Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:01

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:01

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 23:32 ngày 20/05/2020

Kỹ sư “triệu đô” và trăn trở của người làm khoa học

18 năm trước, chàng thanh niên Nguyễn Nhanh mang trong mình khát vọng tuổi trẻ, đứng vào hàng ngũ người công nhân dầu khí, tham gia xây dựng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất - công trình công nghiệp kỳ vĩ đầu thế kỷ 21 tại Việt Nam.
Thời gian không thể đo đếm được biết bao bước chân đã đi, biết bao kỷ niệm vơi đầy nhưng với nhà máy này, kỹ sư Nguyễn Nhanh thực sự là người thợ lọc dầu giỏi. Anh cùng đồng nghiệp đã làm lợi cho nhà máy 4,2 triệu USD từ những công trình nghiên cứu, giải pháp khoa học, kỹ thuật.
Người của khoa học
Giải thưởng Vifotec 2019, Kỹ sư Nguyễn Nhanh là chủ biên của 2 giải pháp “Giải pháp tối ưu hóa vận hành phân xưởng KTU ở công suất cao hơn công suất thiết kế nhằm tăng sản lượng sản xuất nhiên liệu Jet A1” (giải nhì); “Giải pháp sử dụng nguồn nước công nghệ (Process tại bình tách D-1106 làm nước rửa cho thiết bị tách muối (Desalter) và đường đỉnh của tháp chưng cất T1101 tại phân xưởng chưng cất dầu thô CDU” (giải khuyến khích). Bên cạnh ý nghĩa ghi nhận những đóng góp lớn lao của chủ biên Nguyễn Nhanh và cộng sự, 2 giải pháp mang lại cho NMLD Dung Quất những giải pháp kỹ thuật, làm lợi kinh tế cho Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khoảng 4,2 triệu USD.
Sáng kiến “Giải pháp tối ưu hóa vận hành phân xưởng KTU ở công suất cao hơn công suất thiết kế nhằm tăng sản lượng sản xuất nhiên liệu Jet-A1” có giá trị vô cùng lớn. Có thể ví von, sáng kiến này bằng cả một công ty tầm trung tiết giảm chi phí trong nhiều năm.
Với con mắt thạo nghề, cùng sự say mê, kỹ sư Nguyễn Nhanh nhận định: Thị trường xăng máy bay còn nhiều dư địa, cộng thêm giá sản phẩm này luôn tốt hơn những sản phẩm xăng dầu thông thường, nên BSR chú trọng nghiên cứu, đẩy mạnh sản xuất xăng Jet-A1 cung ứng ra thị trường. Trước kia, Phân xưởng KTU tại NMLD Dung Quất được thiết kế vận hành để xử lý dòng kerosene từ phân xưởng CDU thành sản phẩm Jet-A1với công suất 10000 BPSD (tương đương 66,37m3/h) – quá thấp so với nhu cầu thị trường.

Kỹ sư Nguyễn Nhanh (đứng giữa) trao đổi công việc với các kỹ sư tại phân xưởng CDU của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Kỹ sư Nguyễn Nhanh cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm nhằm tối ưu, tối đa hóa điều kiện vận hành của phân xưởng KTU hiện tại và các cải hoán nhỏ. Bắt đầu từ năm 2016, nhóm tác giả đã xây dựng, mô phỏng tinh chỉnh trên phần mềm PetroSim để dự đoán sự thay đổi điều kiện vận hành, sự thay đổi về chất lượng dòng sản phẩm kerosene đã xử lý khi KTU vận hành ở công suất cao hơn thiết kế.
Sau đó, trên thực tiễn, NMLD Dung Quất điều chỉnh dải công nghệ tăng tối đa phân đoạn kerosene nhằm tăng công suất KTU lên 130%. Khi vận hành tại công suất tối đa 130% công suất thiết kế thì ước tính tổng lượng Jet-A1 có thể sản xuất thêm lên đến 1.097.069 thùng - tương đương thu được thêm mỗi năm lên đến khoảng 3,2 triệu USD (73,7 tỉ đồng) – số liệu của năm 2019.
Việc tăng tối đa công suất KTU lên 130% đã tạo điều kiện thuận lợi để BSR có thể chế biến được các loại dầu thô nhập khẩu có thành phần phân đoạn xăng naphtha cao, như dầu WTI (Mỹ). Bên cạnh lợi ích kinh tế, theo Kỹ sư Nguyễn Nhanh, giải pháp này cũng là xu thế chung của lọc dầu thế giới là lựa chọn các loại dầu thô chế biến ngày càng nhẹ, dẫn đến thành phần phân đoạn nhẹ (naphtha/kerosene) ngày càng nhiều. Đây là một nút thắt kỹ thuật lớn nếu BSR muốn nâng cao và duy trì công suất chế biến tối đa của nhà máy. Song song đó, việc triển khai giải pháp thành công sẽ giúp nhà máy có kế hoạch sản xuất linh động hơn, điều chỉnh dải công suất cho từng loại sản phẩm.
Không chỉ có giải pháp “triệu đô” này, giải pháp “Sử dụng nguồn nước công nghệ (Process) tại D-1106 làm nước rửa cho hệ thống tách muối (Desalter) và đường chỉnh tháp chưng cất T-1101 tại phân xưởng CDU” cũng mang lại nhiều hiệu quả kỹ thuật và kinh tế.
Kỹ sư Nguyễn Nhanh và đồng nghiệp đã đưa ra giải pháp trên giúp giảm sử dụng nước dịch vụ (SW) khoảng 11m3/h, giảm đáng kể chi phí vận hành, đồng thời giảm tải cho phân xưởng SWS/ETP (tương đương giảm nước thải từ nhà máy ra ngoài môi trường). Với việc tái sử dụng nguồn nước công nghệ làm nước rửa cho hệ thống tách muối và đường đỉnh tháp T-1101, nhóm tác giả đã mang lại rất nhiều ý nghĩa khoa học mà cụ thể ở đây là “3 giảm”. Giảm tải cho phân xưởng SWS, giải quyết được tình trạng quá tải của đường nước từ SWS ra ETP, tạo điều kiện thuận lợi góp phần để vận hành công suất của nhà máy trên 110%; giảm thiểu được nguy cơ ăn mòn trên vùng đỉnh tháp T-1101 do sự có mặt của oxy hòa tan trong SW; giảm thiểu được lượng dầu thải slop sinh ra tại Nhà máy, góp phần trong chiến lược giảm thiểu và quản lý slop oil trong nhà máy. Để triển khai thành công giải pháp đây là quá trình nghiên cứu, tìm tòi và làm việc đầy tính mới và tính sáng tạo nhờ sự kết hợp kiến thức của tất cả các thành viên trong nhóm tác giả.
Mặc dù công tác tối ưu hóa vận hành, tối ưu hóa sản xuất tại BSR đã được chú trọng và đẩy mạnh trong những năm gần đây nhưng theo đánh giá của hãng Solomon (hãng đánh giá, xếp hạng hơn 400 NMLD trên thế giới) thì NMLD Dung Quất vẫn còn nhiều tiêu chí ở mức độ thấp. “Bản thân tôi muốn nỗ lực hơn nữa, muốn tìm tòi thêm các ý tưởng mới, nhất là trong công tác tiết giảm EII (chỉ số tiêu thụ năng lượng) để đưa nhà máy tiến từng bước cao hơn trên bảng xếp hạng Solonmon. Với đội ngũ công nhân, kỹ sư lọc dầu lành nghề như hiện nay, tôi nghĩ tương lai không còn xa nữa BSR sẽ đứng ở tốp 2 hoặc 3 trong bảng xếp hạng “làng Lọc Hóa dầu thế giới” – kỹ sư Nguyễn Nhanh bày tỏ.
Đảng viên cần mẫn
Mấy ai biết rằng, kỹ sư Nguyễn Nhanh có 8 năm làm Phó quản đốc khu vực chưng cất dầu thô và xử lý kerosene (CDU-KTU). Quãng thời gian “ăn CDU, ngủ KTU” như thế, thì việc anh và đồng nghiệp sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật không phải là điều khó hiểu.
Sau này, do tính chất công việc thay đổi, anh lại muốn trở thành người nghiên cứu nhiều hơn nên anh chuyển từ vận hành sang ban Nghiên cứu Phát triển. Nhìn Nguyễn Nhanh, nếu cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ màu xanh, khoác lên bộ nâu gụ thì chẳng mấy ai nhận ra anh là kỹ sư lọc dầu. Trông anh chân chất như một bác nông dân, giọng nói nhẹ nhàng, tính tình điềm đạm.

Kỹ sư Nguyễn Nhanh.

Anh kể rằng: Làm nghiên cứu - ứng dụng là cả một quá trình tích lũy và trải nghiệm. Bên cạnh 2 giải pháp là tác giả, anh cũng là đồng tác giả của "Giải pháp giảm nhiệt độ tường lò, giảm nhiệt độ khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho lò gia nhiệt H-1101 tại phân xưởng chưng cất dầu thô CDU, NMLD Dung Quất" do Thạc sĩ, kỹ sư Đào Xuân Giỏi làm chủ biên. Đây là công trình đầu tiên kỹ sư Nguyễn Nhanh tham dự với rất nhiều tâm đắc. Công trình này đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo khoa học tỉnh Quảng Ngãi, giải đặc biệt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và giải ba Vifotec 2017. Vinh dự hơn là tại Hội chợ Triển lãm quốc tế về Khoa học Công nghệ cuối năm 2017 tại Hàn Quốc (SIFF), công trình đạt Huy chương vàng. Đây cũng là đề tài mà kỹ sư Nguyễn Nhanh “bạc tóc” nhất, nhiều lúc tưởng chừng như bỏ cuộc vì các yêu cầu khắt khe về thời gian cần phải hoàn thiện hồ sơ, nhưng cuối cùng thì niềm vui đã vỡ òa với nhóm tác giả khi gặt hái tới 4 giải thưởng.
Kỹ sư Nguyễn Nhanh là lứa kỹ sư trẻ của nhà máy may mắn được đi đào tạo nhiều nơi, trưởng thành nhanh về nghề. Anh nhớ nhất chính là ngày sang Rumania học khóa On-Job-Training vào cuối năm 2006. Đây là khóa học dành cho các nhân sự chủ chốt của NMLD Dung Quất (lớp Key personel). “Khóa học này vô cùng ý nghĩa đối với tôi vì ở đây chúng tôi được biết như thế nào là một NMLD, như thế nào là vận hành, là điều khiển, là bảo dưỡng,… Để rồi sau này chúng tôi áp dụng các kiến thức này vào thực tế cũng như góp ý chỉnh sửa các bản vẽ kỹ thuật, các quy trình, giám sát xây lắp khi quay về làm việc tại BSR. Đây cũng chính là thời điểm khó khăn nhất của chúng tôi vì vừa phải trau dồi vốn ngoại ngữ (để phục vụ công việc sau này và làm việc với các chuyên gia nước ngoài), vừa phải thích nghi với cuộc sống xa nhà, thời tiết khắc nghiệt,… những áp lực đó đã tôi rèn cho chúng tôi ý chí vượt khó, ý thức tự lực, tự cường để dẫn đến việc gặt hái những thành công sau này…” – kỹ sư Nguyễn Nhanh chia sẻ.
Động lực gì để kỹ sư như Nguyễn Nhanh có thể sáng tạo, cần mẫn trong công việc như thế? Với Nguyễn Nhanh, anh chỉ có một tâm niệm: “Là một kỹ sư lọc hóa dầu được đào tạo, vận hành ở lứa đầu tiên nên tôi luôn cảm thấy vinh dự và hãnh diện, do đó tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu các ý tưởng để cống hiến cho công ty. Mặt khác với suy nghĩ đây là NMLD đầu tiên tại Việt Nam nên các công tác vận hành, tiết giảm chi phí, cửa sổ tối ưu hóa để tăng lợi nhuận vẫn còn rất lớn mà chúng ta chưa nhận diện và cải tiến triệt để. Càng đắm mình vào nghiên cứu đã giúp tôi có thêm động lực không ngừng học hỏi, say mê trong làm việc, nghiên cứu khoa học suốt gần 20 năm qua để ngày càng hoàn thiện và giúp nhà máy tối ưu hơn nữa”.
Tuổi nghề của Nguyễn Nhanh cũng đã “quá nửa đời” làm nghề nhưng tuổi Đảng của anh thì vừa mới bắt đầu. 8 năm trước, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Tôi đã ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và niềm vinh dự khi tham gia vào công trình trọng điểm quốc gia, tham gia vào việc xây dựng, vận hành và chạy thử NMLD đầu tiên của Việt Nam, việc góp sức nhỏ bé để mang lại giọt dầu đầu tiên tại Dung Quất vào ngày 22-2-2009”, kỹ sư Nguyễn Nhanh chia sẻ.
Là đảng viên, kỹ sư Nguyễn Nhanh luôn coi việc hoàn thành nhiệm vụ cũng chính là làm tốt vai trò đảng viên trong doanh nghiệp: “Tôi đã phấn đấu, nỗ lực và đốt cháy hết mình để mang lại các giá trị lao động sáng tạo cho bản thân nói riêng và công ty nói chung”. Với những nghiên cứu tìm tòi và học hỏi cùng cộng sự, cấp trên, kỹ sư Nguyễn Nhanh đã dần trở thành đảng viên mang sắc phục dầu khí với tâm thế: Miệng nói, tay làm, tâm trong sáng; sáng tạo, hết mình, vì công ty.
Kỹ sư Nguyễn Nhanh là tác giả của 3 giải Vifotec (1 nhì, 1 ba và 1 khuyến khích); 3 giải tỉnh (1 nhì, 2 giải khuyến khích) và 7 sáng kiến cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đặc biệt là Huy chương vàng Hội chợ Triển lãm quốc tế về Khoa học Công nghệ cuối năm 2017 tại Hàn Quốc (SIFF).

Theo Quân đội nhân dân
lên đầu trang