Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 05:56

Thứ tư, 24/04/2024 | 05:56

Chính sách

Cập nhật lúc 17:53 ngày 30/06/2020

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Động lực phát triển tài sản trí tuệ

Với việc ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030, hệ thống SHTT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phổ biến sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ (TSTT) - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia, phục vụ trực tiếp cho phát triển bền vững.
Chiến lược quốc gia đầu tiên về SHTT
Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, nhấn mạnh SHTT là công cụ quan trọng góp phần đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Thông qua Chiến lược, SHTT được khẳng định không phải là một lĩnh vực hay yếu tố độc lập mà gắn bó chặt chẽ, xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, của địa phương cũng như của từng ngành, lĩnh vực.
Mục tiêu phát triển hệ thống SHTT bao trùm các khía cạnh của quyền SHTT, từ tạo ra, xác lập quyền cho đến khai thác, bảo vệ quyền. Ở mục tiêu liên quan đến tạo lập và sử dụng TSTT, một số chỉ tiêu định lượng cũng được xác định như: tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, khai thác thương mại sáng chế, giống cây trồng, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cho GDP… Các mục tiêu cụ thể này được thực hiện tốt sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của Chiến lược là “đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT”.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chiến lược đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện, bao gồm các nhóm giải pháp về: hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác TSTT; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT; hình thành văn hóa SHTT trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT.
Các nhóm giải pháp này cần có sự nỗ lực thực hiện của tất cả các nhóm chủ thể trong hệ thống SHTT, từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền SHTT, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức trung gian và đặc biệt là các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong trong chu trình đổi mới, sáng tạo, đặc biệt quan trọng trong ứng dụng các thành tựu KH&CN, chuyển hóa tri thức - tài sản vô hình thành sản phẩm hữu hình, đáp ứng nhu cầu của con người.
Với việc ban hành Chiến lược và sự chung tay của toàn xã hội, hệ thống SHTT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phổ biến sản phẩm sáng tạo, qua đó phát triển và làm giàu TSTT - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững.
Từ thực tiễn phát triển TSTT của Việt Nam
Nhìn lại chặng đường phát triển gần 40 năm, có thể thấy hệ thống SHTT của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: xây dựng một khung pháp lý về SHTT phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; thiết lập được mạng lưới các cơ quan - tổ chức có chức năng thực thi pháp luật SHTT; số lượng TSTT (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng…) được tạo ra và bảo hộ không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội; SHTT đã và đang nhận được sự quan tâm ngày càng cao của xã hội. TSTT đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong kết cấu giá trị của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế quốc dân. Số liệu thống kê cho thấy số lượng đơn, bằng sáng chế và giải pháp hữu ích của tổ chức, cá nhân Việt Nam tăng đều trong những năm gần đây (trung bình 9,86%/năm đối với đơn và 20,05%/năm đối với bằng trong giai đoạn 2006-2018). Nhiều doanh nghiệp lớn đã sở hữu trong nhiều sáng chế và nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền như Viettel, Công ty Cổ phần sao Thái Dương, Công ty Cổ phần Traphaco...
Một số công ty dược như Traphaco, Sao Thái Dương đã có nhiều TSTT được bảo hộ.
Bên cạnh đó, một số viện nghiên cứu, trường đại học đã kết nối được với các doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam...
Cục SHTT cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức để hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT và ứng dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh cho nhiều cá nhân, tổ chức, qua đó góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng TSTT phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Có thể kể đến một số dự án điển hình áp dụng thành công các sáng chế đã được bảo hộ như dự án sản xuất vật liệu và thiết bị xử lý nước uống an toàn sinh học” do Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (chủ sở hữu sáng chế) chủ trì thực hiện; dự án áp dụng giải pháp hữu ích để sản xuất sản phẩm giàu axit béo omega-3 (thực phẩm chức năng)... Các dự án đều có sự phối hợp triển khai của doanh nghiệp, sau đó chính họ là đối tượng nhận chuyển giao và ứng dụng sáng chế.
Bên cạnh tài sản có trình độ sáng tạo cao là sáng chế, các TSTT khác như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng được các tổ chức, cá nhân Việt Nam quan tâm, đăng ký bảo hộ và đưa vào khai thác thương mại. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu và chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ sớm. Các địa phương trong cả nước đều triển khai nhiều hoạt động, chương trình, dự án để phát triển đặc sản địa phương thông qua việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu tập thể, qua đó gia tăng các giá trị kinh tế cũng như xã hội của các sản phẩm này. Trong khuôn khổ của Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020, đã có gần 200 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT và đưa vào sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi Bình Minh…
Mặc dù vậy, đánh giá một cách khách quan thì hoạt động SHTT vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực sự phát huy vai trò động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Số lượng TSTT của Việt Nam, đặc biệt là sáng chế, chưa nhiều, giá trị tài sản còn nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm trí tuệ mang tính đột phá và có giá trị cạnh tranh trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Một nghiên cứu của Bộ KH&CN cho thấy, những năm gần đây số lượng đơn sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích) nội địa tính trên đầu người của Việt Nam là khoảng 10 đơn/1 triệu dân. Năm 2018, tỷ lệ đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam so với tổng số đơn sáng chế được nộp tại Việt Nam chiếm 15,3%.
Bên cạnh đó, việc thương mại hóa TSTT chưa được quan tâm và đẩy mạnh, chủ yếu diễn ra ở phạm vi hẹp về ngành nghề, tập trung ở công nghệ của nước ngoài. Hiện nay, các ngành đóng góp nhiều cho GDP của Việt Nam vẫn là những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp. Các sáng chế, công nghệ của Việt Nam chưa được thương mại hóa và chuyển giao, ứng dụng rộng rãi, nguyên nhân chính là do trình độ sáng tạo chưa cao, không đủ hấp dẫn dể kêu gọi đầu tư…
Các TSTT khác như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tăng nhiều trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được các thương hiệu mạnh, nhiều chỉ dẫn địa lý chưa phát huy được giá trị của mình...
Đến định hướng chính sách tạo động lực phát triển TSTT
Nhận thức rõ tầm quan trọng của TSTT, trên cơ sở đánh giá thực tiễn phát triển của hệ thống SHTT cũng như nhận định tình hình và xu hướng hoạt động SHTT của thế giới, Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã xác định nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển TSTT. Các giải pháp được đặt ra xuất phát từ việc phân tích 4 trụ cột chính của chu trình phát triển TSTT, đó là tạo ra (sáng tạo), xác lập quyền, khai thác (thương mại hóa) và bảo vệ quyền SHTT. Bên cạnh các giải pháp bao trùm toàn bộ hệ thống SHTT như: hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT và pháp luật liên quan; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT; các giải pháp về nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về SHTT…, có thể kể đến một số nhiệm vụ, giải pháp nổi bật và trực tiếp gắn với mục tiêu phát triển TSTT, cụ thể:
Một là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT: ở nhóm này, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương sẽ tổ chức triển khai một loạt biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, qua đó gia tăng cả về số lượng và chất lượng của TSTT như: xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin SHTT cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; sử dụng các chỉ số đo lường về SHTT làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT…
Hai là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác TSTT. Nhóm giải pháp này được xây dựng nhằm đạt được mục tiêu về nâng cao hiệu quả sử dụng quyền SHTT, gia tăng đóng góp của SHTT vào GDP, trong đó đáng lưu ý là: hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác TSTT; hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập doanh nghiệp để khai thác quyền SHTT, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng TSTT cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá có hàm lượng SHTT cao; mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trung gian để tăng cường kết nối cung cầu về TSTT; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá TSTT làm cơ sở thực hiện các giao dịch trên thị trường…
Có thể thấy rõ Chiến lược hướng đến thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tạo ra và khai thác TSTT, trong đó việc tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu. Các tổ chức nghiên cứu được tạo điều kiện thuận lợi hơn để nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai, nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn để tạo ra các kết quả nghiên cứu vừa có giá trị ứng dụng cao, vừa đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT. Các doanh nghiệp, chủ thể có vai trò chủ đạo trong khai thác TSTT, có cơ hội được hưởng những cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi để tăng cường khai thác TSTT, sử dụng quyền SHTT như một công cụ hữu hiệu thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng và tính cạnh tranh cao.
Và hành động của doanh nghiệp
Đến nay, việc tổ chức thực hiện Chiến lược trong từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã bắt đầu được các bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng Chiến lược chỉ có thể được thực hiện hiệu quả, hệ thống SHTT chỉ có thể đạt được những bước phát triển vượt bậc nếu có sự chung tay, tham gia tích cực của tất cả các chủ thể, đúng như quan điểm phát triển mà Chiến lược đã nêu: “Hoạt động SHTT có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó các viện nghiên cứu, trường đại học, cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác TSTT”.
Được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đóng vai trò chủ đạo trong tạo ra và khai thác TSTT, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để phát huy tốt nhất hiệu quả hoạt động SHTT của mình? Mỗi doanh nghiệp, ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực hoạt động và mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, sẽ có những chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động riêng, tuy nhiên để sớm đi đến thành công, các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn trong những vấn đề sau: i) Nâng cao nhận thức và kiến thức về bảo hộ quyền SHTT, chủ động bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác; ii) Đánh giá tác động và xác định các yếu tố liên quan đến SHTT trong chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; iii) Nâng cao năng lực quản trị TSTT trong doanh nghiệp, ý thức đầu tư tạo ra TSTT và khả năng khai thác TSTT; iv) Đẩy mạnh sử dụng thông tin SHTT, đặc biệt là thông tin sáng chế, nhằm định hướng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, dự báo xu hướng phát triển công nghệ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực hấp thụ các công nghệ tiên tiến của nước ngoài nhưng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
*
*    *
Với quyết tâm của Chính phủ, sự đồng thuận, nỗ lực của tất cả các chủ thể trong xã hội, và đặc biệt với nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam,  chắc chắn Chiến lược SHTT đến năm 2030 sẽ được triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  
Thanh Hằng
Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam
lên đầu trang