Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 13:58

Thứ sáu, 19/04/2024 | 13:58

Chính sách

Cập nhật lúc 19:37 ngày 16/04/2020

TP. HCM chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số

Thành ủy TPHCM vừa có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Theo Thành ủy TP, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền nhận thức cao việc phát triển, ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương, đơn vị. Do đó, nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân.
Trung tâm điều hành giao thông thông minh TPHCM
Cụ thể, đến nay, TP đã đạt một số kết quả cụ thể như: Tổng số dịch vụ công trực tuyến là 859 dịch vụ. Tính đến tháng 4/2019, tỷ lệ đăng ký qua mạng các thủ tục lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp đạt 76%, tỷ lệ đăng ký đầu tư qua mạng đạt 29,5%. Về liên thông văn bản điện tử, từ cuối năm 2014, TP đã thực hiện gửi và nhận văn bản điện tử trên phạm vi toàn TP. Hiện nay, TP đã triển khai liên thông kết nối 751 đơn vị; đã có hơn 4 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua trục liên thông của TP.
Ngoài phần mềm quản lý văn bản hồ sơ công việc, TP đã triển khai ứng dụng phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, tác nghiệp tại các quận, huyện, sở ban ngành như: Phần mềm lịch công tác, thư mời họp qua SMS, Email…; thực hiện việc áp dụng chữ ký điện tử trong trao đổi văn bản điện tử, thư mời họp. TP đã triển khai hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai TP, 24 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện và UBND 24 quận, huyện nhằm thực hiện tiếp nhận, luân chuyển và xử lý hồ sơ đất đai tại địa chỉ https://motcuadatdai.tphcm.gov.vn.
Bên cạnh đó, TP đã thực hiện tổ chức triển khai tập trung các ứng dụng các sở, ngành, quận, huyện tại Trung tâm dữ liệu TP và tăng cường an toàn an ninh thông tin cho hệ thống này.
Ngoài ra, về hệ thống mạng đô thị băng thông rộng TP (MetroNet), TP đã thực hiện kết nối từ UBND TP đến sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các tổng công ty và các đơn vị trực thuộc thông qua hệ thống mạng băng thông rộng TP. Hiện nay, có tổng cộng 778 điểm đã kết nối vào hệ thống mạng phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành các cấp.
Thành ủy TP cho biết: Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; trong đó tập trung triển khai xây dựng 4 trung tâm (Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội, Trung tâm an toàn thông tin). Đồng thời, nghiên cứu phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông TP nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế tri thức.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung 2. Triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi số nhằm tận dụng tối đa tiến bộ, phát triển của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội TP nhanh và bền vững; chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh. Ngoài ra, nghiên cứu các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.
Thành ủy TP kiến nghị Trung ương, Chính phủ tiếp tục ban hành cụ thể hóa các văn bản để thuận lợi trong công tác triển khai, tuyên truyền, quán triệt vì thời gian qua Nghị quyết chưa được triển khai rộng rãi, công khai vì yếu tố bảo mật. Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật sau để phù hợp với các quy định pháp luật khác gồm: Luật Công nghệ thông tin; Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung; ban hành và hướng dẫn triển khai Đề án chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, Thành ủy TP kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu Chính phủ ban hành những quy định, cơ chế tăng tính chủ động của các địa phương trong việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ cho nhu cầu quản lý của địa phương và kết nối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng trao đổi dữ liệu tự động. Các bộ, ngành là đơn vị được giao chủ trì xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dự liệu quốc gia sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể về kiến trúc dữ liệu của hệ thống để làm cơ sở cho việc xây dựng, tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, các bộ, ngành sớm hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ về việc quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Đình Lý
lên đầu trang