Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 16/04/2024 | 23:10

Thứ ba, 16/04/2024 | 23:10

Tin KHCN

Cập nhật lúc 22:57 ngày 08/06/2020

Quảng Ninh: Để nghiên cứu khoa học ở trường ĐH, CĐ bám sát nhu cầu thực tiễn

Phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật ở các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang ngày càng phát triển, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo giảng viên, học sinh, sinh viên. Nhiều sáng kiến đã và đang áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh chạy thử mô hình xe chạy bằng nhiên liệu thân thiện môi trường.

Góp phần chung tay phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm sự an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, trong tháng 3, 4/2020, nhóm tác giả của Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng (TP Uông Bí) đã nghiên cứu chế tạo thành công nhiều thiết bị tự động phục vụ cho việc kiểm soát dịch Covid-19. Tiêu biểu như máy phun dung dịch sát khuẩn tự động; buồng khử khuẩn toàn thân công nghệ phun siêu âm; buồng đo thân nhiệt không chạm.
Các sản phẩm này sau khi áp dụng thử nghiệm đã cho thấy hiệu quả trong công tác phòng dịch và đã được Sở KH&CN tỉnh “đặt hàng” sản xuất phục vụ các cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, trường học trên địa bàn tỉnh. Anh Hoàng Minh Thuận, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng, cho biết: Không chỉ nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm có tính ứng dụng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều năm qua, nhà trường cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp ngành mỏ thiết kế, chế tạo ra những thiết bị an toàn mỏ, sản xuất các mặt hàng thương mại như hộp phòng cháy chữa cháy, tủ điện... Qua đó, thể hiện được năng lực nghiên cứu của nhà trường cũng như tính ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu vào đời sống xã hội là rất khả thi.
Có thể nói những sản phẩm nghiên cứu, sáng chế khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH đang dần được các trường ĐH, CĐ chú trọng hơn. Không riêng gì Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng, một số trường như ĐH Hạ Long, ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, CĐ Y tế... cũng có nhiều phát minh, sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học gắn chặt với mục tiêu phát triển của tỉnh.

Đại diện Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng trao tặng thiết bị phun sát khuẩn tay tự động do trường chế tạo cho UBND TP Uông Bí.

Những năm gần đây, ngành du lịch được tỉnh Quảng Ninh chú trọng với nhiều giải pháp để thu hút du khách đến với tỉnh. Du lịch làng nghề cũng được quan tâm hơn và trở thành một sản phẩm điểm nhấn. Nắm bắt được xu hướng đó, Trường ĐH Hạ Long cũng đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch của Quảng Ninh. Đề tài được triển khai trong 2 năm, 2018-2019. Trong đó đã đề ra được một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho một số làng nghề trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác, phát huy giá trị vốn có để phát triển du lịch.
Đề tài này của nhà trường bước đầu cũng đã hỗ trợ người dân làng nghề ngư cụ Hưng Học (Quảng Yên), làng nghề gốm sứ Đức Chính (Đông Triều) phát triển một số sản phẩm du lịch tại chỗ, xây dựng kỹ năng làm du lịch. Đồng thời kết nối được tour, tuyến du lịch, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân, thúc đẩy việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh triển khai 115 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 16 nhiệm vụ do các trường ĐH, CĐ chủ trì thực hiện với kinh phí gần 21 tỷ đồng. Một số nhiệm vụ đã đề xuất được những giải pháp tốt nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLNN, phát triển KT-XH như: xây dựng mô hình làng nghề truyền thống; bảo tồn di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức; phát triển, bảo tồn sản phẩm nông nghiệp Gà Bang Trới; phát triển hệ thống giáo dục từ lý thuyết và kỹ năng cho học sinh; giảm thiểu ô nhiễm môi trường của tỉnh…
Mặc dù vậy theo đánh giá của các ngành chức năng, hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học ở các trường ĐH, CĐ vẫn chưa có nhiều bứt phá, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu và định hướng phát triển KT-XH của tỉnh. Ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, cho biết: Hầu hết các trường chưa có nhiều sản phẩm KHCN được mở rộng nghiên cứu hoặc sẵn sàng chuyển giao cho sản xuất; đa số các sản phẩm chưa được ứng dụng sâu, rộng rãi. Với những sản phẩm có tính thực tiễn cao thì đầu ra còn hạn chế do thiếu sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp...

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang tổ chức nhiều sân chơi cho các học sinh, sinh viên phát huy khả năng sáng tạo của mình - Trong ảnh: Các mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Quảng Ninh năm 2018.

Do vậy, bên cạnh cơ chế khuyến khích từ phía cơ quan nhà nước nhằm tạo cơ hội cho các trường ĐH, CĐ phát huy khả năng sáng tạo thì ông Khuyến cũng cho rằng các trường cần chủ động bám sát chương trình phát triển KT-XH của tỉnh để đề xuất nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Cùng với đó, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ, qua đó thâm nhập sâu hơn vào doanh nghiệp để nắm bắt, đáp ứng đúng, trúng yêu cầu.
“Việc tổ chức các cuộc khảo sát, nhận diện nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp khi thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng công nghệ cũng là giải pháp mà các trường cần lưu tâm hơn để hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học ở trong trường ĐH, CĐ gắn sát với thực tiễn hơn” - ông Khuyến nói.
Nguyên Ngọc (Báo Quảng Ninh) 
lên đầu trang