Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:35

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:35

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:17 ngày 29/05/2020

KH&CN Hà Nội đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Bài viết dưới đây điểm lại một số kết quả nổi bật của KH&CN Hà Nội trong các lĩnh vực hoạt động trọng yếu, đồng thời nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục thực hiện từ nay đến hết năm 2020. 
Năm 2019 được Hà Nội tiếp tục chọn là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố và Bộ KH&CN, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN trên địa bàn thành phố, Sở KH&CN Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác. Sau đây là những kết quả nổi bật của ngành trong thời gian qua ở một số lĩnh vực công tác trọng yếu.
Công tác quản lý KH&CN
Sở KH&CN Hà Nội đã tham mưu cho thành phố ban hành các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KH&CN như: Nghị quyết về cơ chế đặc thù, định mức chi đối với hoạt động sáng kiến, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thẩm định công nghệ và một số lĩnh vực KH&CN khác; Kế hoạch triển khai Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn Hà Nội; Kế hoạch hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong năm qua, Sở đã phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội triển khai Kế hoạch giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật KH&CN năm 2013 trong lĩnh vực Quy hoạch - Xây dựng - Giao thông vận tải tại Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Giao thông vận tải; triển khai thành công Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng thành phố lần thứ 16 năm 2019-2020; tham dự Techmart - Techfest Mekong 2019 tại Cần Thơ... Qua đó, đã tạo ra môi trường và điều kiện để phát huy tiềm lực KH&CN, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Diễn tập ứng phó sự cố an toàn bức xạ và hạt nhân năm 2019.
Công tác quản lý công nghệ của Hà Nội đã đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra, đặc biệt trong thẩm định công nghệ các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực cấp thiết, nóng bỏng của Thủ đô như: xử lý nước; xử lý bùn; xử lý rác thải, nước rỉ rác; sản xuất gạch tuy nen... Trong năm 2019, Sở đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 14 doanh nghiệp, cấp bổ sung danh mục hàng hóa cho 2 doanh nghiệp. Hà Nội hiện đứng thứ 2 trong cả nước với 67 doanh nghiệp KH&CN.
Trong hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ - hạt nhân, Sở KH&CN Hà Nội đã cấp 210 Giấy phép sử dụng máy X-quang trong y tế, 110 Chứng chỉ nhân viên bức xạ, phê duyệt 60 kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở; kiểm tra về an toàn bức xạ tại 30 cơ sở. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý kịp thời 2 sự cố bức xạ xảy ra (Công ty Dịch vụ ứng dụng kỹ thuật cao vệ sinh môi trường Đông Anh và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài), đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, thực hiện tốt quy trình ứng phó sự cố bức xạ theo Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân của UBND thành phố.
Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ được duy trì ổn định, hiệu quả; đã tư vấn, hướng dẫn cho 44 tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thành công sự kiện Chào mừng kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới với chủ đề “Vươn tới Giải vàng sở hữu trí tuệ và thể thao”. Sở cũng đã trình UBND thành phố cho phép sử dụng 4 địa danh của Hà Nội để đăng ký bảo hộ 4 nhãn hiệu tập thể, gồm: rượu làng Ngâu, Tam Hiệp, Thanh Trì; mật ong Kim Sơn, Sơn Tây; rau cần Khai Thái, Phú Xuyên; rắn Lệ Mật, Việt Hưng, Long Biên.
Trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đã tiếp nhận và giải quyết 4.078 hồ sơ (công bố hợp quy, hợp chuẩn, đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu), cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, đăng ký Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2019. Sở KH&CN Hà Nội đã tổ chức 4 lớp tập 
huấn, bồi dưỡng kiến thức ISO và chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 cho các sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc của thành phố.
Một số nhiệm vụ Kh&Cn cấp thành phố điển hình
Các nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố về cơ bản đều được triển khai theo phương thức tuyển chọn. Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt 62 nhiệm vụ KH&CN thực hiện theo phương thức tuyển chọn và 2 nhiệm vụ KH&CN thực hiện theo phương thức giao trực tiếp. Đồng thời từ năm 2019 đến nay đã hoàn thành nghiệm thu cấp thành phố đối với 60 đề tài/dự án. Kết quả của các đề tài/dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, điển hình như:
1. Nghiên cứu chế tạo hệ thống đồng bộ xử lý nước ngầm có hàm lượng asen cao, sử dụng cho ăn uống, quy mô phân tán, cấp cho các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội với chi phí thấp do Trường Đại học Khoa học tự nhiên chủ trì.
2. Nghiên cứu nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản nhãn, ổi bằng chế phẩm nano bạc do Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội chủ trì.
3. Nghiên cứu sử dụng nguồn gen gà Mía, gà Lương Phượng, gà VCN-Z15 tạo gà thịt thương phẩm lai 3 giống, có năng suất và chất lượng tốt do Viện Chăn nuôi chủ trì.
4. Nghiên cứu điều trị vết loét lâu liền bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân do Viện Bỏng quốc gia chủ trì.
5. Nghiên cứu vai trò của nồng độ DNA virus Epstein Barr (EBV) huyết tương trong tiên lượng và mức độ đáp ứng điều trị bệnh nhân ung thư vòm mũi họng do Học viện Quân y chủ trì.
6. Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình bảo quản trứng gia cầm tươi thương phẩm bằng phương pháp phun sương dầu paraffine” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Nội chủ trì.
7. Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình công nghệ chăn nuôi dê lai hướng sữa (Saanen) và dê lai hướng thịt (Boer) tại một số vùng ngoại thành Hà Nội do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội chủ trì.
8. Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ chế tạo màng phủ có khả năng tự hủy từ nhựa phế thải polyetylen phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội” do Công ty TNHH Lạc Trung chủ trì.
Những nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục thực hiện
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cũng là năm hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Từ nay đến hết năm 2020, ngành KH&CN Hà Nội cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tổng kết Chương trình số 20/CTr-TU về nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội: Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2025; chủ trì, phối hợp tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành nhằm phát triển thị trường KH&CN. Rà soát, hoàn thiện và ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn Hà Nội (quy chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN; xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo của thành phố đến 2030...).
3. Lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có tầm quan trọng và giải quyết các vấn đề nóng bỏng, cấp bách.
4. Tập trung triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tạo cơ hội kết nối hợp tác giữa các nhà khoa học, các trường đại học trên địa bàn trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu, triển khai, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kết nối với doanh nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học.
5. Tiếp tục xây dựng, phát triển và quản lý các nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, làng nghề truyền thống trên địa bàn.
6. Nâng cao trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp theo hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ hiện đại. Khuyến khích, hỗ trợ nhập khẩu, chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến; mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên, mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước.
7. Nghiên cứu triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp: hỗ trợ doanh nghiệp tạo sản phẩm mới; ứng dụng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị; hỗ trợ công nghệ cho việc sản xuất những dây chuyền phục vụ các lĩnh vực công cộng của thành phố; ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Văn phòng Sở KH&CN Hà Nội 
(Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 5 năm 2020)

lên đầu trang