Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:56

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:56

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 07:44 ngày 30/03/2020

Thực hành tốt 5S: Tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả

Sau 3 tháng triển khai Chương trình Hướng dẫn thực hành tốt 5S của Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất nông sản Trình Nhi (Lâm Đồng) đã xây dựng được môi trường làm việc chuyên nghiệp, giúp công ty nâng cao năng suất lao động, tạo dựng hình ảnh tốt đối với khách hàng trong và ngoài nước.

Hình ảnh trước và sau 5S tại Phòng Cơ điện và Phòng Thí nghiệm
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến vào tháng 5/2018, cùng với việc xây dựng và áp dụng thành công Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005, Công ty Trình Nhi đã đăng ký tham gia Chương trình Hướng dẫn thực hành tốt 5S của Bộ Công Thương.
Bà Phạm Thị An Bình - Trưởng phòng Hành chính Công ty Trình Nhi - chia sẻ, với sự hướng dẫn của các chuyên gia tư vấn, công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo 5S, đồng thời, đầu tư gần 30 triệu đồng cho các hạng mục in ấn băng rôn, khẩu hiệu 5S, bảng tin 5S, khen thưởng 5S cùng với các khay, giá, kệ, tem nhãn… "Tuy nhiên, do nhà máy mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 5/2018, nên hoạt động sản xuất vẫn chưa ổn định. Công nhân chưa có lịch làm việc cố định nên khó phân công nhân sự thực hiện 5S hàng ngày" - bà Phạm Thị An Bình nói.
Để giải quyết vướng mắc trên, các chuyên gia tư vấn và Ban 5S đã tập trung vào hoạt động đào tạo, hướng dẫn 5S cho công nhân nhằm tạo nhận thức 5S cho người lao động. Sau 3 tháng triển khai thực hành tốt 5S (từ tháng 9 - 12/2018), 100% cán bộ, công nhân viên công ty đã được tham gia đào tạo 5S, 100% bộ phận được thiết lập quản lý trực quan về 5S và có tiêu chí đánh giá 5S, 100% các bộ phận tham gia được đánh giá 5S đạt theo tiêu chuẩn đánh giá do tư vấn và Ban 5S công ty thống nhất.
Để tạo thành thói quen, nề nếp cho người lao động, công ty đã đưa ra 2 hình thức đánh giá 5S: Tổ trưởng tự đánh giá khu vực phụ trách của mình hàng ngày và Ban 5S (phó ban, thư ký 5S) tiến hành đánh giá chéo hàng tuần. Công ty có thiết lập nhóm trao đổi công việc trên mạng xã hội zalo để trao đổi thông tin liên quan đến 5S; đồng thời ban hành quy chế khen thưởng 5S cho các cá nhân, tập thể thực hiện xuất sắc 5S hàng tháng, cá nhân có các sáng kiến lớn, nhỏ đem lại lợi ích cho công ty.
Cũng theo bà Phạm Thị An Bình, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai là thay đổi thói quen của người lao động. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, bền bỉ, nút thắt này đã dần được tháo gỡ. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai 5S, toàn bộ các phòng, ban, khu vực sản xuất của nhà máy đã áp dụng chuẩn mô hình 5S. Việc áp dụng 5S giúp môi trường làm việc sạch sẽ, thông thoáng, công việc trôi chảy hơn, thời gian rút ngắn hơn rất nhiều, hiệu quả công việc cao, không dẫn đến sai sót. Nhờ đó, tâm lý nhân viên vui vẻ, thoải mái, ý thức tự giác được nâng cao. Việc sắp xếp gọn gàng cũng góp phần giảm thời gian phân tích mẫu, tránh trễ mẫu, trễ hẹn với khách hàng… Công ty đã được cấp chứng chỉ số 5S/2018/DN-30 ngày 20/12/2018 của Bộ Công Thương về thực hành tốt 5S tại doanh nghiệp.
Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Lâm Đồng, mô hình 5S nếu được triển khai rộng rãi hơn tại nhiều doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động đáng kể. Những doanh nghiệp kiểu mẫu này được hỗ trợ kinh phí xây dựng, mở rộng các hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng cũng như được hỗ trợ về mặt truyền thông và tham quan, học tập các doanh nghiệp khác.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang