Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:19

Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:19

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 15:09 ngày 16/04/2020

Đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy và đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới

Ngày nay, công nghiệp giấy đã trở thành một trong những ngành công nghiệp chế biến lớn của thế giới, với sản lượng và nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng. Cùng với sự phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan, các ngành công nghiệp phụ trợ, các dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy đã không ngừng phát triển cả về quy mô công suất, lẫn mức độ tinh vi.
Đóng góp to lớn của các thành tựu khoa học kỹ thuật, như cơ khí chế tạo máy, xây dựng, điều khiển tự động hóa, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, đã trở thành các nhân tố không thể thiếu để phát triển ngành công nghiệp giấy hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và diễn biến biến đổi khí hậu. Nhìn chung, các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, trong đó công nghệ cao đóng vai trò chủ đạo, cùng với công nghệ tiết kiệm năng lượng, quản lý chất lượng, …, đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp giấy hiện đại.
Ảnh minh họa
Trước thực tế sự phát triển của ngành giấy hiện tại và trong thời gian tới cùng với nhu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất nói chung, việc đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành giấy làm cơ sở cho việc xây dựng định hướng, kế hoạch hoạt động ưu tiên trong giai đoạn tới là thực sự cần thiết. 
Xuất phát từ thực trạng đó, năm 2018, Bộ Công Thương giao Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thực hiện đề tài "Đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy và đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới". Đây là đề tài thuộc Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do TS. Cao Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô làm chủ nhiệm.
Mục tiêu chính của nhiệm vụ là đánh giá được hiện trạng công nghệ - thiết bị, đánh giá được tình hình ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất, dựa trên cách tiếp cận với công nghiệp giấy trên của thế giới. 
Trên cơ sở thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, thực trạng xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp giấy trên thế giới, đồng thời chính sách phát triển của Nhà nước, nhóm nghiên cứu đề xuất các định hướng ưu tiên, cần tăng cường và hỗ trợ, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy, phục vụ mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy nước ta.
Kết quả, sau hơn 1 năm triển khai, bằng phương pháp nghiên cứu chính dựa trên điều tra thực tế tại các cơ sở sản xuất giấy trong nước, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ dữ liệu về hiện trạng công nghệ - thiết bị và thực trạng việc ứng dụng công nghệ cao trong ngành giấy. Bộ dữ liệu có dạng file mềm, cung cấp đầy đủ thông tin về hiện trạng công nghệ - thiết bị và thực trạng việc ứng dụng công nghệ cao của một số doanh nghiệp đại diện cho mỗi sản phẩm như bột giấy, sản xuất giấy (giấy in, giấy viết; giấy tissue; giấy bao bì công nghiệp; giấy đặc biệt), môi trường, sản xuất hóa chất, phụ gia ngành giấy.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện được báo cáo đề xuất các định hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có đề xuất các định hướng ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất bột giấy, sản xuất giấy, bảo vệ môi trường ngành giấy và sản xuất hóa chất phụ gia ngành giấy.
Dự kiến, kết quả của đề tài "Đánh giá hiện trạng và tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy và đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới" có thể được ứng dụng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, Hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý và sản xuất bột giấy và giấy.
Kết quả nghiên cứu của đề tài tài còn góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp giấy để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Đây cũng là cơ sở cho các cơ quan quản lý về công nghệ - thiết bị ngành giấy, kiểm soát các công nghệ lạc hậu, tạo một thị trường giấy phát triển bền vững, tiến tới định hướng về sản xuất xanh - sạch, sản phẩm ngành giấy tiến tới tiêu chí xanh, góp phần bảo vệ môi trường.
 Chương trình Công nghiệp Công nghệ cao
lên đầu trang