Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:28

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:28

Chính sách

Cập nhật lúc 06:38 ngày 17/06/2020

Hà Nội sẵn sàng chuyển đổi số

Thành phố Hà Nội sẵn sàng cho chuyển đổi số khi đã hội tụ đủ các yếu tố quan trọng, như: Hạ tầng mạng, mức độ sẵn sàng của người dân, việc triển khai các ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành… Để thực hiện chuyển đổi số, các chuyên gia công nghệ kiến nghị Hà Nội tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: Phát triển chính quyền số gắn với đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Mạng 5G sẽ giúp Hà Nội có hạ tầng viễn thông hiện đại để đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ảnh: Hương Lan
Hội tụ đủ nền tảng để chuyển đổi số
Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng, Hà Nội hiện có 10 triệu thuê bao di động và 1,7 triệu thuê bao băng rộng cố định. 80% trong tổng số thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh; tỷ lệ phủ sóng di động (theo dân số) 2G, 3G đạt 100%, 4G đạt 95,82%. Đáng chú ý, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đều chọn Hà Nội là địa phương thử nghiệm mạng 5G. Do vậy, Hà Nội đã hội tụ đủ nền tảng để chuyển đổi số, từ sự sẵn sàng của hạ tầng số tới sự sẵn sàng của người dân trong việc tiếp cận công nghệ, trở thành công dân số.
Về triển khai các ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, thành phố đã hoàn thành kết nối mạng diện rộng (WAN) đến 579 xã, phường, thị trấn. Trung tâm dữ liệu nhà nước thành phố Hà Nội được xây dựng triển khai hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (giáo dục, y tế)...
Chánh Văn phòng UBND thành phố Vũ Đăng Định thông tin thêm, trong số 1.660 thủ tục hành chính đang được thành phố cung cấp có 1.501 thủ tục mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ 91%. Hà Nội đã hoàn thành tích hợp 88 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia và đến hết năm 2020 sẽ tích hợp 173 dịch vụ còn lại. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai các chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, trước hết là vận hành các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đang đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh và toàn bộ trung tâm phân tích dữ liệu của thành phố; xây dựng các hạ tầng dịch vụ dùng chung; chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ thống an toàn bảo mật thông tin… "Đây là con đường để tăng năng suất lao động, giảm chi phí", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Tạo đột phá bằng công nghệ
Các trung tâm dữ liệu có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số. Ảnh: VNPT​
Để thực hiện chuyển đổi số, các chuyên gia đề xuất, Hà Nội tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: Phát triển chính quyền số gắn với đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số. Thực tế, đây cũng là những lĩnh vực Hà Nội đang triển khai nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá cho kinh tế Thủ đô bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT) Dương Dũng Triều cho biết, FPT đã thử nghiệm một số nội dung về giao thông thông minh và sẵn sàng bàn giao cho Hà Nội. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Huỳnh Quang Liêm, VNPT đã xây dựng Đề án du lịch thông minh cho Hà Nội. Hiện, các chuyên gia của VNPT đang phối hợp với các sở, ngành của Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Nguyễn Thanh Nam cho biết, Viettel đang phối hợp cùng Hà Nội xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh, với các công nghệ tiên tiến nhất...
Về chiến lược chuyển đổi số, ông Nguyễn Huy Dũng cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ Hà Nội xây dựng chiến lược chuyển đổi số và khung kiến trúc chính quyền điện tử, sớm nhất có thể hoàn thành trong tháng 8-2020. Cũng theo ông Nguyễn Huy Dũng, một giải pháp quan trọng nữa là thành phố cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển mạng lưới hạ tầng băng rộng tiến tới mục tiêu “mỗi nhà một đường internet cáp quang, mỗi người một máy điện thoại thông minh”, hạ tầng viễn thông trở thành công cụ thiết yếu của xã hội số. Song song đó là khuyến khích hình thành doanh nghiệp công nghệ số để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Thủ đô.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội có tiềm năng lớn về phát triển công nghệ, song vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vốn có. Do vậy, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển cụ thể trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin và sẽ dành kinh phí tối đa đầu tư cho lĩnh vực này. Thông qua chuyển đổi số, Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và rộng hơn là khu vực ASEAN.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 5 năm 2020-2025, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định rõ: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP lên trên 25% vào năm 2025... Xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN cùng với phát triển mạnh các dịch vụ số; hoàn thành số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung (dân cư, đất đai)... Ưu tiên phát triển nhanh một số ngành, lĩnh vực kinh tế số có tiềm năng như: Ngân hàng số, dịch vụ di chuyển, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, du lịch trực tuyến...”.
Nguồn: Hà Nội mới 
lên đầu trang