Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:13

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:13

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 20:59 ngày 25/03/2020

Vicem Bỉm Sơn: Hành trình tăng 7 lần công suất

Từ nhà máy công suất hơn 1 triệu tấn/năm, đến nay, sau 40 năm phát triển, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn đã tăng gấp gần 7 lần công suất, trở thành nhà máy xi măng có công suất lớn của Việt Nam với 7 triệu tấn sản phẩm/năm.
Ảnh minh họa.
Hơn 40 năm trước, ngày 3/2/1976, nhà máy xi măng Bỉm Sơn được khởi công xây dựng, với 2 dây chuyền sản xuất theo phương pháp ướt, công suất mỗi dây chuyền 600.000 tấn sản phẩm/năm. Ngày 4/3/1980, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 334/BXD-TCLĐ thành lập nhà máy xi măng Bỉm Sơn, tiền thân của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn ngày nay. Sau hơn 5 năm thi công, ngày 22/12/1981, dây chuyền lò nung số 1 đi vào hoạt động, cho ra mẻ clinker đầu tiên. 6 ngày sau, những bao xi măng PC400 mang nhãn hiệu con voi được xuất xưởng đi đến các công trình xây dựng, chính thức đánh dấu tên tuổi của xi măng Bỉm Sơn trong ngành Công nghiệp xi măng Việt Nam. Với tinh thần vừa sản xuất, vừa thi công, dây chuyền số 2 được hoàn thành và đi vào sản xuất năm 1983.
Nhờ áp dụng cơ chế quản lý mới như hạch toán phân xưởng, khoán sản phẩm, trả lương theo đơn giá, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật..., tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 1990, lần đầu tiên nhà máy đã sản xuất được trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm.
Từ nhà máy công suất hơn 1 triệu tấn/năm, đến nay, sau 40 năm phát triển, Vicem Bỉm Sơn đã tăng gấp gần 7 lần công suất, trở thành nhà máy xi măng có công suất lớn của Việt Nam với 7 triệu tấn sản phẩm/năm.
Trước đó, tháng 3/1994, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương Cải tạo, chuyển đổi công nghệ từ ướt sang khô, nâng công suất lò nung số 2 từ 1.750 tấn clinker/ngày lên 3.500 tấn clinker/ngày, nâng công suất từ 1,2 triệu tấn lên 1,8 triệu tấn sản phẩm/năm. Ngày 4/4/2004, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư “Dự án dây chuyền mới 2 triệu tấn/năm nhà máy xi măng Bỉm Sơn”. Ngày 1/3/2010, lò nung dây chuyền mới 2 triệu tấn/năm đã sản xuất ra tấn clinker đầu tiên, nâng tổng công suất của nhà máy xi măng Bỉm Sơn lên 3,2 triệu tấn sản phẩm/năm. Đến tháng 10/2010 nhà máy dừng sản xuất dây chuyền lò nung số 1 theo phương pháp ướt kém hiệu quả.
Năm 2019, thực hiện đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, thương hiệu xi măng Tam Điệp đã được sáp nhập vào xi măng Bỉm Sơn, hợp nhất thành thương hiệu “Vicem Bỉm Sơn”. Việc sáp nhập này mang đến một sức mạnh mới, nâng năng lực sản xuất hàng năm của Vicem Bỉm Sơn lên gần 7 triệu tấn sản phẩm/năm.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, với gần 100 triệu tấn xi măng cung cấp cho nhu cầu xây dựng đất nước, đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 3.400 tỷ đồng; tạo ra gần 2.700 tỷ đồng lợi nhuận, đóng góp cho công tác an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng… tầm vóc lịch sử và vị thế của Vicem Bỉm Sơn ngày càng được khẳng định. Vicem Bỉm Sơn trở thành nhà máy xi măng có công suất lớn ở miền Trung, cung cấp cho thị trường sản phẩm xi măng chất lượng cao.
Hướng đến xây dựng Vicem Bỉm Sơn xanh, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, giúp kiểm soát được nồng độ bụi, bảo vệ môi trường. Đồng thời doanh nghiệp đang triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện; chuẩn bị các điều kiện sử dụng nguyên liệu thay thế hóa thạch, góp phần xử lý môi trường, giảm tiêu hao nguyên liệu hóa thạch, hướng đến xây dựng nhà máy xi măng không phát thải - tuần hoàn tự nhiên.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh, Vicem Bỉm Sơn là doanh nghiệp lớn; sự phát triển của công ty có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; đến sự điều tiết và bình ổn thị trường xi măng trong cả nước. Trong thời gian tới, Vicem Bỉm Sơn cần tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững và không ngừng mở rộng thị phần trong nước và thế giới; thực hiện tốt chính sách chăm sóc khách hàng; không ngừng quảng bá, nâng cao uy tín thương hiệu; đồng thời, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên…
Mai anh
lên đầu trang