Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:34

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:34

Chính sách

Cập nhật lúc 14:40 ngày 10/04/2020

Phát triển ngành giấy bền vững trên nền kinh tế tuần hoàn

Nước ta đang trong giai đoạn dịch chuyển sản xuất của các nước, ngành giấy đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn và trở thành một trong những ngành phụ trợ quan trọng cho các ngành khác trong giai đoạn phát triển sắp tới. Nên việc đưa ngành giấy vào diện ưu tiên phát triển ở nền kinh tế tuần hoàn trong đề án phát triển bền vững ngành Công Thương rất quan trọng.
Đứng thứ 68 về diện tích nhưng thứ 4 về rác thải nhựa
Theo TS Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuyến tính truyền thống (Linear Economy), các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ. Sau đó, phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp, thậm chí là thải ra môi trường tự nhiên, điều này vừa gây suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải.
Ước tính, chúng ta cần 1,7 trái đất để đáp ứng nhu cầu tài nguyên của thế giới hiện nay; Năm 2050, tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra biển sẽ nhiều hơn tổng khối lượng cá trong các đại dương. Còn Việt Nam xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng xếp thứ 4 về rác thải nhựa. Ô nhiễm không khí khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP năm 2013 (WB, 2016); Ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại 3,5% GDP vào năm 2035 (WB, 2019).
Ngược lại, nền kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình nói trên thông qua tính khôi phục và tái tạo. Trong nền kinh tế tuần hoàn, khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu được thay bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.
Như vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Ngành giấy tiên phong
Theo ông Andrew Thomas Mangan, Giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Hoa Kỳ, để hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn chính là xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp. Hiện nay tại Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến về việc biến nguồn nguyên vật liệu thứ cấp thành nguồn nguyên liệu chính. Tuy nhiên, những sáng kiến này hiện nay vẫn đang rời rạc.
Hiện nay, giấy và nhựa là hai ngành cần đẩy mạnh để phát triển thị trường nguyên liệu thứ cấp dựa trên xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm liên kết, tập hợp thành một nền tảng thống nhất.
Đối với ngành giấy, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, ngành công nghiệp Giấy Việt Nam hiện đang có cơ hội mở rộng, hợp tác và phát triển cùng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với sự phát triển, ngành giấy luôn hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, Hiệp hội Giấy phải định hướng xây dựng ngành giấy theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp, đặc biệt xem giấy thu hồi là nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất.
Khái niệm kinh tế tuần hoàn tương đối mới với doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên,ngành giấycó bản chất rất gần kinh tế tuần hoàn, theo đó việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín ít tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện thông qua thu gom, tái chế lại giấy để cho ra các sảnphẩm mới.
Cụ thể, xuất phát điểm của giấy là từ gỗ rừng trồng và phải có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) khi xuất khẩu; Sau đó sản xuất ra các loại giấy; Giấy sau khi sử dụng lại được thu hồi và tái chế trở lại. Quá trình tái chế có thể diễn ra nhiều lần với các sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng và nhu cầu thị trường. Tái chế giấy không những tiết kiệm cho xã hội, bảo vệ môi trường còn giúp doanhnghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định...
Theo số liệu, tái chế 01 tấn giấy tiết kiệm đến 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000kWh điện, 270 lít dầu, 26.000 lít nước và 3,5 m3 đất để chôn lấp. Tái chế giấy tiết kiệm 65% điện năng cần sử dụng để sản xuất giấy mới, đồng thời giảm ô nhiễm nước đến 35% và giảm ô nhiễm không khí đến 74%. Tái chế giấy bìa chỉ dùng khoảng 75% điện năng dùng để sản xuất mới.
Hoạt động tái chế trở thành hoạt động kinh doanh rất sôi động từ khâu thu gom tại nguồn phát sinh đến khâu xử lý và sản xuất ra những sản phẩm cuối cùng, vì thế tạo ra giá trị kinh tế rất lớn từ hoạt động tái chế.
Hiện nay, các doanh nghiệp tích cực áp dụng các công nghệ mới, các giải pháp sản xuất sạch hơn đã mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và môi trường do tiết giảm tiêu hao năng lượng, nước sạch và hóa chất mang lại, góp phần tiết kiệm chi phísản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
 
Thay đổi để bền vững
Muốn phát triển nền kinh tế tuần hoàn cần sử dụng nguyên liệu thứ cấp để tái chế, tái sử dụng thành  nguồn nguyên liệu chính trong hoạt động sản xuất. Giấy thu hồi là một trong những nguyên liệu thứ cấp đã được thế giới công nhận. Hơn 70% nguồn nguyên liệu của giấy hiện nay xuất phát từ giấy thu hồi. Từ nguồn giấy này, ngành giấy qua các khâu để sản xuất thành bột giấy, sản xuất ra giấy thành phẩm.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, hiện nay nước ta chưa hiểu đúng bản chất của giấy thu hồi, chỉ xem đây như làmột loại phế liệu, chưa xem như nguyên liệu thứ cấp dùng để sản xuất. Do đó, chúng ta chưa có luật, chính sách và các hành động đồng bộ hóa để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.
Vì thế, để Phát triển bền vững ngành Công Thương, ngành giấy phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị:
- Xây dựng hệ thống phân loại các loại “giấy thu hồi”, phân biệt rõ ràng với “phế liệu giấy”theochuẩn mực thương mại quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý và thúc đẩy hoạt độngtái chế, tái sử dụng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để hiểu đúng bản chất của các loại giấy thu hồi này như một loại nguyên liệu thứ cấp quan trọng của ngành công nghiệp giấy.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về giấy thu hồi – nguyên liệu thứ cấp. Thay đổi, chỉnh sửa các văn bản được ban hành trước đây là rào cản với nền tảng kinh tế tuần hoàn và thị trường nguyên liệu thứ cấp.
- Ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ về khuyến khích thu gom, tái chế… như từ phân loại rác tại nguồn, thu gom vận chuyển đến nhà máy…
Vân Đài
(Bài đăng trên Tạp chí Công nghiệp giấy, số 4/2019)

lên đầu trang