Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:00

Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:00

Chính sách

Cập nhật lúc 14:06 ngày 02/03/2020

Xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030

Ngày 21/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, trong đó Bộ Công Thương được giao tiếp tục đánh giá Đề án phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 và triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. 
Thực hiện Quyết định 553/QĐ-TTg, ngày 28/2/2020, Tổ soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi họp đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của Đề án giai đoạn từ 2007-2020, đồng thời góp ý cho Dự thảo thuyết minh Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030
Buổi họp có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm.  Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa chủ trì cuộc họp.
Giai đoạn 2007-2020: 144 nhiệm vụ KHCN được triển khai thực tế
Trong giai đoạn 2007-2020, công nghệ vi sinh và công nghệ enzyme là hai lĩnh vực chủ chốt được  triển khai của Đề án. Trong đó, ứng dụng sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng là định hướng trọng tâm. 
Các nhiệm vụ KHCN được triển khai theo 05 định hướng phát triển nghiên cứu chính, gồm: (1) Ứng dụng công nghệ, thiết bị lên men vi sinh để sản xuất, chế biến thực phẩm; (2) Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; (3) Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất, chế biến nguyên liệu hóa dược; (4) Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; (5) Ứng dụng công nghệ enzyme để sản xuất, chế biến thực phẩm. 
Tại buổi họp, TS. Đặng Tất Thành – Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghiệp đã trình bày báo cáo kết quả đạt được của Đề án giai đoạn 2007-2020. Về triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án SXTN đã được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp. Đề án đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hơn. Nếu như năm 2007 – năm đầu tiên thực hiện Đề án, chỉ có 01 nhiệm vụ KHCN được triển khai và doanh nghiệp tham gia còn ở quy mô nhỏ thì đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp tham gia vào các nhiệm vụ KHCN đã tăng lên 75%. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, 100% nhiệm vụ KHCN đã có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp hoạt động ở nhiều quy mô khác nhau. 
Một số sản phẩm của các đề tài/dự án SXTn thuộc Đề án giai đoạn 2007-2020
“Trong giai đoạn 2007-2020, Đề án triển khai thực tế được 144 nhiệm vụ KHCN, giúp thúc đẩy hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Nhiều sản phẩm sản xuất được có giá thành chỉ bằng 60-80% so với sản phẩm ngoại nhập, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Kết quả này đã khẳng định được vai trò của KHCN trong thực tiễn sản xuất trong nước cũng như đóng góp của KHCN vào giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến”, TS. Đặng Tất Thành nhấn mạnh.
Giai đoạn 2007-2020, Đề án cũng triển khai các hoạt động nhằm tăng cường tiềm lực trong nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đề án đã bước đầu phối hợp triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo nhu cầu của thực tế sản xuất – kinh doanh phục vụ nhu cầu tại các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất. Đối với công tác tăng cường đầu tư chiều sau, nâng cấp cơ sở hạ tầng các phòng thí nghiệm, trong 4 dự án đầu tư tăng cường tiềm lực đã có 2 phòng thí nghiệm đang hoạt động tại Viện Công nghiệp thực phẩm (Hà Nội) và Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm (Phú Thọ). 
Chia sẻ về hiệu quả của phòng thí nghiệm trọng điểm, PGS.TS Vũ Nguyên Thành – Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (một trong hai đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương có phòng thí nghiệm trọng điểm đang hoạt động), cho biết: “Kể từ khi được đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm, năng lực nghiên cứu của Viện Công nghiệp thực phẩm được tăng lên rõ rệt. Số lượng công bố quốc tế tăng từ 2-3 lần so với giai đoạn trước”.
Ngoài những kết quả kể trên, Giai đoạn 2007-2020  Đề án cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; các hoạt động truyền thông được tăng cường đẩy mạnh; số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ/giải pháp hữu ích và công bố khoa học  gia tăng.
Giai đoạn đến 2030: Không bó hẹp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến
Chủ trì buổi họp, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp, trao đổi và đánh giá thẳng thắn của các chuyên gia, nhà khoa học về kết quả sơ bộ của Đề án giai đoạn 2007-2020, đồng thời định hướng phát triển của Đề án giai đoạn 2021-2030. 
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa chủ trì buổi họp
“Trong thời gian vừa qua, nhằm mục tiêu xây dựng Đề án mang tính khả thi cao và có sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà quản lý, Tổ soạn thảo đã tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế và làm việc với các doanh nghiệp, Trường Đại học, Viện nghiên cứu tại 03 miền. Theo ý kiến phản hồi tại các buổi làm việc, trong giai đoạn tới, Đề án sẽ tập trung vào một số nội dung chính như: khả năng cạnh tranh về công nghệ, định hướng tới nguồn nguyên liệu, phát triển theo hướng bền vững và kết nối, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, Đề án sẽ được nghiên cứu theo hướng mở rộng phạm vi triển khai để hướng tới phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến”, Vụ trưởng Trần Việt Hòa trao đổi tại cuộc họp.
Các chuyên gia tham dự đã có nhiều đóng góp ý kiến cho Tổ soạn thảo để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Thuyết minh Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. 
PGS.TS Chu Kỳ Sơn – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho ý kiến:  bổ sung thêm số liệu cụ thể trong Thuyết minh Đề án như số lượng giải pháp hữu ích, bằng sở hữu trí tuệ, công bố quốc tế,…các sản phẩm của Đề án giai đoạn tới nên bám sát theo Quyết định 553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với nội dung đề xuất thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, PGS.TS Chu Kỳ Sơn nhấn mạnh Đề án cần cân nhắc về việc triển khai cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất. 
Các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến cho Tổ soạn thảo xây dựng Thuyết minh Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. 
Cần tiếp cận các số liệu mới, cụ thể và mang tính chuyên ngành chứ không phải là các số liệu chung  cũng là ý kiến của TS. Nguyễn Mạnh Dũng. Theo TS. Nguyễn Mạnh Dũng, để Đề án giai đoạn đến 2030 được triển khai hiệu quả, cần đánh giá thêm về tỷ lệ các nhiệm vụ KHCN trong các lĩnh vực khác nhau, đồng thời đánh giá rõ ràng, cụ thể về sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. 
Theo PGS.TS Tô Kim Anh – Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, nhiều Doanh nghiệp còn ngần ngại, chưa sẵn sàng tham gia vào các dự án sản xuất thực nghiệm. Đề án cần có đánh giá, khảo sát cụ thể để có định hướng và ưu đãi hấp dẫn khuyến khích doanh nghiệp tham gia. 
Kết luận tại buổi họp, Vụ trưởng Trần Việt Hòa cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng hành cùng Tổ soạn thảo trong suốt quá trình khảo sát, thu thập thông tin xây dựng Đề án giai đoạn đến năm 2030, đồng thời để nghị Tổ soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi xin ý kiến của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hội thảo tại hai miền Nam, Bắc để xin ý kiến đóng góp rộng rãi hơn từ nhiều đơn vị, tổ chức khoa học công nghệ, hướng tới hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến vào quý 3 năm 2020).
Vụ Khoa học và Công nghệ
lên đầu trang