%/năm.
Sản xuất trong nước chủ yếu là giấy in - viết lớp không tráng phủ (UWF) và đáp ứng được nhu cầu 55% còn lại 45% là nhập khẩu chủ yếu giấy cấp cao photocopy; giấy in - viết lớp tráng phủ (CWF) chưa sản xuất được, trung bình hàng năm nhập khẩu tới 483.000 tấn/năm.
Nhập khẩu giấy in, viết chủ yếu từ Indonesia và Thái Lan các loại giấy in, giấy photocopy chất lượng cao. Điều này cho thấy sự mất cân đối rất lớn trong đầu tư sản xuất các loại giấy này.
3.3. Giấy tissue
Quy mô sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và nhập khẩu giấy tissue (Đơn vị: nghìn tấn/năm) năm 2018 tại Hình 5 cho thấy, giấy tissue có nhu cầu sử dụng tăng 6%, nhưng xuất khẩu tăng tới 20% so với 2017 cũng là một sản phẩm có triển vọng tăng trưởng tốt.
3.4. Bột giấy
Quy mô sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và nhập khẩu bột giấy (Đơn vị: nghìn tấn/năm) năm 2018 tại Hình 6 cho thấy, sản xuất bột giấy trong nước đáp ứng 35,5% nhu cầu, phải nhập khẩu tới 64,5% nhu cầu trong nước.
3.5. Nguyên liệu sản xuất bột giấy
Việt Nam là nước có nguồn dăm gỗ - là nguyên liệu cho sản xuất bột giấy rất dồi dào và là nước xuất khẩu dăm mảnh hàng đầu thế giới trong khi phải nhập một lượng lớn bột giấy.
3.6. Tình hình thu gom và sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu sản xuất giấy
Tình hình thu gom và sử dụng phế liệu giấy (nghìn tấn) để sản xuất giấy của Việt Nam được thể hiện ở Hình 7 cho thấy, phế liệu giấy có vai trò rất quan trọng là nguyên liệu không thể thay thế trong sản xuất giấy của Việt Nam, tỷ lệ sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu sản xuất giấy đạt tỷ lệ 87% trên tổng lượng các loại giấy, trong sản xuất giấy bao bì đạt tỷ lệ 98%.
Tại Việt Nam chưa có hệ thống thu gom phế liệu giấy, hiện công tác thu gom giấy phế liệu vẫn thông qua buôn bán ve chai, manh mún, lạc hậu không theo kịp nhu cầu tăng trưởng. Do vậy, tỷ lệ thu gom giấy phế liệu của Việt Nam rất thấp, mới đạt khoảng từ 39% (năm 2019) so với tỷ lệ thu gom của thế giới. Tại Nhật, tỷ lệ thu gom giấy phế liệu đạt trên 80%, tại Trung Quốc đạt trên 57%.
3.7. Cơ hội ngành công nghiệp giấy Việt Nam
Như phân tích, tổng hợp trên thì ngành công nghiệp giấy Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, trong đó:
- Nhu cầu tiêu thụ giấy các loại của Việt Nam là rất lớn: tiêu thụ giấy bình quân của Việt Nam rất thấp, mới đạt 50,7kg/người/năm so với mức tiêu thụ bình quân của thế giới là 70kg/người/năm, Thái Lan 76 kg/ người/năm, Mỹ và EU 200 - 250 kg/ người/năm.
- Thị trường giấy Việt Nam còn nhiều khoảng trống, đặc biệt là phân khúc sản phẩm giấy bao bì cao cấp (tráng phủ), hiện Việt Nam chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu hoàn toàn.
Việt Nam có nguồn dăm gỗ - làm nguyên liệu cho sản xuất bột giấy rất dồi dào; Chi phí nhân công, mặt bằng còn thấp và đặc biệt Việt Nam có lợi thế rất gần thị trường tiêu thụ bột giấy lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Tiêu dùng bột giấy của Trung Quốc khoảng 32 triệu tấn/năm nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 33% nhu cầu, hàng năm Trung Quốc phải nhập khẩu khoảng 21,44 triệu tấn bột/năm.
- Việt Nam là nước xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu sử dụng bao bì giấy và có sự tăng trưởng lớn, liên tục trong thời gian qua và hiện Việt Nam tham gia nhiều hiệp định FTA như WTO, Asean, Asean+3,+6... đặc biệt là các hiệp định mới như EU (EVFTA), CPTPP sẽ tăng mạnh về xuất khẩu, hấp dẫn đầu tư trong nước và FDI. Đây chính là cơ hội cho ngành sản xuất giấy bao bì phát triển. Nhu cầu tiêu thụ Thùng Carton sóng thị trường Việt Nam dự báo >14,0%/ năm. Tiêu thụ giấy làm bao bì theo đầu người, Việt Nam là 33,2 kg/người, trong đó Hàn Quốc 102kg/ người, Thái Lan 58.2 kg/ người, Trung Quốc 50kg/người.
- Cơ cấu ngành công nghiệp xét tới 2025, chế biến và Xây dựng chiếm tỷ lệ 35% GDP, chế biến và chế tạo chiếm tỷ lệ 85% xuất khẩu. Ưu tiên đầu tư, thu hút FDI chế biến sâu nông lâm sản - thủy sản.
- Năng lực sản xuất cắt giảm thị trường Trung Quốc: Kế hoạch lần thứ “13” của CPA, cắt giảm sản xuất công nghệ lạc hậu, kết hợp với Quy định về tỷ lệ tạp chất, di dời doanh nghiệp ra khỏi thành phố, dẫn đến tổng lượng cắt giảm giấy carton lớp mặt và carton lớp sóng (LinerBoard) và carton lớp mặt >13 triệu tấn trong trong 4 năm tới.
- Nguồn cung carton lớp mặt và carton lớp sóng ở châu Á: Nguồn cung giấy carton lớp mặt và carton lớp sóng thiếu hụt lượng trung bình 3,162 triệu tấn/ năm cho lộ trình từ năm 2018 - 2022, do sự cắt giảm sản xuất của Trung Quốc. Trong trường hợp năm 2020 - 2021 Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu giấy tái chế, thì nhu cầu thiếu hụt có thể lên đến 6 triệu tấn/năm.
- Nguyên liệu giấy tái chế: Giá nguyên liệu giấy tái chế của thế giới đang ở mức rẻ, kéo dài trong vài năm tới, năng lực xuất khẩu giấy tái chế của thế giới đang dư thừa (8,5-12,5) triệu tấn/năm.
- Lợi thế thị trường: Sự dịch chuyển các doanh nghiệp FDI về gia công bao bì giấy sang các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Chủ yếu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Hiệp định CTTP, EVFTA...
3.8. Thách thức của ngành công nghiệp giấy Việt Nam
- Vốn đầu tư cho dự án lớn.
- Cạnh tranh với hàng nhập khẩu với sự bảo hộ của Chính phủ thấp. Cạnh tranh tiêu thụ giấy bao bì thị trường nội địa tại khu vực miền Nam với các doanh nghiệp FDI rất mạnh như Vinakraf, Lee & Man, Cheng loong, Chánh Dương (Nine Dragons).
- Quy định về Bảo vệ môi trường, bảo lãnh tài chính từ 5-20% trên tổng lượng hàng giấy thu hồi (giấy phế liệu) nhập khẩu tùy theo doanh nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất.
- Tổng cục Hải quan ban hành liên tiếp Văn bản 3438 và 3738 trong khoảng thời gian gần đây, yêu cầu giấy thu hồi (giấy phế liệu) phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích nhưng không quy định cụ thể thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả giám định. Như vậy vừa phải có Giấy chứng nhận phù hợp Quy chuẩn Kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định Hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này. Điều đó làm tăng thời gian chờ đợi thông quan của lô hàng, gây tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác của doanh nghiệp.
- Sự thắt chặt về chính sách nhập khẩu giấy tái chế của chính phủ Trung Quốc kết hợp với đó là chiến tranh thương mại với Mỹ, trong đó có gói sản phẩm bột giấy & giấy giữa hai bên là 6,4 tỷ USD dẫn đến nhiều khả năng có thêm doanh nghiệp FDI của Trung Quốc chuyển qua đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tình hình chính trị và kinh tế của ổn định, khi sự căng thẳng về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong tình trạng lên cao. Sự cấm vận kinh tế của Mỹ với Nga vẫn chưa hết trong khi đó với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đang trong thời điểm cao trào. Dẫn đến xu hướng tăng trưởng kinh tế của thế giới không được tốt trong những năm tới.
4. KẾT LUẬN
- Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 thay cho “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025” theo nội dung Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào 01/01/2019 để giúp cho ngành giấy phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững.
- Xây dựng chính sách quy định định hướng và phân vùng đầu tư, tận dụng tối đa được lợi thế về địa lý và nguyên liệu sản xuất, tránh việc đầu tư quá tập trung tại một hoặc một số địa phương, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ đầu tư của các dự án, dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng. Cấp phép đầu tư mới cần xem xét với từng dự án cụ thể, không cấp phép dự án có quy mô quá lớn và thực hiện nhiều giai đoạn trong thời gian dài như trước đây. Đồng thời, khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tại các khu vực có điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp.
Tập trung giải quyết sớm vấn đề thiếu hụt nguyên liệu cho ngành giấy chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian gần đặc biệt là nguyên liệu giấy thu hồi, bằng cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy trong việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất. Kiến nghị Chính phủ tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất, coi đây là hàng hóa thông thường làm nguyên liệu sản xuất, không phải phế liệu như hầu hết các quốc gia trên thế giới.
- Nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với ngành công nghiệp giấy, từ đó hiểu rõ ngành công nghiệp giấy là một trong những ngành sản xuất tuần hoàn, có tính tái tạo cao và có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với sự phát triển của nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và cơ khí chế tạo.
- Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế giấy. Từ đó, nghiên cứu hoàn thiện chính sách phát triển ngành nói chung và nhập khẩu nói riêng theo xu hướng của các nước phát triển đối với ngành công nghiệp giấy.
Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được. Hạn chế các dự án sản xuất các chủng loại sản phẩm mà doanh nghiệp ngành giấy trong nước sản xuất được.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo của Hawkins Wright tại Hội nghị ngành công nghiệp giấy Đông Nam Á lần thứ 34 – tháng 11/2019.
2. Báo cáo của RISSI tại Hội nghị ngành công nghiệp giấy Đông Nam Á lần thứ 34 – tháng 11/2019.
3. Quyết định số 10508/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 18/11/2014 về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025.
4. Jorg Becker (1991), Small Pulp and Paper Mills in Developing Countries, Concept Publishing Company, New Delhi.
VŨ THỊ HỒNG MẬN, CAO ĐỨC BẰNG, LÊ CÔNG HOÀNG, LÊ HUY DƯ
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam​
(Bài đăng trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ ngành Công Thương, số 40 – 12/2019)
lên đầu trang