Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:23

Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:23

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 15:30 ngày 28/05/2020

Một số yếu tố tác động tới hệ thống SHTT quốc gia trong bối cảnh mới

Sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, là nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều yếu tố mới đang tác động đến hệ thống SHTT quốc gia, rất cần được nhận diện, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong xây dựng chính sách cũng như khi áp dụng thực tiễn.
Hội nhập quốc tế ngày nay không chỉ là một xu thế mà là một yêu cầu của sự phát triển, mỗi quốc gia không thể tự mình phát triển nếu không có sự hợp tác quốc tế ở các lĩnh vực, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. và hệ thống SHTT là một yếu tố quan trọng trong hội nhập, có những lúc đã trở thành vấn đề “gai góc” trong hoạt động đàm phán thương mại song phương hoặc đa phương. Chúng ta biết rằng sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của mỗi quốc gia và năng lực đổi mới, sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp có tác động cơ bản đến cách thức mà tài sản trí tuệ được tạo ra, khai thác và sử dụng. Hệ thống SHTT cũng sẽ phải liên tục thích ứng với những thay đổi này, như chúng vốn có từ khi được thiết lập. Để duy trì hoạt động cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, các doanh nghiệp cần được đảm bảo rằng hệ thống SHTT phải tạo ra các công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả nhất trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Có nhiều yếu tố tác động tới hệ thống SHTT trong bối cảnh mới, trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập tới một số yếu tố chính, để phân tích làm rõ những tác động của chúng tới hệ thống SHTT của các quốc gia hiện nay. Các yếu tố được xem xét là: sự mở rộng về yếu tố địa lý của hoạt động SHTT, sự phát triển của KH&CN, sự tương quan với môi trường chính trị - xã hội và sự thay đổi phương thức vận hành của doanh nghiệp.
Mở rộng về địa lý của hoạt động SHTT, cụ thể là việc tạo lập, bảo hộ, thực thi và khai thác tài sản trí tuệ
Xu hướng đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền SHTT ra các nước khác của các chủ thể sáng tạo đã phản ánh nhu cầu mở rộng về địa lý trong bảo hộ quyền SHTT. Trong số 5 quốc gia có số lượng đơn sáng chế đứng đầu hệ thống nộp đơn đăng ký quốc tế sáng chế (Hệ thống PCT) của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) thì có 3 quốc gia châu Á. Hoa Kỳ liên tục duy trì số lượng đơn PCT cao nhất, năm 2018 nộp 56.142 đơn đăng ký sáng chế thông qua hệ Hệ thống PCT, tiếp sau là Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó so với các năm trước, năm 2018 Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia đứng thứ hai với 53.345 đơn, Nhật Bản xuống vị trí thứ ba với 49.702 đơn, Hàn Quốc vẫn ở vị trí thứ năm sau Đức1. Ngay cả với Việt Nam, số lượng đơn sáng chế có nguồn gốc nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chiếm tỷ lệ cao gấp nhiều lần so với đơn đăng ký sáng chế có nguồn gốc trong nước2. Điều này cũng tạo nên những áp lực lớn cho hệ thống SHTT các nước, đặc biệt là hệ thống thẩm định đơn ở những quốc gia đang phát triển.
Toàn cầu hóa hoạt động kinh doanh, thương mại và sự mở rộng địa lý của hoạt động SHTT cũng tạo thêm những thách thức cho việc quản lý tài sản trí tuệ, chẳng hạn như quyết định nơi nộp đơn đăng ký bảo hộ và những thách thức trong việc đảm bảo quyền tự do hoạt động của doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau. Việc gia tăng số đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền SHTT khác nhau trên thế giới cũng là một điều mà các doanh nghiệp cần xem xét thêm. Ví dụ như các giải pháp hữu ích bị coi là tình trạng kỹ thuật đã biết có thể làm mất tính mới đối với các giải pháp kỹ thuật khác trên toàn thế giới, hay số lượng lớn đăng ký giải pháp hữu ích tại các quốc gia lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... sẽ đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi đăng ký sáng chế (vì không thể đảm bảo rằng các sáng chế của họ không được ai đó tạo ra trước).
Nhận thức ngày càng tăng trong các doanh nghiệp về việc tận dụng và quản lý tốt hơn tài sản trí tuệ của mình (như một phần trong hoạt động và chiến lược kinh doanh) đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hệ thống SHTT quốc gia3. Bên cạnh đó, nhu cầu về đổi mới, cải cách hệ thống tư pháp cũng đang được đặt ra ở nhiều nước khi chưa có hệ thống cơ quan xét xử đủ mạnh để xử lý tốt các vụ việc tranh chấp quyền SHTT. Ngày càng nhiều quốc gia thiết lập tòa án riêng về SHTT hoặc cơ quan chuyên trách giải quyết các vụ kiện tụng, tranh chấp về SHTT để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu. Việt Nam cũng cần nghiên cứu đề xuất thành lập Tòa SHTT trong thời gian tới4. Đây là những yếu tố chính và là lý do để các quốc gia thực hiện các hoạt động SHTT theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Sự hài hòa giữa các hiệp ước như: Công ước Paris (1883), Hiệp định TRIPS với các hiệp định/điều ước quốc tế thế hệ mới đã gắn hoạt động SHTT với hoạt động thương mại quốc tế và cơ chế trừng phạt quốc tế. Cái gọi là “luật mềm” như là các hướng dẫn hoặc khuyến nghị của các tổ chức quốc tế chuyên môn đưa ra cho các quốc gia cũng đang được sử dụng để xác định chuẩn mực mới có khả năng ràng buộc thông qua việc tích hợp vào các hiệp định quốc tế.
Sự phát triển nhanh chóng của KH&CN
Từ cuối thế kỷ XIX đến nay, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, là nền tảng của 4 cuộc cách mạng công nghiệp mà nhân loại đã và đang trải qua. Dưới góc độ của SHTT, những nền tảng công nghệ này chính là những yếu tố tác động rất lớn tới hệ thống SHTT toàn cầu. Từ việc ra đời các Điều ước quốc tế chung về SHTT, những thỏa thuận trong các hiệp định song phương đều có liên quan đến các vấn đề công nghệ, chuyển giao công nghệ, đến việc ban hành hoặc điều chỉnh trong pháp luật của các quốc gia về bảo hộ, thực thi, khai thác quyền SHTT.
Sự hội tụ và phát triển của các công nghệ mới đang ảnh hưởng đến việc tạo ra sản phẩm mới. Xu hướng hội tụ công nghệ, nhu cầu cần tạo ra các sản phẩm mang tính thông minh, tích hợp nhiều chức năng hơn nữa, sự tương tác dễ dàng hơn giữa các đối tác ở xa nhờ có các công cụ công nghệ thông tin và truyền thông đang thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn và hiệp hội ngành nghề đang cùng thiết lập ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết để tạo được sự tương thích như vậy với các công nghệ tiên tiến nhất hiện có thông qua việc cấp li-xăng một cách công bằng, với giá cả hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND). Đây là phương thức mà Nhật Bản đã áp dụng rất hiệu quả trong thời gian qua. Máy móc ngày càng thông minh và các thiết bị như robot, máy bay không người lái, vệ tinh, và các máy móc thiết bị được kết nối... là những thành quả có giá trị để từ đó tiếp tục tạo ra tài sản trí tuệ. Việc này đồng thời đặt ra câu hỏi liên quan đến khái niệm sáng tạo và sáng chế, quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ in 3D đã tạo điều kiện thuận lợi để dịch chuyển tài sản trí tuệ dưới dạng phi vật chất và cho phép phát triển những mô hình phân bổ mới. Tuy nhiên việc dễ dàng phân bổ như vậy cũng sẽ làm gia tăng những khó khăn trong việc kiểm soát những kênh không có thẩm quyền phân bổ các tài sản trí tuệ như quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, cũng như những khó khăn trong việc thực thi quyền. Những công nghệ mới như là công nghệ chuỗi khối cũng được khai thác để xác nhận và giao tiếp các thông tin có liên quan đến việc lan truyền tài sản trí tuệ bằng công nghệ số. Sự xuất hiện nhiều hơn nữa của các công nghệ mới trong tương lai cho thấy hoạt động SHTT cũng sẽ còn vượt xa hơn những vấn đề mà chúng ta đang thảo luận. Chính vì vậy, hệ thống SHTT cần phải có sự thay đổi kịp thời và linh hoạt để phù hợp với năng lực và trình độ phát triển KH&CN, đồng thời dự liệu được những thay đổi tiếp theo nhằm khuyến khích, thúc đẩy không ngừng hoạt động sáng tạo.
Sự tương quan với môi trường chính trị, xã hội
Trước đây các chính sách, hoạt động SHTT được xem là một vấn đề liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật. Tuy nhiên, ngày nay, vấn đề SHTT đã xuất hiện trên các “đấu trường chính trị” và trở thành một trong những nội dung quan trọng được thảo luận công khai. Các nhà hoạch định chính sách phải đấu tranh không ngừng để duy trì được sự cân bằng trong mối quan hệ khá tế nhị giữa việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và việc bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể quyền để sao cho hoạt động SHTT có thể đem lại lợi ích cho toàn xã hội.
Vấn đề tranh cãi chính ở đây là về vai trò của SHTT đối với thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi có những quốc gia xem trọng vấn đề SHTT như là một yếu tố quan trọng để khuyến khích đổi mới, sáng tạo thì có quốc gia lại đang kìm hãm sự phát triển của hoạt động SHTT. Sự nhận thức khác nhau của các nước về việc hoạt động SHTT cần được phát triển như thế nào khiến cho việc ký kết các hiệp ước quốc tế trở nên khó khăn. Có một số quốc gia cho rằng cần phải bảo hộ mạnh quyền SHTT đối với nguồn gen, tri thức truyền thống, nghệ thuật văn hóa truyền thống, đây là những di sản có thể đem lại giá trị vật chất, do đó các nước muốn kiểm soát việc sử dụng các di sản này và chia sẻ những lợi ích khai thác thương mại mà chúng đem lại. Mặc dù có vài vấn đề đã được giải quyết trong Nghị định thư Nagoya về kết nối và chia sẻ lợi ích, thì vẫn còn những cuộc tranh cãi đã tồn tại từ lâu và vẫn chưa đi đến hồi kết. Tầm quan trọng về mặt kinh tế của SHTT vẫn tiếp tục được công nhận và đã trở thành vấn đề quan trọng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia, điều này được thể hiện khi mà các vấn đề SHTT đã được đề cập ở trong những hiệp ước thương mại song phương và đa phương, ví dụ như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những nội dung về bảo hộ quyền SHTT trong các hiệp định thương mại tự do thường gây ra những tranh luận gay gắt và cần tới những cuộc bàn thảo chính trị trong nội bộ mỗi quốc gia. Một số vấn đề SHTT vẫn cần được nghiên cứu và thảo luận sâu hơn như vấn đề chỉ dẫn địa lý, mối liên hệ giữa TRIPS với Công ước về đa dạng sinh học đối với vấn đề chuyển giao công nghệ cho các nước kém phát triển, giải quyết tranh chấp về SHTT cua WTO...
Nguyên nhân của các cuộc tranh cãi này là do những quan điểm khác nhau giữa những nhà nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ chứa hàm lượng SHTT; trong khi các quốc gia xuất khẩu mong muốn được bảo hộ mạnh cho quyền SHTT thì các nước nhập khẩu lại muốn có ít sự hạn chế hơn. Sự phân chia về lợi ích như vậy hiện đang dần bị xóa mờ đi vì ở các quốc gia đều xuất hiện những ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu xem SHTT như một công cụ tiềm năng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước và phát triển kinh tế quốc gia. Các nhóm tổ chức khác nhau như là tổ chức cua người tiêu dùng, giới học giả, các tổ chức dân sự khác chính là những nhân tố rất tích cực trong các cuộc thảo luận về chính sách SHTT. Các doanh nghiệp từ các ngành khác nhau cũng có thể có quan điểm mâu thuẫn nhau nhưng đều mong muốn có một hệ thống SHTT phát triển. Bảo hộ quyền SHTT không chỉ khuyến khích đầu tư cho R&D mà còn nâng cao độ minh bạch và lan tỏa cua tri thức. Ví dụ như nếu không có hệ thống bảo hộ sáng chế, tức là cộng đồng có quyền tự do sử dụng sáng chế thì nhà sáng chế có thể không muốn công bố nội dung sáng chế đó, thay đó vào họ sẽ giữ bí mật. Tương tự như vậy, thiết lập hệ thống bảo hộ quyền tác giả sẽ tạo điều kiện để phát triển các tác phẩm bằng việc khuyến khích sáng tạo và lan truyền sự sáng tạo đó.
Sự thay đổi về phương thức vận hành doanh nghiệp
SHTT đã được các doanh nghiệp sử dụng như một công cụ để gia tăng sức cạnh tranh trong hoạt động thương mại sản phẩm và dịch vụ cua mình. Tuy nhiên, gần đây mới có sự thừa nhận rộng rãi rằng SHTT là một tài sản có giá trị và bản thân nó có thể mang lại nhiều lợi nhuận, có thể cải thiện bảng cân đối tài chính cua doanh nghiệp, làm tăng giá trị cổ phiếu hoặc sử dụng như là một tài sản bảo đảm để vay vốn. Thị trường chuyển nhượng tài sản trí tuệ đang phát triển cả về số lượng và quy mô người tham gia với rất nhiều loại hình trung gian và sàn giao dịch. Xuất hiện các loại hình doanh nghiệp mới sáng tạo ra những giải pháp cho việc tạo ra tài sản trí tuệ, chuyển giao, chuyển nhượng quyền SHTT, tra cứu thông tin.
Hàng loạt yếu tố như xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tiến bộ trong khoa học, công nghệ, thông tin, truyền thông, tích hợp các công nghệ hiện đại™ khiến cho doanh nghiệp và các tổ chức sáng tạo khác đều phải tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo. Mở rộng phạm vi thực hiện đổi mới sáng tạo từ việc hợp tác R&D, li-xăng cho đến những loại hình mới như là thử nghiệm ứng dụng kết quả sáng tạo, kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng. Tính đa năng cua sản phẩm, sự chuyên môn hóa, tổ chức lại khâu sản xuất đem lại lợi ích kinh tế, giảm chi phí, từ đó dẫn tới việc phân tách nhiệm vụ giữa sản xuất, phân phối, thuê dịch vụ ngoài. Việc hợp tác với các đối tác bên ngoài là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các tổ chức nghiên cứu vốn không có năng lực trực tiếp khai thác và quản lý tài sản trí tuệ cua mình và cách thức bảo mật thông tin cần thiết, đặc biệt là khi có sự hợp tác xuyên quốc gia.
Sự gia tăng cua sản phẩm có vòng đời ngắn cũng ảnh hưởng tới hoạt động SHTT cua các doanh nghiệp. Thời gian và số lượng vốn đầu tư để có được văn bằng bảo hộ quyền SHTT tác động trực tiếp cũng như chịu sự tác động ngược lại cua vòng đời sản phẩm, đặc biệt là với sáng chế. Sự phát triển cua các dịch vụ, các chiến lược hỗ trợ bảo vệ thành quả sáng tạo cua doanh nghiệp làm cơ sở để tạo ra những loại dịch vụ khác nữa cũng góp phần ảnh hưởng tới việc sử dụng và phát triển hệ thống SHTT. Các doanh nghiệp đang tập trung nhiều vào trách nhiệm xã hội cua mình, vấn đề phát triển bền vững, tác động cua môi trường tới hoạt động kinh doanh dưới sự giám sát cua nhà nước. Thực hiện trách nhiệm xã hội và chính sách phát triển bền vững trong nội bộ công ty sẽ tác động tới cách thức sử dụng và quản lý tài sản trí tuệ, đồng thời có thể ảnh hưởng tới hoạt động cua các công ty khác.
*
* *
Nhìn chung, sự phát triển hệ thống SHTT cua mỗi quốc gia sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nhau. Nhưng xu thế chung là hệ thống SHTT cua một quốc gia phải góp phần quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đem lại quyền lợi chính đáng cho chu sở hữu, bên cạnh cân bằng lợi ích giữa các chu thể khác nhau và phải là động lực cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Muốn có được điều này, việc phân tích rõ các yếu tố tác động tới hệ thống SHTT là điều cần thiết, để các nhà hoạch định chính sách có đu cơ sở xây dựng các chính sách, pháp luật, các doanh nghiệp có các chiến lược tạo lập, quản lý, khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ phù hợp, các chu thể sáng tạo được tự do, tự tin trong hoạt động sáng tạo cua mình và các chu thể khác thì nâng cao khả năng tiếp cận tri thức trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu rộng vì đời sống kinh tế, xã hội tốt đẹp hơn?


Tài liệu tham khảo:
1. International Chamber of Commerce (2017), The ICC Intellectual Property Roadmap.
2. WIPO (2019), Global Innovation Index.
3. World Intellectual Property Indicators.
4. Tài liệu Hội thảo Bảo hộ và Thực thi quyền SHTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Cục SHTT phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội ngày 08/10/2019.


Chú thích: 
1WIPO, https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo_pub_941_2019.pdf.
2Báo cáo thường niên của Cục Sở hữu trí tuệ từ năm 2009 đến năm 2019.
3https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong- nghe/can-nhanh-chong-giai-quyet-viec- ton-dong-don-dang-ky-so-huu-cong- nghiep-20170731150129392.htm.
4http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210379 ngày 06/01/2020.
Nguyễn Hoàng Hạnh, Bùi Khánh Linh, Đỗ Thiên Hoàng - Bộ KH&CN
(Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 5 năm 2020)







lên đầu trang