Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 23/04/2024 | 20:44

Thứ ba, 23/04/2024 | 20:44

Tin KHCN

Cập nhật lúc 23:35 ngày 20/05/2020

Đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp FDI góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao trình độ công nghệ của nước tiếp nhận. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh không ngừng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư FDI để tăng hàm lượng đầu tư công nghệ vào địa bàn với nhiều hình thức khác nhau.
Tính riêng giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh có 1.123 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cùng với các cấp, ngành, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh có những đóng góp tích cực vào việc tạo nên một môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt đã tạo nhiều dấu ấn đối với nhà đầu tư FDI của tỉnh. Lũy kế đến hết năm 2019, Sở KH&CN Bắc Ninh cấp 47 Giấy chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ và Giấy chứng nhận bổ sung, sửa đổi hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 24 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 4 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản chuyên sản xuất các thiết bị văn phòng và phụ tùng ôtô; số doanh nghiệp còn lại gồm 20 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc chuyên sản xuất các thiết bị điện tử như: điện thoại, ti vi, tủ lạnh và các linh kiện điện tử khác cung cấp cho các công ty là các tập đoàn đa quốc gia: Samsung, Microsoft, Canon, Hồng Hải…
Hiện nay, trong 1.516 dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh, có 4 doanh nghiệp FDI được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút nhiều lao động Việt Nam tham gia vào tất cả các lĩnh vực, công đoạn sản xuất. Các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào tỉnh góp phần nâng cao trình độ công nghệ chung của tỉnh, tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ bước đầu tham gia vào chuỗi doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia như: Samsung, Canon,… Một số doanh nghiệp trong nước sau khi tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ đã được nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài như: Công ty Cổ phần sản xuất điện tử Thành Long; Công ty TNHH Thương Bảo; Công ty TNHH điện tử Pros vina…
Tập đoàn Samsung có nhiều dự án, tư vấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa. Ảnh: Trần Uyên
Tuy vậy, các dự án FDI vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh theo khía cạnh công nghệ cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: FDI chưa trở thành nguồn công nghệ chủ lực cho các doanh nghiệp; FDI chưa tạo ra tác động mạnh để thay đổi, đổi mới công nghệ và đóng góp vào sự phát triển thị trường KH&CN của tỉnh trong giai đoạn hiện nay; việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong thẩm định hoặc cho ý kiến về công nghệ đối với các dự án FDI còn nhiều hạn chế. Mặt khác, một số quốc gia, doanh nghiệp FDI đã lồng ghép các chính sách hạn chế chuyển giao công nghệ nguồn sang các quốc gia khác. Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa và sản xuất gia công; năng lực và tiềm lực hấp thụ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn yếu,…
Nhằm tiếp tục thực hiện Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ, nhất là việc đổi mới công nghệ thuộc các dự án có nguồn vốn đầu tư FDI trong những năm tới cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Khuyến khích đầu tư công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại của nước ngoài vào tỉnh. Cần kịp thời xây dựng và cơ động, linh hoạt sửa đổi các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thuế để hướng các doanh nghiệp FDI vào trúng những lĩnh vực tỉnh đang cần đầu tư như công nghệ cao.
Có chính sách thu hút FDI vào các khu công nghệ cao. Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao của tỉnh, đi đôi với việc nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cơ sở hiện đại phục vụ cho thu hút đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết cho việc phân khu và danh mục khuyến khích đầu tư theo hướng đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chí để đánh giá nhằm lựa chọn các dự án FDI đầu tư vào các khu công nghệ cao của tỉnh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Phát triển thị trường KH&CN. Nội dung quản lý Nhà nước về thị trường KH&CN đan xen trong các văn bản pháp luật của Nhà nước về quản lý KH&CN. Vì vậy trong thời gian tới, cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thị trường KH&CN của các bộ, ngành và địa phương. Với mục tiêu cụ thể hoá trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý Nhà nước về phát triển thị trường KH&CN.
Hạn chế chuyển giao, mua bán công nghệ lạc hậu từ nước ngoài. Nhà nước cần kiên quyết từ chối những nhà đầu tư sử dụng những công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường,… UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung thu hút và sử dụng, lựa chọn FDI.
Đồng thời, có chính sách để phát triển các doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực hấp thụ và năng lực đổi mới công nghệ của mình thông qua các quỹ đầu tư, các chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ, chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp tích cực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ.
Phát triển các liên kết trên cơ sở công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Quá trình chuyển giao công nghệ được thực hiện qua ba giai đoạn: tiếp nhận, ứng dụng và phổ biến. Để tiếp nhận và đổi mới công nghệ thành công, các doanh nghiệp trong tỉnh cần có sự liên kết chặt chẽ với các Viện nghiên cứu và Trường đại học để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp của mình.
Nguồn: Báo Bắc Ninh 
lên đầu trang