Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:52

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:52

Chính sách

Cập nhật lúc 14:15 ngày 29/05/2020

Góp ý Dự thảo Chương trình phát triển ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến 2025

Ngày 26/5 vừa qua đã diễn ra hội thảo góp ý cho dự thảo Chương trình phát triển ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến 2025. Tham dự hội thảo có đại diện Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cùng các chuyên gia đến Viện Chiến lược TT&TT; Cục An toàn thông tin; Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội; Công ty Vinsmart; Công ty OSB...

Một trong những mục tiêu được đề ra tại dự thảo chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến năm 2025 là có 50.000 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông. Ảnh minh họa.
Theo bản dự thảo 4.0 được ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT giới thiệu tại hội thảo, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2023, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 được xây dựng trên quan điểm coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm thực hiện thành công các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong việc phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông Việt Nam.
Trong đó, xác định phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông là con đường chủ đạo, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với khu vực và thế giới.
Chương trình cũng tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá nhằm tạo thị trường; nuôi dưỡng hệ sinh thái thuận lợi; thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, sáng tạo, làm chủ công nghệ số của doanh nghiệp và con người Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng, sức cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các đại biểu nhất trí với quan điểm của dự thảo là lấy DN là trọng tâm, coi chuyển đổi số trong nước là bàn đạp để vươn ra khu vực và thế giới.
Theo đó, dự thảo đã đề xuất một số mục tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông hàng năm bằng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước; có 50.000 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông, trong đó có 10 doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh quốc tế với quy mô trên 1 tỷ USD; có 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông trên 1 tỷ USD; doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT trong nước làm chủ công nghệ, cung cấp được 90% các loại sản phẩm, giải pháp phần mềm, dịch vụ CNTT phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo Chương trình cũng đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm; phát triển doanh nghiệp; thông tin, truyền thông; nâng cao chất lượng nhân lực và phát triển thị trường.
Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý trực tiếp cho dự thảo Chương trình như: xây dựng một danh sách các công nghệ lõi mà Việt Nam sẽ tập trung đầu tư phát triển; quy định một hệ sinh thái để đưa thương mại hóa công nghệ lõi; có chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ toàn cầu; đề xuất đưa điện tử gia dụng vào Chương trình; đề xuất có chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy DN sản xuất sản phẩm CNTT, điện tử viễn thông...
Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 hiện đang được Bộ TT&TT đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để  lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Thời hạn góp ý sẽ kéo dài đến ngày 6/6/2020.
Theo kế hoạch, dự thảo Chương trình sẽ được Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2020.
Ngọc Hà t/h
lên đầu trang