Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:12

Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:12

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 20:27 ngày 06/07/2020

Thành phố Hà Nội tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm

Hiện nay, Hà Nội có hơn 83.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hơn 600 điểm kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, 07 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và hơn 900 điểm giết mổ thủ công nhỏ lẻ, 5.000 ha rau màu an toàn. Sản xuất thực phẩm của Thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Ảnh minh họa
Trong quý II năm 2020, thành phố Hà Nội đã tiếp tục có các hoạt động triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm, cụ thể:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm, phân công, phân cấp quản lý và phối hợp trong công tác an toàn thực phẩm.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đặc biệt đẩy mạnh trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, lồng ghép các khuyến cáo về hạn chế ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật hoang dã, v.v. trong thời gian cao điểm diễn ra dịch Covid-19. Đã có 178 tin, bài, phóng sự về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, công tác quản lý an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền các mô hình, cách làm tốt trong sản xuất kinh doanh được phát sóng. Thành phố đã tổ chức 105 buổi hội thảo chuyên đề an toàn thực phẩm với hơn 8.400 lượng người tham dự; tổ chức 398 buổi trao đổi lồng ghép an toàn thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19 dưới dạng trực tuyến và trực tiếp với hơn 190.000 người tham dự; phát thanh hơn 35.000 lượt tuyên truyền lồng ghép an toàn thực phẩm với phòng chống dịch Covid-19 qua hệ thống loa truyền thanh; phát hơn 252.000 tờ rơi tuyên truyền. Đồng thời, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phát sóng Chương trình Nhận biết thực phẩm an toàn lúc 15h30 chiều thứ bảy hàng tuần để truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
- Tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn thông qua các chương trình, đề án về rau an toàn, lúa hàng hóa chất lượng cao, sản phẩm chăn nuôi đảm bảo, v..v.. hình thành các vùng sản xuất tập trung, đạt hơn 225 ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hình thành 76 xã trọng điểm và hơn 2.300 trại quy mô lớn về chăn nuôi, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
- Xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QRcode và cấp mã cho 460 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với hơn 5.500 sản phẩm được quản lý.
- Duy trì và phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn; đạt 786 chuỗi cung ứng (tăng 20 chuỗi với năm 2019), trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đẩy mạng các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trong lưu thông, xây dựng đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025; kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, v..v.. Duy trì các đơn vị thực hiện công tác kiểm nghiệm và các xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm lưu động.
- Cấp 301 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 178 Giấy tiếp nhận công bố, 35 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, 85 Giấy xác nhận kiến thức, tiếp nhận 2.028 Bản tự công bố sản phẩm.
- Điều tra kịp thời 01 vụ ngộ độc rượu (do methanol) với 12 người mắc, 03 người tử vong xảy ra tại xã Kiêu Kỵ - Gia Lâm; 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam (Mê Linh) với 29 người mắc, không có trường hợp tử vong.
- Tổ chức hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, phát hiện hơn 27.000 trường hợp vi phạm và có hình thức xử phạt đối với hơn 1.900 cơ sở.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai các chỉ thị về quản lý an toàn thực phẩm và tổng kết, đánh giá các hoạt động đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, đưa các tiêu chí an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền; tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra; đẩy mạnh phát triển các mô hình và chuỗi sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để giảm các cơ sở giết mổ trong khu dân cư; phát triển và nâng cấp hệ thống chợ, chợ đầu mối; đơn giản hóa và nâng cao tính hiệu quả của các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm theo thẩm quyền.
Hương Quỳnh (Vụ Khoa học và công nghệ)

lên đầu trang