Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 17/04/2024 | 05:49

Thứ tư, 17/04/2024 | 05:49

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 07:40 ngày 12/05/2020

Đắk Lắk: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều thách thức

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm tập trung thực hiện những mục tiêu chủ yếu trong Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014 - 2020", nhưng đến nay kết quả còn rất hạn chế.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014 - 2020" (Dự án) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 176/QĐ-UBND, ngày 17-1-2014 với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của DN thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các quy chuẩn, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng.
Theo Ban điều hành Dự án, kể từ khi triển khai thực hiện đến nay, Dự án đã hỗ trợ được 19 lượt DN. Ban điều hành, Tổ giúp việc Ban điều hành và các sở, ngành là thành viên Ban điều hành Dự án đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thi hành pháp luật; xúc tiến thương mại; tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ khuyến công; tăng cường công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm; gặp mặt, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn; thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về Dự án cho các DN; hướng dẫn trình tự, thủ tục tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia cho DN; vận động, hỗ trợ các DN trên địa bàn tham gia các hội chợ, phiên chợ, lễ hội, ngày hội, triển lãm quốc tế…

Công ty TNHH Huvahi giới thiệu sản phẩm của mình tại Chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ban điều hành Dự án đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia kiểm tra, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 và hỗ trợ cho DN xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; hỗ trợ kinh phí cho DN xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 2200:2018 và công cụ cải tiến 5S. Các sở, ngành là thành viên Ban điều hành Dự án đã triển khai hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm của các cơ sở sản xuất; hướng dẫn đăng ký sử dụng mã vạch cho các cơ sở sản xuất; tiếp nhận và thông báo tiếp nhận công bố hợp chuẩn, hợp quy cho DN…
Còn nhiều hạn chế
Ông Đinh Khắc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Trưởng Ban Điều hành Dự án đánh giá, tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của DN nhưng kết quả thực hiện Dự án toàn giai đoạn vẫn còn "khiêm tốn" mặc dù hiện nay đang ở giai đoạn về đích. Nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí quá hạn hẹp. Theo kế hoạch thì trong giai đoạn 2014 – 2020 tổng kinh phí của Dự án là hơn 66 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước là gần 25 tỷ đồng (bao gồm kinh phí hỗ trợ các nội dung và chi phí quản lý Dự án), kinh phí DN là 41,1 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay Dự án mới chỉ giải ngân được 3,105 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Nhà nước, trong đó có gần 1,4 tỷ đồng dành cho hỗ trợ DN. Riêng trong năm 2019, kinh phí dành cho Dự án là 540 triệu đồng. Số tiền trên chỉ đủ để hỗ trợ cho các DN xây dựng hệ thống quản lý nâng cao chất lượng cũng như chi trả chi phí điều hành Dự án.

Khách tham quan gian trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH MTV Trang trại Quang Minh Ea H'leo tại Ngày hội khởi nghiệp lần thứ 1 năm 2019.
Ngoài hạn chế về nguồn kinh phí thì một thách thức không nhỏ cho DN khi tiếp cận Dự án đó là các thủ tục hành chính. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Võ Tá Quốc, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 9.000 DN và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo chia sẻ từ các DN, để đáp ứng được những tiêu chí hỗ trợ của Dự án, DN phải tuân thủ khá nhiều thủ tục rườm rà và trải qua nhiều giai đoạn chờ đợi. Vì vậy để thêm nhiều DN được thụ hưởng từ Dự án, ngoài việc tăng cường mạnh mẽ hơn nữa nguồn kinh phí thì việc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho DN là việc cần thiết phải tiến hành ngay.
Để Dự án hỗ trợ được nhiều DN hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, mỗi thành viên trong Ban điều hành Dự án cần làm tốt nhiệm vụ của mình, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời cần lựa chọn những mục tiêu chủ yếu trong Quyết định 176/QĐ-UBND của UBND tỉnh để tập trung vào thực hiện. Đặc biệt, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ giúp việc; rà soát, củng cố lại hệ thống điều hành Dự án để định hướng hoạt động theo phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, cần tổ chức hội thảo và đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác…
“Kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chính vì vậy, các thành viên trong Ban điều hành Dự án cần phải thẩm định một cách nghiêm túc, bảo vệ dự toán cho từng năm, thường xuyên báo cáo trực tiếp với Ban điều hành Dự án để kịp thời giải quyết những vướng mắc, hướng đến mục tiêu: DN là sự phát triển bền vững nhất”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà
Theo Báo Đắk Lắk
lên đầu trang