Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:53

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:53

Chính sách

Cập nhật lúc 08:25 ngày 24/02/2020

Khoa học - công nghệ ngành Công Thương: Những chuyển biến tích cực

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả ứng dụng các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất, công tác quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), thời gian qua, Vụ đã triển khai hoàn thiện và thống nhất đưa vào áp dụng các quy định về quản lý KH&CN cấp Bộ. Theo đó, thời gian đăng ký các nhiệm vụ KH&CN được đẩy sớm từ cuối năm trước kế hoạch và chia theo đợt, tăng tính chủ động cho đơn vị đề xuất lẫn đơn vị quản lý; hoàn thiện và đưa vào sử dụng thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhiệm vụ KH&CN.
Kết quả các chương trình khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận
Bên cạnh đó, tiếp tục giảm dần số lượng, tăng quy mô đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; xuất hiện nhiều đề tài nghiên cứu có quy mô về kinh phí và sản phẩm tương đối lớn, có sự tham gia đối ứng của doanh nghiệp (DN); đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ gián tiếp DN thông qua các đơn vị, tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn công nghệ, áp dụng mô hình quản trị, quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến năng suất; đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và DN trong triển khai nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.
Cũng trong năm 2019, Vụ KH&CN đã tham mưu lãnh đạo Bộ trong quá trình tham gia xây dựng các chương trình, đề án cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030 với định hướng và nội dung tập trung bao gồm: Đổi mới hoạt động, nhiệm vụ KH&CN ngành Công Thương phù hợp với nhu cầu thực tiễn của DN; đổi mới mô hình, cơ chế quản lý theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho Bộ chủ quản trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình; xây dựng một số chỉ tiêu định lượng để có thể giám sát, đánh giá được tính bền vững và lan tỏa của chương trình.
Nhìn chung, công tác tổ chức triển khai các chương trình, nhiệm vụ KH&CN của Bộ Công Thương trong giai đoạn vừa qua tiếp tục có kết quả được cộng đồng DN ghi nhận, góp phần nâng cao năng lực của DN trong nước, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc thực hiện tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, đổi mới công tác quản lý khoa học đưa DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của DN trong việc triển khai nhiều dự án có quy mô lớn, mang lại lợi ích và hiệu quả cho DN ngành Công Thương nói riêng và cộng đồng DN cả nước nói chung.
Bằng chứng là tỷ lệ đối ứng của các đơn vị tham gia nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là từ các DN được ứng dụng, chuyển giao công nghệ ngày càng tăng. Đối với các nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt đến hết năm 2020, tỷ lệ đối ứng từ nguồn khác của các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia là 48%. Đây là tỷ lệ đang được Bộ Công Thương duy trì trong thời gian qua. Ví dụ như, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt trong khuôn khổ Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ 83,4% tổng nguồn vốn thực hiện.
Hay, đối với Chương trình KH&CN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản, mức đối ứng trung bình của các dự án là 48,6%, dự án có mức đối ứng cao nhất đạt 94,1%. Tương tự, đối với Đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, mức đối ứng trung bình giai đoạn 2016 - 2019 là 50%, cá biệt năm 2018, mức đối ứng đạt 61,3%. Số liệu thống kê cho thấy các DN ngành Công Thương ngày càng quan tâm tới hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn, trong đó, hơn 70% DN có hoạt động R&D bắt đầu từ 10 năm trở lại đây, tỷ lệ giữa thực hiện R&D từ 0-5 năm đạt mức cao nhất, trên 41%.
Trong năm 2020, Vụ KH&CN tập trung đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; phát huy nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Báo Công Thương
lên đầu trang