Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 02:51

Thứ năm, 25/04/2024 | 02:51

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:08 ngày 17/03/2020

Lưới điện thông minh: Thích ứng Cách mạng công nghiệp 4.0

Đó là chia sẻ của ông Trần Mạnh Sỹ - Giám đốc PC Nam Định - sau khi đơn vị này hoàn thành dự án đầu tư đưa Trung tâm điều khiển, quản lý điện từ xa vào hoạt động.
Từng bước hiện đại hóa lưới điện
Theo định hướng của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNNPC và PC Nam Định đang thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện thông minh để thích ứng với thay đổi của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 với trọng tâm xây dựng Trung tâm điều khiển xa (TTĐKX) và TBA không nguời trực (KNT).
Tháng 9/2019, PC Nam Định đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, đưa TTĐKX và TBA 110kV Ý Yên, Trực Ninh KNT vào hoạt động với kinh phí đầu tư hơn 48 tỷ đồng. Dự án có các hạng mục chính như cải tạo phòng điều khiển, xây dựng mới hệ thống máy chủ, hệ thống SCADA, hệ thống camera, hệ thống hiển thị, cải tạo TBA Ý Yên, Trực Ninh thành trạm KNT…
Để đáp ứng tốt nhất cho TTĐKX đi vào hoạt động, công ty đã đầu tư, xây dựng và vận hành 370km cáp quang dùng riêng, kết nối từ TBA 110kV về TTĐKX đảm bảo N-1. Trang bị 6 máy chủ; hệ thống mạng LAN, thiết bị truyền dẫn, hệ thống bảo mật… đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất để vận hành TTĐKX an toàn, tin cậy.
Giai đoạn 2 của dự án (năm 2020 - 2021), PC Nam Định sẽ cải tạo toàn bộ 9 TBA 110kV còn lại trên địa bàn Nam Định thành TBA không người trực, được điều khiển từ xa, kết nối toàn bộ các thiết bị đóng, cắt trên lưới điện trung áp về TTĐKX. Đồng thời, thực hiện thí điểm kết nối hệ thống đo đếm trên lưới điện hạ áp của TP. Nam Định về TTĐKX. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng, đảm bảo an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Hiệu quả bước đầu
Theo ông Trần Mạnh Sỹ, lưới điện thông minh không những giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ cung cấp điện mà còn giúp sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả bền vững. Lợi ích rõ nét nhất khi đưa TTĐKX vào vận hành là nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động. Trước kia, với chế độ trực 3 ca 5 kíp, mỗi TBA truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 10 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực. Tuy nhiên, khi đưa TTĐKX vào hoạt động và chuyển các TBA sang mô hình vận hành KNT, điều độ viên tại TTĐKX sẽ quản lý, giám sát và điều khiển thiết bị tại TBA.
Một ưu điểm khác, khi đưa TTĐKX vào vận hành, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng. Nếu như trước kia, nhân viên vận hành tại các TBA 110kV nhận và thực hiện lệnh điều độ từ Điều độ hệ thống điện miền Bắc và Điều độ viên lưới điện phân phối tỉnh Nam Định thì nay, việc này được tập trung về một đầu mối duy nhất là TTĐKX. Nhờ đó, giảm được thời gian thao tác thiết bị, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện phân phối. Cùng với đó, khả năng phát hiện sớm các bất thường có thể xảy ra trên hệ thống, giúp đơn vị nhanh chóng có biện pháp xử lý kịp thời để khôi phục chế độ vận hành bình thường của hệ thống.
Những kết quả trên được xem là nền tảng để PC Nam Định tiếp tục thực hiện các dự án tự động hóa lưới điện phân phối nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tăng chất lượng điện năng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cung cấp điện nhằm đảm bảo an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang