Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:45

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:45

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 09:33 ngày 14/06/2020

TPM công cụ cải tiến năng suất hiệu quả cho các doanh nghiệp

Ngày 12/6/2020 tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) tổ chức Hội thảo Cải tiến năng suất tổng thể trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp- Kinh nghiệm và những điển hình thành công”. Hội thảo với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại khu vực miền Bắc.
Hội nghị nhằm tổng kết và đánh giá lại nhiệm vụ Hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình tổng thể cho hoạt động cải tiến năng suất và quản lý chất lượng thuộc “ Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương giao cho VNPI triển khai giai đoạn 2018-2020. Nhiệm vụ đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hoạch định, thực hiện các hoạt động cải tiến năng suất một cách có hệ thống để đạt được năng suất và khả năng cạnh tranh cao.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương bà Kiều Nguyễn Việt Hà cho biết – Triển khai thí điểm mô hình cải tiến năng suất tổng thể ( TPM) là nhiệm vụ tiếp nối trong nhiều nhiệm vụ của Dự án “ Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” giai đoạn 2012-2020, nếu như giai đoạn đầu ( 2012-2015) các doanh nghiệp được tiếp cận các công cụ cải tiến mang tính nền tảng, đơn giản và rất cụ thể như: 5S, Lean, Kaizen…thì ở giai đoạn 2 ( 2016-2020), Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về năng suất chất lượng.
“Hiện nay với xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ mới- cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước bối cảnh đó Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động cải tiến, quản trị thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vào nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kiểm tra kết quả triển khai thí điểm mô hình TPM tại 9 doanh nghiệp cho thấy về mặt năng suất, chất lượng, quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp này đều đạt được mục tiêu đề ra cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp. Hiện TPM đã trở thành một dịch vụ mà VNPI có thể cung cấp và mang lại lợi ích và hiệu quả cao cho các doanh nghiệp muốn cải tiến năng suất,chất lượng sản phẩm hàng hóa”, Bà Kiều Nguyễn Việt Hà khẳng định.
Báo cáo tại Hội thảo, đại diện VNPI cho biết – thông qua 4 trụ cột của mô hình TPM, 9 doanh nghiệp đều đã nhận diện được 8 lãng phí trong sản xuất, TPM cũng giúp các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt năng suất của các doanh nghiệp đều tăng từ 20-23% trở lên nhờ đồng bộ đổi mới công nghệ và hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, cải thiện sự hài lòng của khách hàng, cá biệt như Công ty TOMECO An Khang áp dụng TPM đã giúp doanh nghiệp này tăng hơn 100% giá trị xuất khẩu.
Tại Hội thảo các đại biểu cũng được nghe đại diện của các doanh nghiệp tham gia mô hình thí điểm trình bày các kết quả và kinh nghiệm của đơn vị mình trong quá trình triển khai. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp tại Hội thảo đã được các chuyên gia tư vấn của VNPI và các doanh nghiệp tham gia thí điểm trả lời.
Nhằm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 04 tháng 2 năm 2020 về Giải pháp thúc đẩy năng suất lao động quốc gia, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng các giải pháp tăng năng suất lao động ngành công nghiệp và thương mại, tham gia sâu hơn và nâng cấp các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào ngành chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp có giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, tập trung vào hàng hóa có giá trị gia tăng cao…
Thu Hường (Báo Công Thương) 
lên đầu trang