Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 17/04/2024 | 06:00

Thứ tư, 17/04/2024 | 06:00

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:41 ngày 12/05/2020

Nhân tố thúc đẩy sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ về phát triển công nghệ

Công nghệ 5G đang được xem là nhân tố thay đổi “cuộc chơi”, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quân sự của các quốc gia trên thế giới. Với Mỹ, lần đầu tiên, năng lực công nghệ của nước này trong một lĩnh vực - cụ thể là 5G - chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ một quốc gia “đối thủ” là Trung Quốc, đòi hỏi Mỹ phải điều chỉnh tư duy và chiến lược phát triển công nghệ đối với phát triển kinh tế, an ninh quốc gia cũng như chiến lược an ninh toàn cầu. Sự điều chỉnh chiến lược công nghệ này của Mỹ tạo ra một số cơ hội cũng như thách thức đối với các nước, bao gồm các nước đang phát triển.

Một số nét về công nghệ 5G

Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) hiện nay, thế hệ thứ 5 của công nghệ kết nối viễn thông (công nghệ 5G) đang trở thành tâm điểm sau khi Mỹ triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) phát triển và triển khai công nghệ này trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của công nghệ 5G là năng lực truyền tải dữ liệu mạnh hơn rất nhiều so với các công nghệ 4G và 3G trước đây. Do đó, công nghệ 5G có vai trò nền tảng, mở ra khả năng ứng dụng ở quy mô lớn chưa từng có cho các công nghệ mới, như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), in-tơ-net vạn vật (IoT)(1). Nếu các công nghệ từ 1G tới 4G chủ yếu kết nối con người với nhau thông qua các thiết bị, thì công nghệ 5G kết nối trực tiếp một mạng lưới với số lượng lớn các thiết bị với nhau.

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ 5G được đánh giá không những là nhân tố thay đổi “luật chơi” mà còn mang lại những cơ hội lớn trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến quân sự đối với các quốc gia trên thế giới. Về kinh tế, các công nghệ, như xe tự hành, nhà máy sản xuất tự động, phẫu thuật từ xa, dịch vụ giải trí thực tế ảo,... dựa trên nền tảng 5G sẽ tạo ra những ngành kinh tế mới, mang lại lợi nhuận lớn. Theo Tập đoàn Tư vấn CCS, đến năm 2023 sẽ có khoảng 1,3 tỷ người sử dụng công nghệ 5G trên toàn cầu(2). Trong khi đó, Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSM) dự báo, công nghệ 5G sẽ tạo ra giá trị 2,2 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu trong 15 năm tới(3). Về xã hội, khả năng truyền tải dữ liệu rất lớn của công nghệ 5G cho phép hiện thực hóa ý tưởng về mô hình xã hội thông minh, thành phố thông minh với khả năng kết nối với nhau của các thiết bị điện tử dưới sự quản lý, điều hành tự động của một trung tâm điều phối. Về quân sự, công nghệ 5G giúp nâng cao khả năng ra quyết định chiến lược và tác chiến hiệu quả trên thực địa với việc liên thông các kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian thực.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Mỹ phải giành chiến thắng cuộc đua 5G” tại buổi họp báo cùng lãnh đạo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ Ajit Pai về việc công bố phát kiến nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạng 5G, ngày 12-4-2019 _Ảnh: White House

Trên cơ sở đó, các cường quốc trên thế giới đang tích cực xây dựng những kế hoạch phát triển và ứng dụng rộng rãi mạng 5G. Theo Báo cáo tình báo của GSM, năm 2019 có 147 nhà mạng ở 72 quốc gia, vùng lãnh thổ thử nghiệm mạng 5G và có 81 nhà mạng tại 52 quốc gia, vùng lãnh thổ công bố kế hoạch triển khai mạng 5G(4). Mỹ sẽ đầu tư 275 tỷ USD để triển khai mạng 5G, tạo ra 3 triệu việc làm mới và tạo thêm 500 tỷ USD cho nền kinh tế(5). Nhật Bản dự định đầu tư 14,4 tỷ USD nhằm phát triển 5G trong 5 năm tới(6). Hàn Quốc sẽ đầu tư 26 tỷ USD xây dựng và khai thác 5G vào năm 2022, tạo ra 73 tỷ USD giá trị xuất khẩu vào năm 2026(7). Nga dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020, và kết nối 5G sẽ chiếm 20% tổng lượng kết nối viễn thông vào năm 2025. Anh đề ra chiến lược hướng tới một hệ sinh thái 5G thống nhất toàn quốc(8). Ấn Độ chú trọng bảo đảm sự ứng dụng của 5G trong triển khai các thành phố thông minh và làng thông minh. Xin-ga-po ứng dụng 5G phục vụ những ngành công nghiệp trụ cột, như chế tạo công nghệ cao, bảo dưỡng máy bay và dịch vụ tài chính.

Đáng chú ý, Trung Quốc hiện rất mạnh trong ứng dụng và phát triển mở rộng 5G không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu. Dự kiến, quy mô đầu tư 5G của Trung Quốc có thể lên tới 441 tỷ USD(10). Nếu Liên minh châu Âu (EU) đi đầu trong công nghệ 2G, Nhật Bản đi đầu trong công nghệ 3G, Mỹ đi đầu trong công nghệ 4G, thì hiện nay, Trung Quốc đã vượt lên trong công nghệ 5G. Báo cáo “Hệ sinh thái 5G: Rủi ro và cơ hội” của Ủy ban Đổi mới quốc phòng, Bộ Quốc phòng Mỹ (tháng 4-2019) nhận định, Mỹ có thể tụt hậu trong cuộc đua triển khai công nghệ 5G với Trung Quốc(11). Đây được coi là “hồi chuông cảnh báo” đối với Mỹ không chỉ trong lĩnh vực 5G mà còn trong đánh giá chiến lược của Mỹ đối với năng lực khoa học - công nghệ của Trung Quốc.

Những vấn đề đặt ra đối với Mỹ

Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia hàng đầu nếu xét về tổng thể tiềm lực khoa học - công nghệ và có ảnh hưởng rất lớn đối với hệ sinh thái công nghệ của thế giới. Triển vọng phát triển 5G hiện nay mang lại cho Mỹ một số cơ hội.

Thứ nhất, từ góc độ chiến lược, Mỹ có thể huy động hợp tác của các nước đồng minh, kết nối nỗ lực của các chính phủ và khu vực tư nhân để phát triển các công nghệ, dịch vụ cũng như chế tạo thiết bị 5G an toàn và tin cậy. Nhìn xa hơn, các nhà phân tích cho rằng trong 3 năm tới, công nghệ 6G sẽ sớm thay thế 5G và các công nghệ khác do Mỹ phát minh và chế tạo. Do vậy, Mỹ vẫn còn đủ khung thời gian để cân nhắc phát triển mạng 5G và tiến tới mạng 6G trong tương lai.

Thứ hai, từ góc độ kinh tế, việc tập trung phát triển mạng 5G và xa hơn là 6G có thể mang lại các lợi ích cụ thể cho nền kinh tế Mỹ. Hiệp hội công nghiệp công nghệ viễn thông Mỹ dự báo mạng 5G có thể tạo thêm 3 triệu việc làm và 500 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ(12).

Thứ ba, từ góc độ an ninh, việc làm chủ mạng 5G sẽ giúp Mỹ bảo đảm an ninh quốc gia, củng cố sức mạnh quân sự và ảnh hưởng trong hệ sinh thái công nghệ của thế giới. Các nhân tố này sẽ góp phần củng cố sức mạnh tổng hợp của Mỹ và giúp Mỹ triển khai thuận lợi các kế hoạch, chiến lược an ninh toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng và thách thức của các công nghệ mới.

Gian hàng của Công ty bán dẫn toàn cầu Mỹ Qualcomm tại triển lãm 5G ở trung tâm hội nghị Las Vegas, Nevada _Ảnh: AP

Mặc dù vậy, các thách thức đối với Mỹ trong phát triển công nghệ 5G cũng rất lớn. Lần đầu tiên sau Chiến tranh lạnh, vai trò đi đầu về khoa học - công nghệ của Mỹ trong một lĩnh vực cụ thể là 5G bị “đe dọa” bởi một quốc gia “không phải đồng minh, không cùng ý thức hệ” là Trung Quốc.

Một là, việc phát triển và phổ biến 5G của Trung Quốc đang tạo ra nguy cơ an ninh lớn đối với Mỹ. Nguy cơ này xuất phát từ hai yếu tố cơ bản: 1- Tại Mỹ, hiện ngày càng có nhiều thiết bị được kết nối và vận hành trực tuyến trên nền tảng 5G, do vậy nếu có hoạt động phá hoại thì hệ lụy sẽ rất lớn đối với kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của Mỹ; 2- Việc số lượng hãng cung cấp mạng 5G còn hạn chế đã làm tăng nguy cơ phụ thuộc về dịch vụ và thiết bị. Ngoài ra, giới chức Mỹ quan ngại Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ phục vụ các mục đích chính trị. Sự phổ biến của các công nghệ Trung Quốc trên toàn cầu làm dấy lên cuộc tranh luận ở Mỹ về việc đây có thể là một trong những biện pháp để Trung Quốc xuất khẩu “mô hình quản trị” nhà nước Trung Quốc, vốn đi ngược lại với các giá trị Mỹ sang các nước khác. Theo Cơ quan an ninh mạng và an ninh kết cấu hạ tầng của Mỹ, tháng 7-2019, việc sử dụng các thiết bị 5G được sản xuất bởi các công ty “không đáng tin cậy” sẽ tạo ra rủi ro đối với các “thực thể” của Mỹ và hiện chưa thể đánh giá hết các “rủi ro mới” từ hệ thống 5G(13).

Hai là, việc thuyết phục các quốc gia khác “giảm” sử dụng công nghệ của Trung Quốc trong khi chưa có sự lựa chọn đủ sức “hấp dẫn” để thay thế. Mặc dù các nước đều quan tâm tới vấn đề an ninh nhưng lại có mức độ “nhạy cảm” khác nhau đối với công nghệ của Trung Quốc, cũng như có những cân nhắc về chi phí kinh tế. Trong khi đó, công nghệ 5G của Trung Quốc được đánh giá là có giá thành cạnh tranh hơn hẳn các công ty của Mỹ và phương Tây, như Cisco, Ericssion, Nokia... Cho tới nay, chỉ có một số ít đồng minh của Mỹ, như Nhật Bản hay Australia hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc, còn đa số các nước đều tránh công khai nhà cung cấp 5G cụ thể mà chủ yếu tập trung củng cố các khuôn khổ pháp lý và nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát để phòng ngừa rủi ro.

Ba là, các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc như cấm vận thương mại gặp khó khăn do ảnh hưởng tới lợi ích của chính doanh nghiệp Mỹ. Tháng 3-2018, Mỹ ra lệnh cấm các công ty của Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho Tập đoàn Trung Hưng (ZTE) của Trung Quốc và chỉ dỡ bỏ lệnh cấm sau khi tập đoàn này chấp nhận số tiền phạt cũng như sự giám sát của Mỹ đối với các linh kiện mua từ nước này. Ngày 15-5-2019, Tổng thống Mỹ D. Trump ký sắc lệnh nhằm ngăn chặn Tập đoàn Huawei bán các thiết bị cho công ty viễn thông của Mỹ. Tiếp đó, ngày 16-5-2019, chính quyền của Tổng thống D. Trump tuyên bố đưa Tập đoàn Huawei vào danh sách cấm nhập khẩu các linh kiện từ Mỹ nếu không có giấy phép. Tuy nhiên, việc áp dụng các lệnh cấm này trên thực tế gặp nhiều khó khăn do sự “phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế” giữa hai bên. Các tập đoàn công nghệ của Mỹ cần thị trường “khổng lồ” của Trung Quốc và sẽ gặp khó khăn để bù đắp những tổn thất đến từ các chính sách hạn chế thương mại. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu FactSet (Mỹ), tổng doanh thu hằng năm của các công ty Mỹ, như Apple Intel, Micron, Cisco... tại Trung Quốc lên tới hơn 100 tỷ USD.

Sự điều chỉnh chiến lược công nghệ của Mỹ

Những cơ hội, các thách thức trên đặt ra vấn đề: để cạnh tranh hiệu quả được với Trung Quốc trong công nghệ 5G, Mỹ buộc phải nhìn nhận lại tư duy và cách thức phát triển khoa học - công nghệ trong những năm qua. Theo cách tiếp cận truyền thống, Chính phủ Mỹ cho rằng, cơ chế phát triển thị trường tự do với khu vực tư nhân là chủ đạo sẽ phát huy tính sáng tạo, tạo ra động lực phát triển khoa học - công nghệ, hạn chế tối đa sự can thiệp và chỉ đạo của nhà nước đối với phát triển công nghệ. Đây cũng được coi là nền tảng giúp Mỹ đạt được những thành tựu to lớn về khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, trong công nghệ 5G, các tập đoàn của Mỹ không chỉ cạnh tranh với các công ty nước ngoài như Tập đoàn Huawei của Trung Quốc mà phải cạnh tranh với một chiến lược tổng thể quốc gia được hậu thuẫn có hệ thống về chính sách, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực... Tập đoàn Huawei chỉ là một cấu phần trong chiến lược tổng thể này của Trung Quốc. Điều này cũng lý giải thực tế là các công ty của Mỹ đã có phần “hụt hơi” so với các công ty của Trung Quốc. Như vậy, nếu chỉ dựa vào sự “tự thân vận động” của doanh nghiệp, Mỹ sẽ mất khá nhiều thời gian và khó có nguồn lực đủ lớn để cạnh tranh với nguồn lực “công - tư kết hợp” từ phía Trung Quốc. Nhìn rộng hơn, sự tụt hậu của Mỹ trong công nghệ 5G đã chỉ ra các khiếm khuyết mang tính cơ bản trong chiến lược phát triển công nghệ nói chung của Mỹ. Nếu không kịp thời thay đổi, Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn hơn không chỉ trong công nghệ 5G mà cả các công nghệ khác, như 6G, AI...

Thời gian qua, Mỹ đã có một số động thái cho thấy sự “chuyển động” trong nội bộ hướng tới hình thành một cách tiếp cận mới trong chiến lược công nghệ. Đơn cử như, ngày 29-3-2019, tại Kỳ họp Quốc hội Mỹ lần thứ 116, Ủy ban Tình báo Quốc hội Mỹ và một số thượng nghị sĩ đã đưa ra dự thảo “Luật an toàn 5G và mở rộng” yêu cầu Tổng thống D. Trump xây dựng một chiến lược cấp liên bang nhằm bảo đảm sự an toàn của hệ thống mạng và hạ tầng 5G tại Mỹ cũng như ở các quốc gia đồng minh; dự thảo “Luật công nghệ số tiên phong” (E-FRONTIER Act), yêu cầu tổng thống và các cơ quan liên bang không xây dựng, vận hành và cung cấp dịch vụ viễn thông mà không có sự cho phép của Quốc hội.

Đáng chú ý, tháng 11-2019, Tập đoàn Phát triển tài chính Mỹ (DFC) cũng khẳng định sẽ sử dụng ngân sách 60 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp của Mỹ và các nước đồng minh, như Nokia hay Ericsson, phát triển các thiết bị và dịch vụ 5G. Mục tiêu của Mỹ là giúp các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển có nhiều lựa chọn hơn trong công nghệ 5G thay vì phải phụ thuộc vào các công nghệ của Trung Quốc...

Có thể thấy, Mỹ đã bước đầu có sự điều chỉnh, thay đổi về tư duy, thể hiện qua sự chủ động và tích cực hơn của Chính phủ về hoạch định khuôn khổ chính sách, cung cấp nguồn lực và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển mạng 5G. Cách tiếp cận này đã có phần vượt khỏi “tư duy truyền thống về thị trường tự do” trong phát triển công nghệ và có sự can dự cũng như hỗ trợ lớn hơn từ Chính phủ đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình định hình chiến lược công nghệ mới này không thể một sớm một chiều do có khá nhiều rào cản về quy định và nội luật liên quan cần được dỡ bỏ hoặc điều chỉnh. Bên cạnh đó là những rào cản hành chính trong phát triển công nghệ.

Tác động của việc Mỹ điều chỉnh chiến lược công nghệ

Chiến lược mới của Mỹ về phát triển công nghệ vẫn đang trong quá trình định hình. Tuy nhiên, xu hướng này đang và sẽ tạo ra một số tác động đối với thế giới.

Trước hết, đối với Trung Quốc, sự điều chỉnh chiến lược công nghệ của Mỹ sẽ làm gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Mỹ không thể để Trung Quốc chiếm vị trí số 1 của Mỹ về khoa học - công nghệ - nhân tố quan trọng hàng đầu đối với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ. Từ góc độ này, có thể thấy cán cân thương mại hay xếp hạng công nghệ chỉ là các vấn đề mang tính “bề nổi” trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Mục tiêu sâu xa của Mỹ có thể là áp đặt “luật chơi” trong cạnh tranh sức mạnh kinh tế - thương mại - tài chính và công nghệ giữa hai nước, buộc Trung Quốc phải từ bỏ việc trợ cấp cho doanh nghiệp, bảo hộ thị trường, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Với “luật chơi” này, Mỹ sẽ phát huy được “sở trường” là ưu thế năng động của khu vực tư nhân của Mỹ. Từ phía Trung Quốc, quốc gia này sẽ không dễ dàng từ bỏ mục tiêu phát triển công nghệ do đây là nhân tố quan trọng trong việc hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”, cũng như không dễ dàng chấp nhận bất kỳ “điều kiện” nào của Mỹ làm tổn hại tới vị thế và uy tín nội bộ của Trung Quốc. Do đó, cạnh tranh công nghệ là vấn đề chiến lược có ý nghĩa “sống còn” đối với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là cuộc cạnh tranh lâu dài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có sự đối đầu về quan điểm xung quanh vấn đề công nghệ mạng không dây thế hệ thứ 5 trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 tại thành phố Osaka (Nhật Bản), ngày 29-6-2019_Ảnh: AFP

Đối với các quốc gia khác trên thế giới, hiện có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến thế giới bị “phân mảng” thành các khối công nghệ khác nhau. Việc tập hợp lực lượng được cho là sẽ diễn ra ở hai “trục” chính, gồm Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh đó là các hệ công nghệ của châu Âu hoặc Nga. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong các phát biểu năm 2019 và đầu năm 2020 đều nhấn mạnh việc đối đầu thương mại và công nghệ Mỹ - Trung Quốc sẽ dẫn đến nguy cơ về “một sự đứt gãy” của thế giới hay nói cách khác là nguy cơ “phân tách” trong kinh tế, tài chính và thậm chí là quân sự - một sự tàn phá hơn cả Chiến tranh lạnh(13).

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, tính phụ thuộc về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc còn khá lớn, việc điều chỉnh và phân tách các chuỗi cung ứng về công nghệ cũng như hệ sinh thái công nghệ toàn cầu là không dễ dàng(14). Do đó, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc về công nghệ sẽ làm gia tăng tính đa dạng và sự lựa chọn về công nghệ chứ không nhất thiết tạo ra các hệ sinh thái biệt lập về công nghệ. Theo các chuyên gia, cho dù kịch bản nào diễn ra, tác động đối với các quốc gia trên thế giới sẽ là sự khó khăn hơn trong cân bằng quan hệ cũng như nhu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực quốc gia về công nghệ. Một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng không phải là công nghệ của quốc gia nào “đáng tin” hơn, mà là năng lực giám sát, làm chủ công nghệ của quốc gia tiếp nhận công nghệ. Bất kỳ công nghệ nào cũng có thể bị “thâm nhập” bởi các lực lượng bên ngoài nếu năng lực kiểm soát công nghệ của quốc gia đó không tốt. Bên cạnh đó, sự gia tăng cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc một lần nữa khẳng định vai trò then chốt và quan trọng của công nghệ đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia. Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ cũng cho thấy, kể cả đối với cường quốc công nghệ hàng đầu như Mỹ thì năng lực nội tại và tinh thần “tự cường” về công nghệ vẫn là nền tảng quan trọng nếu các quốc gia muốn bảo đảm được an ninh và phát triển trong môi trường hợp tác quốc tế sâu rộng, đan xen lẫn nhau về công nghệ như hiện nay. Đáng chú ý, đối với các nước đang phát triển, sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đang tạo ra những nguồn lực mới, tạo thuận lợi cho hợp tác khoa học - công nghệ giữa các tập đoàn của Mỹ, EU,... với các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển có nhiều lựa chọn đa dạng hơn trong hợp tác công nghệ, có điều kiện hơn để lựa chọn những công nghệ phù hợp với nhu cầu an ninh và phát triển quốc gia.

Đối với Việt Nam, việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học - kỹ thuật, như Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 31-10-2012, tại Hội nghị Trung ương 6, về phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Kết luận số 50-KL/TW, ngày 30-5-2019, của Ban Bí thư, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; các nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25-7-2019, về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2019, về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với những chuyển biến, nguy cơ về cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc thông qua phân tích về nhân tố 5G và trên cơ sở những định hướng của Đảng và Nhà nước, để có thể biến thách thức thành cơ hội, hạn chế tối đa những tác động không thuận do công nghệ 5G mang lại, chúng ta cần:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng trong hợp tác quốc tế về công nghệ. Trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, cần có những nghiên cứu tổng thể và đề xuất chiến lược hợp tác, phát triển công nghệ với các cường quốc, đẩy mạnh thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, tiến hành các bước hợp tác công nghệ với Mỹ và Trung Quốc đồng bộ với việc hợp tác với các nước khác, như Nga, Ấn Độ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thứ hai, tiến hành đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) về các tác động thuận - nghịch từ sự điều chỉnh chính sách của Mỹ, Trung Quốc và các nước liên quan trong phát triển, ứng dụng công nghệ, trong đó có công nghệ 5G, lựa chọn chuẩn công nghệ áp dụng đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát và kiến nghị hướng lựa chọn các mô hình, tiêu chuẩn công nghệ phù hợp với nhu cầu phát triển nhanh và bền vững, nhu cầu an ninh của đất nước cũng như xu thế chung của khu vực và thế giới.

Ngày 17-1-2020, tại Hà Nội, Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G Make in Vietnam (Trong ảnh: Đại biểu tham quan và làm việc tại trụ sở Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) _Ảnh: TTXVN

Thứ ba, chú trọng nâng cao năng lực nội tại về phát triển khoa học - công nghệ, ưu tiên lĩnh vực khoa học - công nghệ trong hội nhập quốc tế; đồng thời, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện cơ chế thị trường và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích sự phát triển, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình đó, luôn bám sát, cập nhật xu thế phát triển của công nghệ trên thế giới, nhất là các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0; cân nhắc xây dựng chiến lược xuất khẩu công nghệ 5G “Made in Việt Nam” đến các thị trường chiến lược trên toàn cầu.

Thứ tư, tạo đột phá trong hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ của Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ, cũng như hợp tác ở cấp chính phủ giữa các cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học - công nghệ của Việt Nam với các cường quốc về khoa học - công nghệ nhằm tăng tính “tự lực, tự cường” của quốc gia về khoa học - công nghệ, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Có thể nói, công nghệ 5G đã giúp Chính phủ Mỹ có những thay đổi về nhận thức và điều chỉnh chiến lược về công nghệ. Một mặt, Mỹ có thể chủ động hơn trong triển khai các chiến lược an ninh và đối ngoại trên thế giới. Mặt khác, giúp tạo thế đối trọng với Trung Quốc trong phát triển mạng 5G và tiến tới mạng 6G trong tương lai. Việc điều chỉnh chính sách công nghệ của Mỹ đi kèm với các điều chỉnh chính sách, chiến lược an ninh, đối ngoại đã và đang có những tác động đến thế giới nói chung cũng như các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu và dự báo về vấn đề này cần tiếp tục triển khai để có những kiến nghị kịp thời./.

------------------------------

(1) Lịch sử phát triển công nghệ viễn thông cho thấy công nghệ 1G giúp tạo ra đàm thoại di động, 2G giúp gửi tin nhắn di động, 3G giúp truy cập in-tơ-nét hiệu quả, 4G giúp truyền tải các video dễ dàng
(2) CCS Insight: CCS Insight Predicts 1 Billion Users of 5G by 2023, with More Than Half in China, 2019, https://www.ccsinsight.com/press/company-news/3240-ccs-insight-predicts-1-billion-users-of-5g-by-2023-with-more-than-half-in-china/?utm_source=POLITICO.EU&utm_campaign=f06d334990-EMAIL_CAMPAIGN_2018_02_14&utm_medium=email&utm_term=0_10959edeb5-f06d334990-190069369
(3) GSMA: Intellegence Report, 2019, https://www.gsmaintelligence.com/research/?file=72a7ab031eacdeb6af34a1c2a691df97&download
(4) GSMA: Intellegence Report, https://www.gsmaintelligence.com/research/?file=72a7ab031eacdeb6af34a1c2a691df97&download
(5) White House: Ensuring America Reaches Its 5G Potential, 2019, https://www.whitehouse.gov/articles/ensuring-america-reaches-its-5g-potential
(6) Nikkei Asian Review: Japan's carriers plan $14bn spending blitz for nationwide 5G, 2019, https://asia.nikkei.com/Spotlight/5G-networks/Japan-s-carriers-plan-14bn-spending-blitz-for-nationwide-5G
(7) The Korea Herald: S. Korea pledges to spend W30tr for 5G ecosystem by 2022, 2019, http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20190408000818
(8) Policy paper: “Next Generation Mobile Technologies: An Update to the 5G Strategy for the UK”, https://www.gov.uk/government/publications/next-generation-mobile-technologies-an-update-to-the-5g-strategy-for-the-uk
(9) South China Morning Post: “Why China is set to spend US$411 billion on 5G mobile networks”, 2017, https://www.scmp.com/tech/china-tech/article/2098948/china-plans-28-trillion-yuan-capital-expenditure-create-worlds
(10) South China Morning Post: “Why China is set to spend US$411 billion on 5G mobile networks”, 2017, https://www.scmp.com/tech/china-tech/article/2098948/china-plans-28-trillion-yuan-capital-expenditure-create-worlds
(11)U.S.Innovation Board: The 5G Ecosystem: “Risks & Opportunities for DoD”, 2019, https://media.defense.gov/2019/Apr/03/2002109302/-1/-1/0/DIB_5G_STUDY_04.03.19.PDF

(12) Forbes: “How America Can Still Win The Battle For 5G”, 2019,
https://www.forbes.com/sites/arthurherman/2019/03/26/how-america-can-still-win-the-battle-for-5g/#103763d066ed
(13) UN Secretary-General: US-China Tech Divide Could Cause More Havoc Than the Cold War, https://www.wired.com/story/un-secretary-general-antonio-guterres-internet-risks/, và Remarks to the General Assembly on the Secretary-General's priorities for 2020, https://www.un.org/sg/en/content/sg/speeches/2020-01-22/remarks-general-assembly-priorities-for-2020
(14) South China Mornign Post: “China, US decoupling ‘unthinkable’ says former commerce minister”, 2019, https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3041537/china-us-decoupling-unthinkable-says-former-commerce-minister

TS. NGUYỄN VIỆT LÂM - LÊ TRUNG KIÊN
Bộ Ngoại giao
Theo Tạp chí Đảng Cộng Sản năm 2020
lên đầu trang