Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 13:47

Thứ ba, 19/03/2024 | 13:47

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 11:15 ngày 03/07/2020

Nâng cao năng suất cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hàng hóa ngành công nghiệp đến 2020 (1 trong 9 dự án thành phần thuộc Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020) đã có gần 500 mô hình điểm được áp dụng vào thực tiễn, giúp nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp từng bước cải tiến năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Ngày 25/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 604/QĐ-TTg về việc phê duyệt dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành công nghiệp đến năm 2020" thuộc Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020" (Chương trình 712). Giai đoạn 2012-2020, dự án đã tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp
Ngay sau khi dự án được phê duyệt, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo, điều hành và cơ quan giúp việc đặt tại Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để tổ chức, thực hiện dự án. Bám sát nội dung và mục tiêu được giao, Ban chỉ đạo, điều hành dự án ưu tiên lựa chọn, triển khai các phương thức phù hợp, linh hoạt. Theo đó, Ban chỉ đạo, điều hành đã lựa những công cụ, hệ thống có tính nền tảng đối với hoạt động quản trị của doanh nghiệp như hệ thống ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 50001, công cụ cải tiến 5S, Kaizen... để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng. Sau đó sẽ hỗ trợ triển khai áp dụng các hệ thống quản lý có tính đặc thù đi vào vấn đề chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp. Công ty Cổ phần may Nam Hà (là một trong những doanh nghiệp đi đầu của ngành dệt may Việt Nam) đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen. Tại hệ thống chuyền treo thông minh, chuyên gia đã tổ chức đào tạo lại lao động, bố trí thiết bị theo dạng dòng chảy…; nhờ đó, đã nâng tỷ lệ lên chuyền từ 40 lên 80%. Song song với đó, Công ty cũng thống nhất tiêu chuẩn cho từng mã hàng và hệ thống hóa các lỗi cuối chuyền; trong chuyền đã đưa ra biện pháp phòng, chống lỗi bằng Kaizen để hạn chế việc lỗi lặp lại và hạn chế làm lại trong chuyền. Kết quả, tỷ lệ lỗi đã giảm từ 12 xuống 7,6%. Đối với tổ sản xuất, sau khi cải tiến tại chuyền điểm 15, năng suất mã hàng 8202 đã tăng từ 500 lên 630 sản phẩm/ngày (tăng 25%) với số lao động 18 người... Bên cạnh đó, Công ty cũng phối hợp với đơn vị cung cấp thiết kế phần mềm chuyên dụng nhằm xây dựng quy trình cải tiến năng suất chuyền may. Nhờ đó, sản xuất thực tế đã tăng từ 70 lên 85% so với kế hoạch ban đầu, góp phần tăng năng suất lao động lên 30%... Nhận thấy cải tiến năng suất, chất lượng là hoạt động liên tục, năm 2018-2019, với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và Viện Năng suất Việt Nam, Công ty tiếp tục xây dựng một mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A. Cụ thể, Công ty đã thay đổi trách nhiệm rải chuyền, đầu tư phần mềm quản lý sản xuất, sử dụng để thiết kế sắp xếp chuyền tối ưu. Kết quả, thời gian chuyển đổi mã hàng đã giảm từ 2-3 giờ trước đây xuống còn 30-60 phút (từ mã đơn giản đến phức tạp), tổng thời gian chuyển đổi giảm từ 8 giờ xuống 4 giờ. Bằng nhiều nỗ lực, năng suất lao động của Công ty năm 2019 đã tăng 23%, doanh thu sản xuất tăng 17%, thu nhập bình quân người lao động tăng 23%, tỷ lệ sản phẩm lỗi khi kiểm xuất giảm 13% so với năm 2018.  
Tại Tổng công ty may Đức Giang và các đơn vị thành viên, sau khi áp dụng các công cụ cải tiến, đã góp phần rút ngắn thời gian chuẩn bị sản xuất, giảm lượng hàng tồn kho và tăng năng suất thiết bị. Thời gian chuyển đổi mã hàng mới đã giảm từ 8 xuống còn 6 giờ; đối với mã hàng truyền thống giảm từ 6 xuống 4 giờ. Tỷ lệ sai lỗi trên chuyền giảm từ 15 xuống còn 10%, giảm 20-50% thời gian ngừng máy so với trước khi thực hiện cải tiến; năng suất lao động tăng 5-8%, lượng hàng tồn trên chuyền giảm từ Lean 10 xuống Lean 8. Đặc biệt, nhờ sự gọn gàng ngăn nắp mà công tác an toàn phòng chống cháy nổ cũng rất thuận lợi, người lao động yên tâm làm việc trong môi trường thông thoáng, sạch đẹp và an toàn.
Tại hầu hết các đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001-2008. Nhiều công ty đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18000... Các đơn vị của Tập đoàn đã áp dụng các công cụ cải tiến và kiểm soát chất lượng như: hoạch định chất lượng sản phẩm (APQP: Advanced Product Quality Planning), quy trình phê duyệt sản xuất (PPAP: Production Part Approval Process)... 5S, Kaizen. Kết quả đạt được khi áp dụng các nhóm giải pháp là rất rõ ràng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nói chung. Điển hình như Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Ðiển đã giảm định mức tiêu hao than, điện tại cửa lò; cũng nhờ đó mà chất lượng sản phẩm nâng cao, tiêu thụ rộng khắp trong nước và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Malaixia... Hiện, công ty đang tập trung nghiên cứu sử dụng các nguyên, nhiên liệu thay thế một phần quặng Apatit cục loại 2, than cục, phụ gia... để tiếp tục giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 14001, sản phẩm của Công ty Cổ phần supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã được xuất sang Nhật Bản, Niu Dilân; sản phẩm lân nung chảy dạng hạt 1517% P2O5 hữu hiệu, sấy khô, bước đầu xuất sang Hàn Quốc…
Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 99,3% doanh nghiệp đánh giá việc áp dụng các công cụ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đã mang lại hiệu quả rõ nét, trong đó yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, 54,2% doanh nghiệp có giảm thiểu lãng phí nguyên -nhiên vật liệu, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng. Hiện có 94,8% các mô hình điểm tiếp tục duy trì sau khi kết thúc dự án, trong đó, 22,2% mô hình được mở rộng.
Tạo đòn bẩy để phát triển
Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tăng năng suất 15-30% (thậm chí lên tới 40-45%) thông qua cải tiến quy trình, tổ chức lại sản xuất, giảm lãng phí, sai lỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị… Tuy nhiên, hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm là hoạt động tự thân và yêu cầu nội tại của mỗi doanh nghiệp nên việc triển khai hoạt động này sẽ dựa chủ yếu vào nguồn lực của doanh nghiệp. Do đó, việc nâng cao năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các doanh nghiệp về mặt giải pháp sẽ tiếp cận toàn diện từ việc định hình lại chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới; thiết lập, tối ưu, hiện đại hóa hệ thống quản trị tới nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo, nâng cao trình độ người lao động cũng như cán bộ quản lý; gắn kết và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp, tạo bước nhảy vọt cho vấn đề năng suất và chất lượng.
Để làm được điều đó, Nhà nước cần khuyến khích, tạo đòn bẩy, môi trường và các hệ sinh thái để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, cần tạo động lực cho các hoạt động tự cải tiến tại doanh nghiệp thông qua phát động các cuộc thi về cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng; công bố, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động cải tiến; vinh danh các nhóm giải pháp hiệu quả, điển hình cho hoạt động cải tiến trong ngành, lĩnh vực. Xây dựng tiêu chí, quy trình, cơ chế đánh giá, công nhận các hoạt động cải tiến của doanh nghiệp; các mô hình về đánh giá chứng nhận thực hành tốt 5S, các công cụ cải tiến sẽ được từng bước chuẩn hóa… Đặc biệt, cần lựa chọn đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu nhằm tăng cường năng lực cho một số đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyên ngành trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam
lên đầu trang