Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:44

Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:44

Chính sách

Cập nhật lúc 21:28 ngày 01/05/2020

Quản lý rác thải điện tử: Mối quan tâm của các quốc gia đang phát triển

Rác thải điện tử (e-waste) đang trở thành một vấn đề toàn cầu, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Ước tính đến năm 2030, rác thải máy tính ở các quốc gia này sẽ đạt khoảng 400 triệu bộ. 

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Thái Lan

Để xác định và giải quyết các vấn đề về quản lý e-waste trong khu vực, Hàn Quốc đã phối hợp với Thái Lan và các nước ASEAN tìm hiểu tình hình thực tế về kiến thức, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, cũng như xây dựng mạng lưới làm việc với các cơ quan trong ASEAN và Hàn Quốc.

Rác thải điện tử gia tăng mạnh tại các nước đang phát triển

Ở Hàn Quốc, Bộ Môi trường (MOE) chịu trách nhiệm quản lý về e-waste, tuy nhiên cơ quan thực hiện các chính sách là Tổng công ty môi trường Hàn Quốc (KECO). Đơn vị này có các thông tin và hệ thống quản lý rác trực tuyến (Allbaro) giám sát toàn bộ quá trình thực hiện từng giai đoạn bất cứ lúc nào, nhận báo cáo trực tuyến, cũng như có chức năng giáo dục, đào tạo và ngăn chặn việc xử lý bất hợp pháp rác thải. Hiện có hơn 340 nghìn doanh nghiệp (DN) sử dụng hệ thống này và đã xử lý được 128 triệu tấn rác, chủ yếu ngay tại thị trường tái chế trong nước. Ngoài MOE, KECO, chính quyền và các cơ quan môi trường địa phương, người tiêu dùng (NTD) cũng tham gia nền tảng trực tuyến này.

Ở Thái Lan, lượng chất thải nguy hại, bao gồm cả chất thải điện tử là 1,9 triệu tấn, chiếm 13% tổng lượng chất thải rắn, và chỉ 38% được xử lý. Tức là còn 62% chất thải nguy hại vẫn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người do chỉ được chôn lấp hoặc đốt. E-waste chứa nhiều chất độc hại, nên nếu rò rỉ ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng lớn. Thái Lan rất coi trọng mục tiêu phát triển bền vững, nên đã có nhiều giải pháp xử lý e-waste.

Thách thức với Việt Nam

Ở Việt Nam, khối lượng e-waste hàng năm ước tính là 100 nghìn tấn, tăng với tốc độ 15%/năm do chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất thiết bị điện tử. Năm 2013, số lượng điện thoại di động phế liệu là 3.2 triệu bộ, tivi là 1.9 triệu bộ, máy giặt là hơn 900 ngàn bộ, tủ lạnh là gần 700 nghìn bộ, máy tính là 420 ngàn bộ. Tuy nhiên, ước tính chỉ khoảng 18 ngàn tấn e-waste được xử lý, còn lại không được thu gom và xử lý một cách thỏa đáng, được bán đồng nát cho khu vực tư nhân lấy các nguyên liệu kim loại (nhôm, chì) và nhựa theo công nghệ và thiết bị lạc hậu, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho môi trường.

Việt Nam cũng có nhiều quy định về xử lý rác thải điện tử

Mặc dù chưa có quy định riêng cho e-waste, nhưng Việt Nam đã có chính sách và quy định về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại như các Quyết định 2149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, việc nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức bị cấm. Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thực hiện theo nguyên tắc: NTD có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) dịch vụ phải thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, UBND các cấp và cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở SXKD, dịch vụ tổ chức thu gom sản phẩm thải bỏ.

Nghị định 38 và Thông tư 36 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết hơn về quản lý chất thải nguy hại, trong đó có phân loại cụ thể danh sách các chất thải nguy hại theo tiêu chuẩn của Cộng đồng châu Âu (EC) và công ước Basel, yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý chất thải nguy hại, các điều kiện và thủ tục hướng dẫn để đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trình tự thủ tục cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại…Tuy nhiên, thách thức và khó khăn ngày càng lớn khi số lượng e-waste ngày càng gia tăng, hầu hết người dân Việt Nam muốn bán e-waste cho những người thu gom đồng nát để dỡ bỏ nguyên liệu trong khi các nhà sản xuất điện tử chưa phát triển chính sách thu gom và tái chế, công nghệ tái chế chưa hoàn thiện.

Thời gian tới, Việt Nam và các nước ASEAN sẽ phối hợp để có một hướng dẫn chung về quản lý e-waste. Hướng dẫn sẽ cung cấp các phương pháp và cách thức quản lý e-waste để phổ biến hành động cũng như hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Hoàng Yến
Theo Báo Kinh tế Việt Nam năm 2020
lên đầu trang