Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 10:18

Thứ năm, 18/04/2024 | 10:18

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:03 ngày 05/06/2020

Hàn Quốc muốn thành người tiên phong trong KHCN

Bằng việc chuyển hướng đầu tư cho các nhóm nghiên cứu nhỏ, Hàn Quốc đang đặt cược vào sự sáng tạo của các nhà khoa học để hướng đến mục tiêu trở thành người tiên phong trong thế giới khoa học.
Robot hướng dẫn của LG tại sân bay quốc tế Incheon có thể ghi nhận bốn ngôn ngữ. Nguồn: Jonas Gratzer/LightRocket via Getty Images
Khi nhắc đến đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, Hàn Quốc là một trường hợp đặc biệt: Tốc độ đầu tư cho phát triển của nó khiến người ta phải hoa mắt: nhảy từ 2,1% GDP vào năm 2000, nghĩa là tương đương với tỷ lệ trung bình của các quốc gia thuộc khối OECD, đến hơn 4,5% GDP vào năm 2018, chỉ kém Israel với 4,9%.
Đầu tư vào dự án lớn và mục tiêu tức thời
Quan sát sự phát triển của khoa học Hàn Quốc vài thập kỷ trở lại đây, có thể thấy dường như họ thích các đầu tư theo quy mô lớn từ trên xuống, với các dự án cho chính phủ trực tiếp chỉ định đầu tư nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh của đất nước ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robotics và khoa học vật liệu. Các dự án này cũng được thực hiện với sự tham gia của các công ty tư nhân. Tất cả những đặc điểm này có lẽ phù hợp với trọng tâm phát triển của một quốc gia sau chiến tranh là nghiên cứu ứng dụng để vào vị trí dẫn đầu về sản xuất các sản phẩm bán dẫn cũng như các mạng lưới truyền thông không dây.
Việc đầu tư từ trên xuống cũng có thể nói là thành công, trong đó có việc đóng vai trò chính trong việc phát triển và sản xuất một cách nhanh chóng các bộ kit chẩn đoán Covid-19, ông Roe nhận xét. Bốn công ty đầu tiên đã được chấp thuận đầu tư cho các xét nghiệm đều nhận được sự đầu tư của NRF vào nghiên cứu chế tạo các bộ kit sau khi dịch cúm MERS xảy ra tại Hàn Quốc vào năm 2015 làm 186 người bị nhiễm và chết 36 người. Vào tháng 2/2020, Viện nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc, nơi phụ trách chương trình khám phá không gian của quốc gia này, đã phóng thành công vệ tinh Cheollian 2B, lắp đặt Phổ kế giám sát môi trường địa tĩnh (GEMS) để giám sát ô nhiễm không khí tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, một vệ tinh thế hệ mới nhằm nghiên cứu chất lượng không khí toàn cầu.
Tuy nhiên, theo nhà vi khuẩn học Jung-Hye Roe, người được Tổng thống Moon đặt vào vị trí phụ trách Quỹ Khoa học Quốc gia (NRF) vào năm 2018, các ưu tiên mới này lại không được đặt trên một nền móng phát triển vững vàng của khoa học cơ bản bởi trong thập kỷ qua, chính phủ nhấn mạnh nhiều hơn vào những nhiệm vụ phục vụ cho những mục tiêu kinh tế trước mắt, nên sự cần thiết đầu tư vào nghiên cứu cơ bản không còn là mối quan tâm chung của các nhà chính trị Hàn Quốc và các nhà nghiên cứu nữa.
Muốn trở thành kẻ dẫn đầu
Để Hàn Quốc có thể trở thành “người đi đầu” thay vì đơn giản là “người bám đuổi siêu nhanh” – vốn được cả Tổng thống hiện thời Moon Jae-in và người tiền nhiệm gây tranh cãi Park Geun-hye nhắc tới. Họ bắt đầu nhận thấy, việc lèo lái khoa học để hoàn thành “định mức” một cách hiệu quả nhiều lĩnh vực mang tính chiến lược như vậy vẫn còn chưa đủ, cần phải nhấn mạnh đến việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản cho các nhóm nghiên cứu nhỏ theo cách từ dưới lên. Cách làm này cũng có vẻ hứa hẹn khi sức mạnh khoa học tới từ sự sáng tạo của các nhà khoa học.
Dưới thời tổng thống Moon, người nhận chức vào năm 2017, ngân sách dành cho khoa học cơ bản thông qua Quỹ Khoa học Quốc gia (NRF), cơ quan đầu tư cho khoa học hàng đầu đất nước với ngân sách tăng vọt theo kế hoạch năm năm là 2,5 nghìn tỉ won (tương đương 2 tỷ USD) vào năm 2022. Ngân sách của quốc gia vào năm 2020 cho phép gia tăng ngân sách dành cho NRF lên 18% so với năm ngoái, tức là 24,2 nghìn tỷ won. Để so sánh, có thể thấy NRF chiếm tới 1/4 tổng số đầu tư công của chính phủ cho nghiên cứu. Trong lĩnh vực tư, vốn chiếm khoảng 3/4 đầu tư cho R&D của đất nước, các khoảng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản cũng tăng, trong đó có cả sự đóng góp của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung và LG Electronics.
Thông qua các khoản đầu tư cho các dự án nghiên cứu từ dưới lên, hiện tại NRF có ngân sách tới gần 7 nghìn tỷ won trong năm 2020. Điều đáng mừng là những khoản đầu tư cho khoa học cơ bản theo cách “từ dưới lên”, nghĩa là theo đề xuất của các nhà nghiên cứu, đã tăng lên ở gần mức tương đương với các dự án có định hướng của chính phủ. Và ông Roe còn hi vọng sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư như vậy lên nhiều hơn nữa.
Các khoản đầu tư cho các đề xuất nổi bật là thiết bị cộng hưởng nano gallium arsenide có thể bẫy ánh sáng và theo đổi màu sắc với công bố trên Science vào tháng 1/2020 do nhà nghiên cứu Hong-Gyu Park của trường đại học Hàn Quốc ở Seoul đồng dẫn dắt; những quan sát bầu khí quyển từ Gosan-ri trên đảo Jeju như một phần của một dự án hợp tác quốc tế, do nhà khoa học Sunyoung Park của trường Đại học Kyungpook ở Daegu dẫn dắt và xuất bản trên Nature năm 2019 cho thấy miền nam Trung Quốc là nguồn phát thải chính chất chlorofluorocarbons (CFC), loại hóa chất phá hủy tầng ozon và đã bị Công ước Montreal cấm.
Những công việc cần giải quyết
Tuy nhiên, giai đoạn phát triển vội vã vừa qua không thể không để lại một số bài học. Có nhiều ý kiến chỉ trích là việc chính phủ nhấn mạnh vào mục tiêu quảng bá số lượng khoa học thông qua các chỉ số đo lường khiến nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung thực hiện những công trình ít giá trị, chủ yếu xuất hiện trên những tạp chí hoặc hội nghị quốc tế chất lượng thấp. vào tháng năm năm ngoái, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã nêu có 574 nhà nghiên cứu tham gia vào các hội nghị quốc tế do các nhà xuất bản “săn mồi”, chủ yếu chạy theo lợi nhuận, tổ chức. “Điều này tồn tại bởi chúng tôi đã quá nhấn mạnh đến số lượng xuất bản”, Roe giải thích. “Tôi nghĩ là văn hóa khoa học kiểu cũ đang kìm hãm sự sáng tạo”, Yeom nói. “Nó có thể đủ tốt để khuyến khích số lượng bài báo nhưng không có được những ý tưởng xuất sắc”.
Hiện nay, các nhà khoa học Hàn Quốc lo ngại diễn biến hiện tại có thể ảnh hưởng đến chính sách đầu tư cho khoa học khi chính phủ phải tập trung vào giải quyết sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch và các ngành công nghiệp truyền thống – bao gồm sản xuất chip, đóng tàu và điện hạt nhân – phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Căng thẳng chính trị với Nhật Bản bùng lên vào tháng 7/2019 đe dọa cắt nguồn cung cấp các vật liệu chính cho các sản phẩm bán dẫn, nó cũng phơi lộ một sự thật là ngành công nghệ quốc gia này phụ thuộc vào các nhà sản xuất Nhật Bản như thế nào.
Do đó, cần một cuộc thảo luận về tương lai của KH&CN với mục tiêu “tạo ra con đường của riêng chúng ta, một con đường hoàn toàn mới sẽ đưa Hàn Quốc khỏi vị trí là kẻ theo sau siêu tốc”, Roe nói.
Theo Nature
lên đầu trang