Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 20:06

Thứ năm, 25/04/2024 | 20:06

Chính sách

Cập nhật lúc 16:22 ngày 08/05/2020

Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia

Ngày 17 tháng 4 năm 2020, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BTC (Thông tư số 27) về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, kể từ ngày 5/6/2020, việc lập kế hoạch, rà soát, xây dựng, thẩm định Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 27. 
Theo Thông tư số 27, nội dung chi, định mức chi, lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT được quy định cụ thể. Theo đó, mức chi lao công lao động thuê ngoài với cán bộ, chuyên gia trực tiếp xây dựng dự thảo TCVN, QCKT tối đa 20 triệu đồng/01dự thảo (đối với TCVN, QCKT không phải khảo sát, khảo nghiệm); tối đa 45 triệu đồng/01dự thảo (đối với TCVN, QCKT cần phải khảo sát, khảo nghiệm).
Chi lập dự án TCVN, QCKT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mức chi tối đa 1,5 triệu đồng/01dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư số 27/2020/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được Bộ Tài chính ban hành ngày 17 tháng 4 năm 2020.
Thông tư cũng quy định mức chi thuê chuyên gia nước ngoài (trong trường hợp có nhu cầu), đơn vị căn cứ nội dung yêu cầu công việc thuê chuyên gia thực hiện thương thảo mức tiền thuê chuyên gia, thuyết minh rõ kết quả của việc thuê chuyên gia, tiêu chí đánh giá kết quả thuê chuyên gia. Tổng dự toán kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài không vượt quá 50% tổng dự toán kinh phí của dự án xây dựng TCVN, QCKT.
Chi hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề, tham gia góp ý cho dự thảo TCVN, QCKT tối đa 600 nghìn đồng/người/buổi (đối với người chủ trì cuộc họp); tối đa 100 nghìn đồng/người/buổi (đối với thành viên tham dự).
Trường hợp các nội dung chi về vật tư, hoá chất, nguyên nhiên vật liệu, chi phí khảo nghiệm không có các định mức kinh tế kỹ thuật do các Bộ, ngành chức năng ban hành thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng TCVN, QCKT quyết định mức chi cho các nội dung này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Theo Thông tư số 27, có 3 nguồn kinh phí xây dựng TCVN và QCKT, bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp hiện hành; nguồn tài trợ, hỗ trở của các tổ chức, cá nhân khác; các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Thông tư này, công tác quản lý, xây dựng TCVN, QCKT là nhiệm vụ theo chức năng của các Bộ, ngành, địa phương được cấp có thẩm quyền quy định. Trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, căn cứ vào kế hoạch, kế hoạch xây dựng TCVN, QCKT trong năm, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch, rà soát, chuyển đổi, xây dựng, thẩm định TCVN, QCKT phù hợp với tiến độ triển khai nhiệm vụ.
Nhằm giúp các đơn vị lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí đảm bảo đúng quy định, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết các nội dung về: Công tác lập dự toán; Phân bổ và giao dự toán; Thực hiện dự toán chi Ngân sách nhà nước (NSNN); Quyết toán NSNN.
Cụ thể, trong công tác lập dự toán, hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN của các cấp có thẩm quyền; căn cứ vào nội dung, yêu cầu khối lượng công việc xây dựng các dự án TCVN, QCKT; căn cứ vào các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và quy định tại Thông tư này, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng TCVN, QCKT lập dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT trình cơ quan chủ quản. 
Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch xây dựng TCVN, QCKT thuộc lĩnh vực quản lý và dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT do các đơn vị trực thuộc lập theo quy định của Thông tư này để tổng hợp chung vào dự toán của Bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. 
Về phân bổ và giao dự toán, căn cứ dự toán chi NSNN được cấp có thẩm quyền giao; các Bộ, ngành, địa phương phân bổ và giao dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT theo nội dung chi quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn và Thông tư này; đồng thời, gửi cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để kiểm tra và thực hiện.
Về thực hiện dự toán chi ngân sách, căn cứ dự toán chi ngân sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
Bên cạnh đó, các đơn vị được giao dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCKT phải thực hiện công tác khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán. Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và trách nhiệm xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành. 
Kinh phí xây dựng TCVN, QCKT được quyết toán phù hợp với nguồn kinh phí sử dụng và phù hợp với mục chi tương ứng của mục lục NSNN theo quy định hiện hành và tổng hợp trong báo cáo quyết toán hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Đơn vị, tổ chức chủ trì xây dựng TCVN, QCKT phải thực hiện đúng các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng TCVN, QCKT theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định tại Thông tư này.
Đơn vị, tổ chức chủ trì có trách nhiệm quản lý theo dõi, thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện, chịu trách nhiệm kiểm tra, xét duyệt quyết toán kinh phí thực hiện xây dựng TCVN, QCKT và tổng hợp vào báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị và gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.
Người chủ trì phải chịu trách nhiệm về các nội dung và kết quả nghiên cứu xây dựng TCVN, QCKT theo dự án đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm báo cáo, thuyết minh số liệu quyết toán kinh phí thực hiện với đơn vị, tổ chức chủ trì.
Mai Ngọc t/h
lên đầu trang