Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 01:33

Thứ năm, 25/04/2024 | 01:33

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 07:39 ngày 12/05/2020

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam: Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã xây dựng được trên 11.500 tiêu chuẩn (TCVN); trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đạt 54%. Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Tỷ lệ TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực
Chủ động thay đổi
Trước bối cảnh hội nhập quốc tế mở rộng, nhiều hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Cùng với đó, nhiều hàng rào phi thuế quan như các biện pháp phòng vệ trong thương mại, quy định về giữ gìn môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu về an sinh xã hội… đã được dựng lên dày đặc. Xu hướng phát triển kinh tế xanh, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường cùng với các tiêu chuẩn cao đã được đặt ra, Việt Nam cần có các thay đổi để đáp ứng sự phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) - cho biết, rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường quốc tế và DN nước ngoài vào Việt Nam, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tiêu chuẩn thế giới. Để đảm bảo vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của DN, bắt buộc hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải thay đổi. Sự thay đổi đó ngày càng rõ nét, điển hình như trước đây, công tác xây dựng tiêu chuẩn chưa quan tâm đến trách nhiệm xã hội mà chỉ quan tâm đến chất lượng của một sản phẩm hàng hóa thì nay, Việt Nam đã có tiêu chuẩn SA 8000, TCVN ISO 26000 liên quan đến vấn đề trách nhiệm xã hội và cũng quy định rất nhiều về những nội dung khác.
Việc chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế đã đáp ứng kịp thời tiến độ, lộ trình hội nhập và tăng cường uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ngay trên sân nhà, góp phần bước ra thị trường thế giới dễ dàng hơn.
Tự tin tiến bước
Hiện, TĐC đã thành lập được 136 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và 54 Tiểu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gồm hơn 1.100 chuyên gia là các giáo sư, tiến sĩ, nhà quản lý hàng đầu trong những lĩnh vực chuyên môn sâu tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam cũng là thành viên chính thức của 20 Ban kỹ thuật và Tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO, IEC; tham gia với tư cách thành viên quan sát đối với 62 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia rất tích cực trong quá trình xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm CODEX. Đây là nền tảng quan trọng để trong thời gian tới, các TCVN tăng tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn thế giới và khu vực.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, việc xây dựng tiêu chuẩn phải tuân theo định hướng của thị trường, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất, kinh doanh của DN. Bên cạnh các vấn đề như công nghệ mới nổi lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, nước, đô thị thông minh, nông nghiệp hữu cơ…, phải nghiên cứu về thị trường. Tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo nhu cầu của thị trường là hướng đi mà Việt Nam đang hướng đến.
Để các tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt được tỷ lệ hài hòa ngày càng cao và đáp ứng yêu cầu, tổ chức xã hội và DN không thể đứng ngoài công tác xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang