Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:58

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:58

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:04 ngày 19/09/2014

Khuyến công Vĩnh Phúc: Chú trọng công tác đào tạo nghề

Phát huy hiệu quả của công tác khuyến công những năm trước và được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, công tác xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2014 của tỉnh Vĩnh Phúc đã được triển khai thuận lợi.

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị, tổ chức khai giảng đào tạo nghề, truyền nghề thêu ren, đính cườm cho 5 lớp với 175 học viên tại huyện Vĩnh Tường và 2 lớp (70 học viên) may công nghiệp thuộc huyện Lập Thạch, bằng 61% so cùng kỳ năm trước và bằng 50% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp cam kết sau đào tạo sẽ gắn với giải quyết việc làm ổn định cho các học viên. Đây là mô hình đã được triển khai trong nhiều năm mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm ổn định, phù hợp với người lao động xuất phát từ làm nông nghiệp.

Trung tâm cũng đã tổ chức tốt hội nghị tập huấn khuyến công (với 130 học viên) nhằm trang bị cho cán bộ kiến thức về chuyên môn, những thông tin về chế độ chính sách của trung ương, địa phương để thực hiện tốt và phát huy được công tác khuyến công ở mỗi cơ sở. Công tác hỗ trợ máy móc, thiết bị đã được triển khai ngay sau khi kế hoạch năm 2014 được phê duyệt. Trung tâm đã hướng dẫn hồ sơ ban đầu triển khai đề án khuyến công cho 21 đơn vị; kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 6 đề án hỗ trợ mua máy móc, thiết bị sản xuất, bằng 55% cùng kỳ năm trước và bằng 29% kế hoạch năm. Việc hỗ trợ trực tiếp vào đầu tư đổi mới máy móc thiết bị đã tạo thêm việc làm mới ổn định cho 25-30 lao động có thu nhập bình quân từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng; khích lệ các đơn vị mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến hiện đại, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện sức lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn hơn cho lao động vận hành máy móc, thiết bị.

Với công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, những tháng đầu năm, trung tâm cũng đã tư vấn hỗ trợ kinh phí đăng ký thương hiệu sản phẩm cho 7 đơn vị bằng 175% so với cùng kỳ năm trước và bằng 100% kế hoạch năm.

Theo ông Phạm Xuân Thái- Phó giám đốc trung tâm, công tác khuyến công còn gặp không ít khó khăn do những tháng đầu năm, mức tiêu dùng thấp, hàng tồn kho cao, sản lượng của một số doanh nghiệp giảm. Ngoài ra, do giá trang thiết bị thay đổi theo thị trường nên các cơ sở không dám đầu tư. Mặt khác, một số doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về quy mô sản xuất của đối tác, nên có nguy cơ không duy trì và phát triển sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động. Hơn nữa, mức hỗ trợ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tham gia dạy nghề. Kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề còn thấp, chưa tạo động lực mạnh giúp doanh nghiệp đổi mới. Công tác hoàn thiện hồ sơ ở một số địa phương còn gặp khó khăn, làm giảm tiến độ thực hiện đề án.

Để phát huy hiệu quả công tác khuyến công, trung tâm kiến nghị: Bổ sung thêm nội dung hỗ trợ kinh phí đào tạo truyền nghề, nâng mức hỗ trợ kinh phí cho người lao động khi tham gia học nghề; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho vay với lãi suất 0%, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có vốn phát triển sản xuất; cho phép trung tâm được tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề đối với các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngắn hạn (dưới 1 năm).

Theo Báo Công thương

lên đầu trang