Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:47

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:47

Chính sách

Cập nhật lúc 11:15 ngày 03/07/2020

Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Giải bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, thị trường xuất khẩu sẽ mở rộng, việc làm gia tăng, song kéo theo nhiều đòi hỏi về chất lượng theo chuẩn mực của châu Âu đối với sản phẩm của Việt Nam. Để tận dụng hiệu quả những cơ hội từ EVFTA, Việt Nam cần có kế hoạch tổng thể quốc gia về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động quốc gia.
Yêu cầu lao động chất lượng cao
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030) mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào 2025). 
Dự án MUTRAP cũng đưa ra nhận định, ngoài thêm nhiều cơ hội việc làm, lao động Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh và nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, MUTRAP khuyến cáo, EU luôn đặt ra nhiều yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất khắt khe, do đó, áp lực này sẽ được doanh nghiệp (DN) chuyển sang cho người lao động, tạo cơ hội cho người lao động học hỏi trao đổi kinh nghiệm hoặc buộc người lao động phải tự mình cọ xát nâng cao tay nghề.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, tỷ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với tương quan chung trong khu vực cũng như trên thế giới. Điều này dẫn tới việc khi các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam muốn đầu tư vào những công đoạn cao hơn trong các chuỗi giá trị thì đều gặp phải trở ngại là thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, gặp khó khăn trong tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao.
Thực tế, thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng luôn là bài toán khó không chỉ đối với DN trong nước mà kể cả khối DN FDI tại Việt Nam. Mặc dù sản xuất mặt hàng bao bì không thuộc lĩnh vực có sử dụng lao động đặc thù, mà chủ yếu phụ thuộc nguồn lực công nghệ, máy móc, song CEO Blue Sea - bà Lưu Thị Thu Huyền cho hay, ngoài thị trường Mỹ, DN đang dự định sẽ tiếp cận một số thị trường trong EU sau dịch Covid-19, nên vấn đề nhân lực, lao động DN sẽ phải tính toán lại, sàng lọc kỹ hơn ngay trong thời gian ngưng trệ hiện nay, bởi EU đều đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến sản phẩm, lao động. 
Đề cập đến vấn đề này, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, các DN Nhật Bản tiếp tục đánh giá cao môi trương đầu tư hấp dẫn của Việt Nam, đặc biệt là sự sôi động từ các FTA. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại, DN Nhật Bản dự báo sẽ khó tuyển lao động hơn so với những năm trước.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chỉ thị 24 của Thủ tướng đã đề cập toàn diện các vấn đề cần phải được quan tâm trong việc thúc đẩy công tác giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 24, đóng vai trò như chiếc “chìa khóa” để nâng cao chất lượng cũng như đẩy mạnh công tác dạy nghề, đó chính là tăng cường hợp tác “ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, Nhà nước có vai trò dẫn dắt trong việc đề ra hệ thống các chính sách để thúc đẩy công tác này, Nhà trường đóng vai trò chủ thể của công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, và đặc biệt là Nhà doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò là “khách hàng” của ngành đào tạo nghề, mà còn đóng vai trò là chủ thể, cùng với các nhà trường trong công tác đào tạo.
Sự phối hợp giữa Nhà trường và doanh nghiệp
Để giải bài toán về chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, gia tăng sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài trước cơ hội EVFTA mang lại, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ Công Thương, nhiều trường thuộc Bộ đã có sự chủ động đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo, giảng dạy, cung cấp đội ngũ nhân lực theo yêu cầu của tình hình mới. 
Tiến sĩ Trương Huy Hoàng – Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, xác định hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng tất yếu, ngay từ năm 2015 khi Hiệp định FTA được ký kết lần đầu, Trường đã xây dựng chiến lược phát triển để đưa trường đến năm 2030 đạt đẳng cấp quốc tế, thông qua việc xây dựng một kế hoạch toàn diện trên nhiều mặt, như: Hiện đại hoá về cơ sở vật chất; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào trong công tác đào tạo, quản lý; xây dựng các chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; chú trọng đến nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Để cung cầu lao động gặp nhau, sự gắn kết giữa nhà trường với DN là vấn đề đặc biệt được các trường quan tâm, đẩy mạnh. Tại trường Đại học Điện lực, suốt thời gian qua luôn có DN đồng hành trong chuẩn đầu ra, nội dung đào tạo các lĩnh vực chuyên ngành, đến những kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tiếp nhận sinh viên thực tập. Đồng thời, nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác gắn kết với DN, Trường Đại học Điện lực đã thành lập Trung tâm hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp nhằm chuyên nghiệp hóa lĩnh vực hoạt động này, nhờ đó tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm đạt tỷ lệ cao, khoảng 95%. 
Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên của Trường Đại học Sao Đỏ có việc làm khi tốt nghiệp luôn trên 90%, trong đó có nhiều ngành như điện, cơ khí đạt tỷ lệ 94%. Tới đây, để có thể cung cấp lực lượng lao động đáp ứng được đòi hỏi của hội nhập quốc tế, trường sẽ tiếp tục duy trì gắn kết đào tạo với hơn 50 DN, trong đó có nhiều DN, tập đoàn lớn như Toyota, SamSung, Canon…. “Hợp tác với DN là chiến lược được ưu tiên trong đào tạo, nhờ sự tham gia đánh giá của các DN, nội dung đào tào được đổi mới theo hướng tiên tiến, hiện đại, sinh viên có kỹ cao, sát với thực tế sản xuất, có thể tiếp nhận ngay các vị trí công việc tại DN mà không cần đào tạo lại”- đại diện nhà trường cho hay.
Được biết, để giúp cơ quan quản lý nhà nước, DN, các đơn vị đào tạo, người lao động tiếp cận được thông tin, tìm hiểu cam kết, yêu cầu của EVFTA, theo Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu trải dài hầu khắp các tỉnh thành, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O; và/hoặc nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu. 
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
lên đầu trang