Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:30

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:30

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 07:49 ngày 27/06/2020

Ứng dụng CNSH trong ngành giấy: Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Sản xuất giấy là một ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, chiếm khoảng 18 - 25% giá thành sản phẩm. Trong đó, năng lượng sử dụng cho quá trình nghiền bột giấy chiếm khoảng 15 – 18% tổng năng lượng cần thiết để sản xuất các sản phẩm giấy. Có thể thấy, năng lượng nghiền chiếm một phần chi phí lớn trong giá thành sản phẩm.
Nhằm giảm giá thành sản phẩm và tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong quá trình nghiền giấy, giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, năm 2019, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiên từ vi khuẩn – xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue”.
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra định kỳ nhiệm vụ KHCN tại Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô ngày 23/6/2020.
Đề tài do KS. Trần Hoài Nam, thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. Ngày 23 tháng 6, đoàn công tác Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra định kỳ nhiệm vụ KHCN kể trên.
Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất chế phẩm enzyme trơ nghiền (gồm hỗn hợp enzyme cellulose, xylanase) vì vi khuẩn – xạ khuẩn chịu nhiệt để ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue. Đến kỳ báo cáo, nhóm đã hoàn thiện được công nghệ - thiết bị ứng dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền trên dây chuyền sản xuất giấy tissue quy mô > 3.000 tấn/năm đúng tiến độ.
KS. Ngô Văn Hữu - Thành viên nhóm thực hiện đề tài báo cáo tại buổi kiểm tra. 
KS. Ngô Văn Hữu – Thành viên nhóm thực hiện đề tài cho biết, dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng công nghệ - thiết bị dây chuyền sản xuất giấy, đánh giá khả năng ứng dụng enzyme trợ nghiền và kết quả khảo sát lượng điện tiêu thụ, công suất chạy máy của dây chuyền sản xuất giấy tissue và chất lượng sản phẩm, nhóm thực hiện đã tính toán, thiết kế hệ thống bổ sung enzyme cho dây chuyền sản xuất giấy tissue.
“Chúng tôi đã tiến hành khảo sát dây chuyền sản xuất giấy tại Công ty TNHH MTV Vina paper (Bắc Ninh), Chi nhánh Công ty CP Diana Unicharm, Công ty CP Giấy tissue sông Đuống, Công ty CP Giấy Xương Giang và Công ty TNHH JP Corelex Việt Nam để đánh giá, xác định vị trí bổ sung enzyme trợ nghiền,từ đó thiết kế hệ thống cấp enzyme trợ nghiền vào dây chuyền sản xuất”, KS. Ngô Văn Hữu cho biết.
Sau đó, nhóm tiến hành lắp đặt thiết bị mới, cải tạo sửa chữa và hoàn thiện dây chuyền thiết bị phù hợp với quy trình công nghệ trước khi vận hành thử nghiệm toàn bộ hệ thống dây chuyền thiết bị sau lắp đặt, cải tạo. Theo KS. Ngô Văn Hữu, hiện tại, nhóm đã thực hiện xong việc lắp đặt hệ thống thiết bị tại Công ty CP Giấy tissue sông Đuống.​
Kết luận tại buổi kiểm tra, thay mặt đoàn công tác, TS. Đặng Tất Thành - Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô cho buổi kiểm tra, đồng thời ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong thực hiện để tài. TS. Đặng Tất Thành đề nghị đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện bổ sung các hồ sơ còn thiếu, chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo theo góp ý của chuyên gia theo đúng quy định hiện hành, tiếp tục triển khai các nội dung công việc còn lại đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Vụ Khoa học và Công nghệ
lên đầu trang