Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:55

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:55

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 02/06/2020

Xây dựng mô hình hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia: Kinh nghiệm của một số nước

Theo xu hướng chung của thế giới, trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST)  là để cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST phát triển, hoàn thiện các ý tưởng kinh doanh/công nghệ, kêu gọi đầu tư, qua đó hình thành hệ sinh khái khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Thông qua phân tích các mô hình trung tâm ĐMST  của một số nước (Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel), bài báo rút ra một số vấn đề mang tính gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng Trung tâm ĐMST Quốc gia.
Kinh nghiệm phát triển trung tâm ĐMST của một số quốc gia trên thế giới
Mạng lưới các trung tâm ĐMST và hệ sinh thái ĐMST ở mỗi quốc gia được hình thành và phát triển theo các định hướng và cách thức tổ chức khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới tập trung nguồn lực để phát triển các lĩnh vực theo kế hoạch được định trước nhằm tạo ra những kết quả mang tính đột phá, có tính ảnh hưởng sâu rộng tới một bộ phận hoặc toàn bộ nền kinh tế.
Hàn Quốc
Kể từ năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc [1] đã thiết lập 17 Trung tâm Kinh tế sáng tạo và đổi mới  (Center for Creative Economy and Innovation - CCEI) với nhiều văn phòng đại diện ở các địa phương, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Các trung tâm này giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và DNVVN kết nối với các tập đoàn của Hàn Quốc cũng như các tập đoàn hoạt động trong khu vực (hình 1).
Hình 1. Vai trò của CCEI của tại Hàn Quốc (nguồn: [2, 3])
Mô hình CCEI là tập trung hỗ trợ phát triển một lĩnh vực cụ thể bằng cách kết nối chính quyền địa phương với một doanh nghiệp lớn đang có lợi thế là đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực đó ở địa phương. Mỗi tập đoàn lớn như (Lotte, LG, Hyundai Motor, Samsung, SK…) đều được đề nghị tham gia vào 1 trong 17 trung tâm này và tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Mô hình này trao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và DNVVN cơ hội tiếp cận vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, hoạt động marketing, hoạt động mua - bán và sáp nhập trên cơ sở tận dụng các lợi thế của các tập đoàn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và DNVVN cũng được đội ngũ chuyên gia tài chính, pháp luật, sáng chế… của CCEI cung cấp các dịch vụ tư vấn và đáp ứng các dịch vụ toàn diện khác như cho thuê văn phòng, giới thiệu đầu tư và hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh ra quốc tế.
Mỗi CCEI điều hành một hệ thống hỗ trợ trực tiếp cho từng đối tượng trên cơ sở hợp tác với chính quyền địa phương/trung ương và các tập đoàn lớn. Mỗi trung tâm là một đơn vị hoạt động phi lợi nhuận, được lựa chọn từ các tổ chức trực thuộc hoặc hợp tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, trường đại học, viện nghiên cứu… trên cơ sở tham vấn với Bộ trưởng Bộ Khoa học, Thông tin truyền thông và Kế hoạch tương lai của Hàn Quốc; cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp lớn; thị trưởng thành phố hoặc thống đốc.
Nhờ sự hỗ trợ của CCEI, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Hàn Quốc không chỉ hoạt động thành công trong nước mà còn mở rộng ra trên toàn thế giới. Gần đây, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Hàn Quốc tham gia hợp tác với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp và nhà đầu tư thông qua mạng lưới doanh nghiệp lớn toàn cầu - những đơn vị thành viên của trung tâm CCEI tăng cao. Tính đến nay, Hàn Quốc có hơn 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và DNVVN tham gia vào mạng lưới doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Về tài chính, dưới sự hỗ trợ của nhà nước và tài trợ của khu vực tư nhân, các CCEI cũng có được một khoản kinh phí khoảng 1,8 tỷ USD mỗi năm để hoạt động dưới hình thức đầu tư, bảo lãnh và cho vay. Nhờ có khoản vốn mồi này mà mỗi năm đã thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư vào hoạt động ĐMST của các doanh nghiệp.
Có thể thấy, đối với Hàn Quốc, các CCEI đóng vai trò trung gian kết nối trong các hoạt động liên quan đến ĐMST. Các trung tâm này hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận dưới sự bảo trợ của chính phủ hoặc thông qua tài trợ từ các tập đoàn tư nhân lớn. Ngoài ra, các trung tâm này còn có vai trò là nơi cung cấp, kết nối nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Các trung tâm này có vai trò tổ chức các hội chợ việc làm với các quy mô khác nhau, đáp ứng cung cầu nguồn nhân lực.
Trung Quốc
Trải qua hơn 40 năm đổi mới, Trung Quốc ngày nay được coi là công xưởng của thế giới, do vậy quốc gia này tập trung phát triển mạng lưới các trung tâm ĐMST, gồm: Trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, các trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh và mạng lưới các khu trình diễn ý tưởng ĐMST.
Đối với Trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, Chính phủ Trung Quốc coi công tác phát triển hoạt động ĐMST cấp quốc gia là cơ chế quan trọng để thúc đẩy hoạt động ĐMST khởi nghiệp kinh doanh rộng khắp. Theo đó, trong kế hoạch “Made in China 2025” (hình 2) [4], Chính phủ dự kiến sẽ thiết lập 40 trung tâm vào năm 2025 dựa trên 10 lĩnh vực được xác định là cốt lõi trong quá trình phát triển.
Hình 2. Các lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong kế hoạch “Made in China 2025”.
Mỗi trung tâm này sẽ tập trung vào một ngành hoặc một lĩnh vực, đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 - những công nghệ có khả năng đảm bảo duy trì vị trí quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Mạng lưới này sẽ giúp cải thiện năng lực và hiệu quả ĐMST của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo ra các bước đột phá nhảy vọt, ươm mầm nhân tài lãnh đạo toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ, cũng như gia tăng số lượng nghiên cứu có khả năng được thương mại hoá thành công ở Trung Quốc [5].
Ngoài các trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh. Các trung tâm cấp quốc gia và trung tâm cấp tỉnh đã thiết lập nên hệ thống ĐMST xuyên suốt, trong đó các trung tâm cấp quốc gia giữ vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ quan trọng từ các trung tâm cấp tỉnh.
Chính phủ Trung Quốc cũng thành lập các khu trình diễn ý tưởng ĐMST độc lập quốc gia để thực hiện các chương trình thí điểm, thu thập kinh nghiệm và trình diễn hoạt động sáng tạo độc lập, phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, các khu trình diễn có thể dẫn dắt đất nước trong các lĩnh vực liên quan đến chuyển giao công nghệ, tài trợ phát triển công nghệ và chia sẻ giải pháp về cơ chế khuyến khích. Các khu trình diễn này là nơi dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện chính sách công nghệ liên quan vốn phụ thuộc vào khả năng thử nghiệm của hệ thống và sáng kiến về chính sách, được kỳ vọng sẽ đi đầu trong hoạt động phát triển các lĩnh vực cần sáng tạo cũng như cải cách hệ thống khoa học và công nghệ (KH&CN). Điều đáng nói là các khu trình diễn có hướng phát triển khác nhau nhờ cơ chế quản lý ĐMST phù hợp với điều kiện riêng của từng địa phương. Từ đó giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện hiệu quả các chính sách và nâng cao năng lực ĐMST trong nền kinh tế Trung Quốc.
Israel
Chính phủ Israel đã bắt đầu có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để khởi nghiệp ĐMST từ cách đây hơn 40 năm. Trong mỗi bộ của Chính phủ Israel đều có một cơ quan chuyên về khởi nghiệp ĐMST và một chuyên gia trưởng được phân công chịu trách nhiệm thúc đẩy lĩnh vực này. Có thể nói, Chính phủ Israel đã xây dựng cơ cấu tổ chức phục vụ cho hệ thống này một cách bài bản, khoa học.
Tuy nhiên, cơ quan chịu trách nhiệm chính việc tư vấn cho các bộ, ủy ban của chính phủ và quốc hội về chính sách ĐMST trong nước cũng như trên thế giới là “Cơ quan ĐMST Israel” trực thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel [6]. Cơ quan này, với vai trò là đơn vị trung gian, đã thiết kế và vận hành một loạt các chương trình dành riêng cho các công ty tư nhân, không ngừng thúc đẩy nhằm biến các sáng kiến độc đáo thành các công cụ thiết thực, có hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội.
Cơ quan ĐMST Israel có 6 đơn vị gồm: Phòng khởi nghiệp, Phòng tăng trưởng, Phòng sản xuất tiên tiến, Phòng hợp tác quốc tế, Ban cơ sở hạ tầng công nghệ và Ban giải quyết thách thức xã hội. Israel có chính sách hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cơ quan ĐMST Israel sẽ cung cấp tiền cho các doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có ý tưởng rất hay nhưng gặp khó khăn về tài chính.
Có thể thấy rằng, chính sách ĐMST của Israel mang tính đồng nhất rất cao, bởi quốc gia này có một cơ quan chịu trách nhiệm chính về toàn bộ hoạt động ĐMST quốc gia, mặc dù trong mỗi bộ thuộc chính phủ đều có cơ quan chuyên trách về lĩnh vực đó. Cơ quan này là đơn vị đầu mối được chính phủ giao xây dựng, vận hành, triển khai các chương trình dành riêng cho các công ty tư nhân, không ngừng thúc đẩy nhằm biến các sáng kiến độc đáo thành các công cụ thiết thực, có hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội.
Tóm lại, mỗi quốc gia đều có chiến lược và cách thức riêng trong việc phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST của mình. Tuy nhiên, tựu chung lại có 3 yếu tố tác động mạnh nhất đó là: hệ thống chính trị, chiến lược phát triển KH&CN của quốc gia, đặc thù về văn hóa - xã hội. Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo hướng ĐMST, chính phủ các nước thường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động R&D, nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, vươn lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chưa từng có. Một trong những hình thức hỗ trợ phổ biến là chính phủ thành lập hoặc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các trung tâm ĐMST để tạo không gian tập trung với sự tham gia của các thành phần cần thiết của hệ sinh thái ĐMST nhằm kết nối, tận dụng những ưu điểm của mỗi thực thể trong mạng lưới để xây dựng một hệ thống bền vững. Điểm chung của các trung tâm ĐMST này là đều có sự hậu thuẫn, hỗ trợ của chính phủ hoặc các tập đoàn lớn trong một giai đoạn hoặc toàn bộ quá trình hoạt động, với đặc thù là đơn vị kết nối trung gian không trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Gợi mở cho Việt Nam
Thông qua kinh nghiệm của một số quốc gia nêu trên, mô hình hoạt động của Trung tâm ĐMST Quốc gia cần tiếp cận theo một số hướng cụ thể sau:
Về vị trí và vai trò
Trung tâm ĐMST là mô hình tổ chức sáng tạo đặc thù nhằm mục đích nghiên cứu, dẫn dắt, kết nối và cung cấp các dịch vụ ĐMST hiệu quả và hỗ trợ R&D phục vụ cho hệ sinh thái ĐMST. Các trung tâm này nên được đặt tại các cơ quan cấp cao có chức năng hoạch định về chiến lược, chính sách KH&CN của quốc gia. Điều này giúp cho việc định hướng chiến lược, nắm bắt được xu thế về KH&CN trên thế giới một cách chính xác và có định hướng rõ ràng trong mỗi giai đoạn phát triển với các mục tiêu chính:
- Đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, ươm tạo công nghệ, tối ưu hóa, trình diễn và chuyển giao công nghệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong doanh nghiệp và người dân.
- Hỗ trợ hình thành các giải pháp công nghệ tiên tiến, kích thích các ý tưởng sáng tạo, khơi gợi cảm hứng ĐMST.
- Dẫn dắt hệ sinh thái ĐMST. Tập trung và tổ chức được các nguồn lực đầu vào cho ĐMST, tối ưu, hoàn thiện các mô hình giải pháp ĐMST, phát triển sản phẩm, giải pháp đầu ra hiệu quả, có khả năng ứng dụng cao.
- Kết nối, thực hiện các dịch vụ KH&CN, khai thác các nguồn lực KH&CN, cung cấp, hỗ trợ tư vấn, kết nối, tối ưu trong sử dụng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan, thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật và các sáng chế ra thực tế.
- Hỗ trợ các tổ chức đầu tư, các đối tác hoạt động tài chính.
Mô hình hoạt động
Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng trong quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái ĐMST nói chung và mạng lưới các trung tâm ĐMST nói riêng. Với mục đích đặt doanh nghiệp làm trọng tâm, Chính phủ nên đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động R&D, nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, vươn lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị; việc đầu tư, hỗ trợ này nên được thông qua các chương trình/dự án được dẫn dắt bởi trung tâm ĐMST.
Cơ chế tài chính
- Nguồn kinh phí hoạt động cho trung tâm ĐMST được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; đóng góp tự nguyện/tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật; khoản thu từ tiền lãi gửi ngân hàng và các khoản thu hợp pháp khác.
- Các khoản chi của trung tâm tập trung vào: tài trợ, hỗ trợ các chương trình, đề án hoạt động theo điều lệ của trung tâm ĐMST và quy định của pháp luật; tài trợ cho các tổ chức, cá nhân theo đúng đối tượng mà trung tâm hướng tới.
Các dịch vụ chính
- Các dịch vụ liên quan đến tìm kiếm, sử dụng kết nối và tích hợp các sáng chế, giải pháp hữu ích phục vụ khách hàng kết nối quan hệ hợp tác với khối tư nhân và khối công lập.
- Thực hiện các hoạt động tối ưu hóa và tùy biến các kết quả khoa học, các công nghệ đảm bảo tính phù hợp với điều kiện thị trường.
- Thiết lập và phát triển các dịch vụ nền cần thiết để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu gia nhập vào thị trường thương mại. Các nhà nghiên cứu/doanh nhân có thể phối hợp cùng nhau hình thành các nhóm thương mại hóa sản phẩm công nghệ, thành lập doanh nghiệp KH&CN mới hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] http://consosukien.vn/kinh-nghiem-mot-so-nuoc-ve-phat-trien-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-quoc-gia.htm.
[2] http://poltrung tâm ĐMSTy.creativekorea.or.kr/eng/.
[3] Martin Hemmert (2007), “The Korean Innovation System: From industrial catch-up to technological leadership”, Innovation and technology in Korea: Challenges of a newly advanced economy, pp.11-32.
[4] https://isdp.eu/content/uploads/2018/06/Made-in-China-Backgrounder.pdf.
[5] Jizhen Li, Quwen Deng, Olav Jull Sorensen (2011), “Building national innovation platform in China: theoretical exploration and empirical study”, Journal of Science and Technology Policy in China, 2(1), pp.58-78.
[6] https://innovationisrael.org.il/en/reportchapter/innovation-authority.
[7] https://www.japan.go.jp/technology/innovation/.
[8] https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/nhin-doi-moi-sang-tao-tu-han-quoc-va-singapore-7495.
Nguyễn Quốc Đạt, Lê Quang Thái - Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ
(Nguồn: http://vjst.vn/)
lên đầu trang