Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 10:48

Thứ ba, 19/03/2024 | 10:48

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 06:33 ngày 29/06/2020

Quản lý kinh doanh liên tục theo ISO 22301 và giải pháp quản lý rủi ro cho doanh nghiệp

ISO 22301 duy trì các chức năng quan trọng và hoạt động trong thời gian gián đoạn
Quản lý kinh doanh liên tục tốt có thể đảm bảo tiếp tục các hoạt động, dịch vụ quan trọng, đảm bảo doanh thu, tài sản cũng như giảm khả năng thiệt hại tiềm ẩn do sự cố gây ra. Hệ thống Quản lý Kinh doanh Liên tục (QLKDLT) phù hợp ISO 22301 giúp cho việc quản lý rủi ro từ các sự cố như tấn công mạng, dịch bệnh, thiên tai, v.v. giảm bớt thiệt hại.
 Chi nhánh Tổng công ty Liksin –Xí nghiệp Bao Bì Liksin là đơn vị được lựa chọn áp dụng thí điểm ISO 22301.
Nếu doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch ứng phó phù hợp thì khả năng phục hồi nhanh hơn doanh nghiệp chưa có kế hoạch, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó sẽ có thể tăng lên 7%, trong khi doanh nghiệp chưa có kế hoạch hiệu quả cũng như khả năng phục hồi giảm đi 15% sau sự cố xảy ra.
ISO 22301 tiếp cận chủ động, có hệ thống để giảm thiểu tác động của các sự cố gây gián đoạn
Mặc dù việc QLKDLT ngày càng trở nên quan trọng hơn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu được QLKDLT là gì và làm thế nào để có thể tích hợp với hệ thống quản lý hiện có của doanh nghiệp. Một số người chỉ coi đó là một giải pháp thực dụng cho các sự cố và thảm họa lớn, thường liên quan đến thiệt hại đáng kể đối với tài sản. Tuy nhiên, nếu được hiểu đúng và thực hiện tốt, ISO 22301 có thể được tích hợp, áp dụng trong khi tuân theo các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác như ISO 27001, ISO 9001, v.v. một cách thuận lợi và dễ dàng.
Bất cứ khách hàng cũng như các bên liên quan khác đều mong muốn nhận được các sản phẩm tốt nhất, chiến lược kinh doanh rõ ràng từ các nhà cung cấp của họ, nhưng họ cũng muốn chúng được đảm bảo an toàn, đáng tin cậy và có khả năng phục hồi khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Hệ thống QLKDLT phù hợp ISO 22301 phải đảm bảo rằng các chính sách liên tục kinh doanh luôn được cập nhật và gắn liền với văn hóa của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp quản lý các mối nguy, rủi ro một cách hiệu quả và củng cố một cách có hệ thống để duy trì tính liên tục trong kinh doanh. ISO 22301 giúp doanh nghiệp chủ động đánh giá ảnh hưởng của sự gián đoạn, các hoạt động ưu tiên, cần thiết cho sự sống còn của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các giải pháp tương ứng nếu sự cố xảy ra. ISO 22301 xác định rõ mức độ ưu tiên nếu một sự cố xảy ra, ví dụ: mục tiêu của thời gian phục hồi là gì? Thời gian gián đoạn lâu nhất là bao lâu?
Áp dụng ISO 22301 tại Xí nghiệp Bao bì Liksin
Xí nghiệp Bao Bì Liksin (XNBB Liksin) là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm bao bì mềm dùng cho các ngành: hóa mỹ phẩm, thực phẩm, thủy sản đông lạnh, dược phẩm, nông dược, nước giải khát. Từ yêu cầu thực tiễn, khách hàng và đối tác của XNBB Liksin đa số là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia cho nên một trong những yêu cầu đặt ra là Xí nghiệp phải luôn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của mình được liên tục, không bị gián đoạn hoặc có kế hoạch để ứng phó rõ ràng với mọi tình huống, sự cố xảy ra. Thêm vào đó, ban lãnh đạo cũng luôn mong muốn rà soát, hoàn thiện chiến lược phát triển lâu dài và mở rộng thị phần cũng như chuẩn bị sẵn sàng tiến lên công nghiệp 4.0.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ quốc gia về “Nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn áp dụng Hệ thống Quản lý kinh doanh liên tục (ISO 22301) vào doanh nghiệp Việt Nam”, Chi nhánh Tổng công ty Liksin –Xí nghiệp Bao Bì Liksin (XNBB Liskin) là đơn vị được lựa chọn áp dụng thí điểm ISO 22301. Qua một thời gian phối hợp chặt chẽ với Trung tâm SMEDEC 2, XNBB Liksin đã triển khai thành công Hệ thống QLKDLT theo ISO 22301:2019 cho toàn bộ hoạt động của mình tại khu công nghiệp Tân Đức, Đức Hòa, Long An.
Thông qua 28 nội dung đánh giá, so sánh hiệu quả trước và sau áp dụng ISO 22301 tại XNBB Liksin, nếu trước áp dụng, tổng số điểm là 66 thì sau quá trình triển khai, số điểm đã tăng lên 73%, tức là 104 điểm.
Sự tăng điểm này xuất phát từ việc quản lý hiệu quả các nội dung như xác định rõ ràng hơn vai trò của cá nhân trong Hệ thốngQLKDLT, xác định thiệt hại và trích quỹ dự phòng cho các rủi ro trong kinh doanh và quản lý an toàn thông tin, nhận diện đầy đủ hơn các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điểm thay đổi lớn nhất của XNBB Liksin khi áp dụng ISO 22301 là cập nhật và triển khai các quy định, quy chế liên quan đến hoạt động quản lý công nghệ thông tin đã giúp doanh nghiệp quản lý và sẵn sàng tốt hơn các rủi ro, đặc biệt là vấn đề bảo mật và an toàn, vẹn toàn dữ liệu trong suốt quá trình hoạt động.
Nhân rộng áp dụng ISO 22301 cho các doanh nghiệp Việt Nam
Từ những hiệu quả thực tế và thiết thực của nhiệm vụ, trung tâm SMEDEC 2 kiến nghị lên các đơn vị quản lý tiếp tục giới thiệu và nhân rộng mô hình điểm áp dụng ISO 22301 cho các doanh nghiệp trong cả nước. ISO 22301 có thể áp dụng đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp, không phân biệt phạm vi, quy mô hay sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn này sẽ có hiệu quả tốt nhất đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, cũng như có ý nghĩa đối với những tổ chức hoạt động trong môi trường có nguy cơ cao, có độ ảnh hưởng tới nhiều đối tượng như ngành điện, dịch vụ tài chính, xây dựng, dầu khí, giao thông, viễn thông, sản xuất lương thực, v.v. hoặc những tổ chức mà sự vận hành liên tục là rất cần thiết, như khu vực công cộng hoặc có nhiều đối tác/khách hàng đa quốc gia.
Thêm vào đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự cam kết tốt trong việc triển khai chương trình, như đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực và vật lực có liên quan, đặc biệt là các nguồn lực cho các giải pháp ứng phó các sự cố bao gồm cả nguồn tài chính dự phòng và bố trí địa điểm di dời mới.
Theo khảo sát của ISO, năm 2018 có 5282 tổ chức trên thế giới áp dụng ISO 22301 thuộc 101 quốc gia tại mọi châu lục. Quốc gia có nhiều tổ chức đạt chứng nhận ISO 22301 nhất là Ấn Độ với 1916 chứng nhận trong 5282 chứng nhận này, có 04 lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là công nghệ thông tin (12%), vận chuyển, lưu trữ và thông tin liên lạc (4%), tài chính và bất động sản (3%), điện và thiết bị điện (2%). Tại Việt Nam, tính đến năm 2018 có 4 doanh nghiệp đã đạt được giấy chứng nhận ISO 22301.
Theo VietQ

lên đầu trang